Một phụ huynh hỏi về việc học nghề điều dưỡng để có thể ra nước ngoài làm việc ở, đã được các chuyên gia giải đáp tại chương trình tư vấn trực tuyến do Báo Thanh Niên tổ chức chiều 22.6 với chủ đề “Những lựa chọn cho học sinh không vào lớp 10 công lập”.
Đào tạo theo đơn đặt hàng của nước ngoài
“Tôi nghe nói học ngành điều dưỡng có thể được đi làm việc ở nước ngoài, chương trình này cụ thể ra sao, có cần đáp ứng điều kiện gì không?” là thắc mắc của chị Ngô Hải Châu, phụ huynh Q.12, TP.HCM.
Trả lời cho câu hỏi này, cô Nguyễn Thị Kim Phụng, giáo viên quản nhiệm ban THPT Trường CĐ Quốc tế TP.HCM, cho biết: “Trường có ký hợp đồng với các bệnh viện lớn của thành phố như Nhi Đồng 1, Nhi Đồng 2, Nhi đồng thành phố, Chấn thương chỉnh hình… để đưa học sinh ngành điều dưỡng đến thực tập. Ngay sau khi tốt nghiệp các em sẽ được các bệnh viện nhận vào làm việc”.
Theo cô Phụng, không chỉ Việt Nam đang rất cần nhân sự ngành điều dưỡng mà nhiều nước trên thế giới như Đức, Nhật, Úc, Singapore… cũng đang thiếu hụt. Vì thế, cơ hội cho học sinh tốt nghiệp ngành này đi làm việc ở nước ngoài là rất lớn.
“Trường cũng kết hợp dạy tiếng Nhật và Đức để tạo điều kiện cho các em ra nước ngoài làm việc. Ngoài ra, một số tập đoàn của Úc đã ký kết với trường đặt hàng đào tạo ngành điều dưỡng theo chương trình của họ, học xong các em sang Úc làm việc với mức lương khởi điểm không dưới 100 triệu đồng/tháng”, cô Kim Phụng thông tin.
Học kỹ thuật đi làm có nặng nhọc vất vả?
Trong khi đó, phụ huynh Huỳnh Văn Tước, Q.Phú Nhuận (TP.HCM), băn khoăn: “Con tôi thích máy móc, kỹ thuật. Liệu học ngành kỹ thuật thì sau này đi làm có nặng nhọc vất vả hay không? Thầy cô có thể tư vấn giúp nên học ngành nào để đỡ cực nhất mà lại dễ kiếm việc?”.
Thạc sĩ Nguyễn Thành Nhơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và truyền thông Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho rằng, với hệ nghề cho học sinh tốt nghiệp THCS, có không ít em chọn ngành liên quan đến máy móc, kỹ thuật.
“Trường có các ngành công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật điện-điện tử, cơ điện tử, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí. Hiện tại có nhiều vị trí công việc cho mỗi ngành nghề, trong đó có những vị trí, môi trường không hề nặng nhọc vất vả. Chẳng hạn, học công nghệ ô tô ra các em có thể lựa chọn làm việc tại các showroom xe, trang trí xe, hoặc ngành điện lạnh thì có thể mở cửa hàng chuyên bán điện lạnh điện tử, làm công việc bảo hành cho các hãng…”, ông Nhơn chia sẻ
Dương Phương Nghi, học sinh ở Q.Tân Bình (TP.HCM) đặt câu hỏi: “Em là người vui vẻ, thích hoạt náo nhưng không cao ráo nên không cảm thấy không tự tin. Vậy em có thể học ngành hướng dẫn viên du lịch không? Cơ hội việc làm ngành này ra sao?”.
Thạc sĩ Trần Phương, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao, giải đáp: “Có 2 ngành mà em có thể đăng ký là hướng dẫn du lịch và quản trị dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện. Nếu học làm hướng dẫn viên, các em vẫn có thể làm việc văn phòng tại công ty lữ hành, văn phòng thương mại về du lịch… Còn ngành quản trị dịch vụ giải trí và tổ chức sự kiện sẽ giúp các em trở thành những nhà truyền thông, phát triển các show, tổ chức chương trình biểu diễn, xây dựng nội dung, kịch bản cho sự kiện…”.
Theo thạc sĩ Trần Phương, tất cả ngành học ở bậc trung cấp, sau khi học sinh tốt nghiệp và hoàn thành khối lượng kiến thức văn hóa THPT do Bộ GD-ĐT quy định, thì học sinh đều có thể liên thông lên CĐ, ĐH.