Bài viết trên web Đại học Tài chính – Kế toán thông tin, ngành tài chính – ngân hàng luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của đất nước, nhất là quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì ngành này càng quan trọng.
Khi học ngành học này, bạn sẽ được cung cấp đầy đủ kiến thức về nghiệp vụ ngân hàng, tiền tệ, đầu tư tài chính, chính sách thuế… đồng thời, sinh viên còn được rèn luyện kỹ năng phân tích dự báo các vấn đề liên quan đến tài chính, tiền tệ. Dựa vào đó, bạn có thể đưa ra những định hướng, quyết định trong việc đầu tư và quản trị tài chính trên thị trường chứng khoán.
Học ngành tài chính – ngân hàng có khó không?
Đây là thắc mắc chung của nhiều thí sinh trước khi quyết định đăng ký nguyện vọng vào ngành nghề mà mình yêu thích trong mỗi mùa tuyển sinh. Riêng với ngành tài chính – ngân hàng, để biết được học có khó không còn phải tùy thuộc vào tố chất và năng lực của mỗi người.
Bài viết trên website Đại học Hoa Sen cho biết, ngành học này liên quan nhiều đến những con số, phép tính, đòi hỏi sinh viên giỏi tính toán. Cùng với đó, bạn phải có trí nhớ tốt, tư duy linh hoạt, nhạy bén để hỗ trợ việc phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề về quản lý, đầu tư sử dụng vốn.
Ngoài ra, sinh viên, người làm ngành này cần khả năng giao tiếp tốt, để giúp bạn dễ dàng hơn khi giao dịch, đàm phán. Cuối cùng, bạn cần có thêm khả năng chịu được áp lực cao, luôn cẩn trọng, tỉ mỉ, chính xác trong công việc.
Cho nên, tùy vào năng lực của mỗi người sẽ thấy ngành tài chính – ngân hàng học có khó không.
Cơ hội việc làm của ngành tài chính – ngân hàng
Theo phân tích từ Đại học Tài chính – Kế Toán, ngành tài chính – ngân hàng có cơ hội, vị trí việc làm rộng mở như: phân tích tài chính, lập kế hoạch tài chính, quản lý ngân sách hoặc vị trí quản trị tài chính tại các doanh nghiệp. Ngoài ra, bạn còn có thể lựa chọn vị trí việc làm tại các ngân hàng, công ty bảo hiểm, chứng khoán, bất động sản, quỹ đầu tư…
Bạn cũng có thể xin vào làm việc trong hệ thống tài chính công, các đơn vị hành chính nhà nước; các đơn vị sự nghiệp công lập; công ty tư vấn tài chính và cơ quan tài chính (nhân viên chi cục thuế, nhân viên hải quan, nhân viên kho bạc nhà nước, nhân viên bảo hiểm xã hội, nhân viên kiểm toán nhà nước, nhân viên tư vấn thuế…).
Hiện tại, mức lương của sinh viên ngành tài chính – ngân hàng sau khi ra trường được dao động từ 10 đến 30 triệu đồng/tháng, đây được đánh giá là mức lương cao. So với các ngành nghề như bác sĩ, giáo viên… nhân viên tài chính – ngân hàng có mức lương ổn định hơn. Đồng thời, nhân viên ngành tài chính – ngân hàng còn nhận được hưởng nhiều ưu đãi khác, do có môi trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Tuyết Anh(Tổng hợp)