Sáng thứ hai hằng tuần, 42 HS tại làng Kon Ktủ lại mang theo lỉnh kỉnh đồ đạc đến Trường THCS Đăk Ruồng. Ngoài cặp sách, các em còn phải mang quần áo cùng vài ký gạo, măng rừng… đủ dùng cho 6 ngày ở lại trường.
Theo ông Đoàn Văn Thoài, Hiệu trưởng Trường THCS Đăk Ruồng, năm 2020, cầu treo bắc qua sông Đăk Bla nối làng Kon Ktủ với trung tâm xã Đăk Ruồng bị lũ cuốn trôi. Từ đó, các HS trong làng Kon Ktủ bắt buộc phải đi đường vòng dài hơn 14 km để đến trường. Thời gian đầu, các phụ huynh phải đưa đón con em đi học hằng ngày rất vất vả. Nhận thấy việc đi lại xa xôi sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập cũng như sĩ số HS, nhà trường tổ chức họp phụ huynh và đề xuất phương án cho nhóm HS này ăn, ở tại trường để thuận lợi trong việc học tập.
Qua quá trình vận động, nhà trường đã thuyết phục được toàn bộ phụ huynh đưa con ra ở tại trung tâm xã và cắt cử phụ huynh đến trông coi mỗi tuần. Do chưa chuẩn bị được nơi ăn, chốn ở cho HS nên nhà trường phải mượn cơ sở vật chất của Trung tâm giáo dục thường xuyên của huyện để các em có chỗ tá túc trong thời gian đầu. Sau đó vài tháng, huyện đã trích một phần kinh phí để nhà trường xây dựng khu nhà ở cho HS. Từ đó, nhóm HS này được chuyển về ở tại trường, phụ huynh cũng không phải đến trông coi con em nữa mà giao hết lại cho nhà trường quản lý.
Thời gian đầu, khi các HS ở lại trường, phụ huynh có gì góp đó. Chứng kiến bữa ăn đạm bạc của HS, tập thể giáo viên nhà trường đã trích một phần tiền lương để hỗ trợ các em. Sau đó, các giáo viên đã đăng tải bữa ăn của các em lên mạng xã hội để kêu gọi hỗ trợ.
Nắm được sự việc, dự án “Nuôi em” của nhóm tình nguyện Niềm tin đã tài trợ bữa ăn cho các HS tại làng Kon Ktủ với kinh phí 17.000 đồng/ngày/em. Kể từ đây, bữa cơm của các em mới được đảm bảo về chất lượng.
Là người trực tiếp quản lý, chăm sóc cho nhóm HS bán trú làng Kon Ktủ, thầy Nguyễn Văn Đạt (giáo viên môn sử) cho hay thời gian đầu đón các em ra ăn, ở gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, các em là người đồng bào dân tộc thiểu số, chưa quen với môi trường tập thể, việc sinh hoạt hằng ngày cũng như vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ăn chốn ở còn chưa đảm bảo. Thậm chí, giáo viên còn phải bỏ tiền mua bàn chải đánh răng, khăn mặt, xà phòng tắm… cho các em.