Nhiều ngành nghề sẽ mất đi
Hiện nay, Chat GPT đang khiến cho hàng triệu người trên khắp thế giới kinh ngạc, chứng minh sức mạnh của trí tuệ nhân tạo có thể làm được những việc rất khó, đòi hỏi chuyên môn sâu. Nhiều chuyên gia cho rằng, trong tương lai gần trí tuệ nhân tạo còn bùng nổ hơn nữa, được ứng dụng trong nhiều ngành nghề và nó sẽ thay thế con người trong một số lĩnh vực, công việc.
Trong bối cảnh, nhiều thí sinh cảm thấy do dự khi lựa chọn ngành nghề theo đuổi học tập sau khi rời ghế phổ thông. Nhiều em cảm thấy hơi mất phương hướng không biết cần lựa chọn hướng đi phù hợp cho tương lai của chính mình.
Em Trần Thu Thảo học sinh trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội chia sẻ: “Em thấy nhiều thông tin liên quan đến chat GPT và trí tuệ nhân tạo, có nhiều chuyên gia cảnh báo một số ngành nghề sẽ mất đi, có nhiều thay đổi liên quan đến nhiều ngành nghề khác. Chính vì vậy, em chưa quyết định lựa chọn nghề nghiệp của mình. Em cần thời gian để suy nghĩ nhiều hơn”.
Giống như em Trần Thu Thảo, nhiều học sinh THPT hiện nay cảm thấy không tự tin khi lựa chọn ngành nghề để theo học sau này. Chứng kiến nhiều trường hợp sinh viên học xong ra trường đi làm trái ngành, không làm được đúng việc mình được đào tạo chuyên sâu nên các em lại càng phân vân. Giờ đây, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển, mức cạnh tranh nghề nghiệp dự báo sẽ còn cao hơn nên đa số học sinh đều cân nhắc rất cẩn thận trong lựa chọn ngành học, trường học.
Em Hoàng Trung Hải học sinh trường THPT Kim Liên, Hà Nội bày tỏ: “Điều cần lúc này với em là phải lắng nghe ý kiến từ những người đi trước. Bản thân em chưa thực sự quyết định mà chỉ có các phương án để lựa chọn”.
Trước những suy nghĩ, đắn đo của học sinh đang học lớp 12 về lựa chọn trường học, ngành học sao cho không bị thất nghiệp khi ra trường, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với ông Trần Thành Nam – Giảng viên Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội, Chuyên gia về tâm lý học, thành viên Hiệp hội tâm lý giáo dục Việt Nam.
Theo ông Trần Thành Nam, việc lựa chọn ngành nghề rất quan trọng, các thí sinh cần lựa chọn ngành trước hết mình phải có năng khiếu, có đam mê và có chút sáng tạo riêng… như vậy sau này mới có cơ hội thành công. “Còn những ngành nghề mà chỉ học mang tính chất thao tác, làm việc lặp đi lặp lại thì sớm muộn gì rô bốt, trí tuệ nhân tạo cũng thay thế” – ông Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Khi trí tuệ nhân tạo phát triển, các chương trình đào tạo ở bất cứ ngành nghề nào cũng cập nhật nội dung đào tạo để tận dụng sức mạnh của công nghệ AI. Chính vì thế, đi học sẽ tăng cơ hội nghề nghiệp về sau. “Trước khi có chat GPT ra đời thì AI đã phát triển gần 10 năm nay. Tất cả ngành nghề nào mang tính chất lặp đi, lặp lại, đơn thuần ít có tư duy ứng biến, sáng tạo mang tính chất cá nhân hóa thì nó sẽ bị thay thế” – ông Trần Thành Nam nhận định.
Theo vị này, các ngành như lễ tân, tư vấn tài chính, chăm sóc khách hàng… thì AI sẽ làm tốt hơn. Trí tuệ nhân tạo không chỉ cung cấp thông tin đơn thuần nữa mà đã biết cô đọng cả tri thức. Tuy nhiên, hiện trí tuệ nhân tạo vẫn chưa thông minh được như con người, chưa thể ứng biến linh hoạt, sáng tạo giống con người.
“Việc học đại học giờ cần xác định không phải học một ngành rồi khi ra trường làm một việc cho đến hết đời. Mà cần xác định, bối cảnh còn thay đổi dữ dội nữa trong tương lai. Do đó, nhiều ngành hot hiện nay nhưng sau 10 năm, 20 năm nữa thì chưa biết sẽ như thế nào. Nên người học nên chọn học một ngành nhưng học được kỹ năng của nhiều ngành nghề khác. Để khi ra trường có thể làm được nhiều nghề với nhiều vị trí công việc” – ông Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Học tập suốt đời mới có cơ hội
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, bây giờ để làm thành thạo, có chỗ đứng trong một lĩnh vực nào đó đòi hỏi phải có kiến thức của rất nhiều ngành. “Việc học tập hiện nay là liên tục, đừng nghĩ thi vào trường đại học, tốt nghiệp xong sẽ ổn định, có công việc suốt đời. Nên xác định chọn một ngành đại học phù hợp với mình. Ra trường sau 5 đến 7 năm nữa sẽ cần học tiếp để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng. Xu hướng sau này, một người sẽ có kiến thức nhiều ngành, sẽ phải học nhiều và liên tục. Tương lai một người sẽ có rất nhiều bằng nhưng đó là bằng của quá trình học tập suốt đời, học để thích nghi của biến đổi của xã hội” – ông Trần Thành Nam phân tích.
Một lần nữa ông Trần Thành Nam nhấn mạnh rằng: “Chọn nghề thì vẫn phải lựa chọn theo năng khiếu, thế mạnh, đam mê, năng lực và sở thích. Khi thực sự đam mê, xem đó là thế mạnh của bản thân thì trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng sẽ thành công. Trong bối cảnh càng robot, càng công nghiệp, càng giống nhau nếu người lao động hoạt động nghề nghiệp mà tạo ra được đặc trưng riêng, mang đậm phong cách cá nhân, có tâm huyết, gửi gắm cả tâm hồn, đưa công việc trở thành một thứ nghệ thuật, đam mê thì không lo trí tuệ nhân tạo thay thế” – ông Trần Thành Nam nhấn mạnh.
Ảnh hưởng của Chat GPT nói riêng, AI nói chung đối với các ngành, nghề hiện nay theo nhiều chuyên gia: Đây là tiếng chuông cảnh báo cho “những người đang cảm thấy an toàn và bằng lòng với công việc hiện tại”. Theo đó, AI đã ảnh hưởng tới sự vận hành của các công ty công nghệ tài chính (Fintech) từ rất lâu. Nhiều chuyên gia vốn dựa vào kinh nghiệm đã dần được thay thế bằng Trí tuệ nhân tạo (AI – Artificial Intelligence), Máy học (ML – Machine learning), Học sâu (DL – Deep Learning).
Qua thời gian, AI với quá trình tự học hỏi sẽ hiểu khách hàng hơn, không bị áp đặt cảm xúc khi tiếp xúc, hiệu suất làm việc lớn hơn bất kể ngày đêm. Với điều kiện tập mẫu khách hàng đủ lớn, AI sẽ chứng minh được lợi thế. Trong trường hợp này, một số ngành như telesales, chăm sóc khách hàng sẽ bị đánh bại đầu tiên. AI sẽ làm việc hiệu quả trên diện rộng mà không cần mất công đào tạo từng nhân sự.
Như vậy có thể thấy, sự xuất hiện của Chat GPT, sự bùng nổ trí tuệ nhân tạo là bối cảnh chung, dự báo trong tương lai trí tuệ nhân tạo còn tác động sâu sắc tới nhiều lĩnh vực trong đó có giáo dục, việc làm. Nhiều ngành nghề sẽ mất đi nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội mới. Nếu người học đam mê lĩnh vực mình lựa chọn, có kiến thức chuyên sâu và sức sáng tạo trong nghề nghiệp thì sẽ thành công trong tương lai không quá lo robot, trí tuệ nhân tạo thay thế.
Lao động phổ thông dễ bị sa thải Sau này các nghề liên quan đến công thức thì máy móc sẽ thay thế. Đi học nghề cũng là một lựa chọn, sau này làm công nhân chất lượng cao. Xác định công nhân bây giờ phải đối diện với thực tế “thất nghiệp ở tuổi 35”. Khi không chịu học tập thêm kỹ năng nghề, trong khi tốc độ, sức bền, sự khéo léo sẽ yếu đi theo lứa tuổi. Đến lúc nào đó chắc chắn sẽ không có cơ hội nào để làm việc. |
Trinh Phúc