Bên cạnh khối lượng kiến thức cơ bản về pháp luật nói chung, khi theo học ngành Luật kinh tế bạn sẽ được học tập và nghiên cứu tập trung vào những bộ luật liên quan đến lĩnh vực thương mại cũng như vấn đề về kinh tế.
Để biết được học ngành Luật kinh tế ra trường làm gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết dưới đây:
Học Luật kinh tế ra trường làm công việc gì?
Luật kinh tế là bộ phận quan trọng của hệ thống pháp luật kinh tế, tồn tại và hoạt động như ngành luật độc lập trong hệ thống các ngành luật Việt Nam, gồm các quy phạm pháp luật điều chỉnh, giải quyết các vấn đề như tranh chấp, cạnh tranh, độc quyền, sở hữu trí tuệ… phát sinh trong kinh doanh, thương mại.
Lĩnh vực này ra đời nhằm duy trì và giải quyết các tranh chấp trong kinh doanh, thương mại cũng như đảm bảo quy trình hoạt động của các doanh nghiệp trong quá trình trao đổi, giao thương cả trong nước và quốc tế.
Theo bài viết trên website Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, ngành Luật kinh tế đang nằm trong nhóm ngành có cơ hội việc làm cao, với mức lương và chế độ đãi ngộ hấp dẫn. Tuỳ vào năng lực và số năm kinh nghiệm, mức lương dành cho cử nhân Luật kinh tế dao động từ 6 đến 40 triệu đồng/tháng.
Sau khi tốt nghiệp ngành Luật kinh tế, bạn có thể đảm nhận các vị trí công việc như: Chuyên gia tư vấn pháp lý, phân tích, đánh giá, giải quyết các vấn đề phát sinh trong kinh doanh; Chuyên viên thực hiện dịch vụ pháp lý của Luật sư hoặc người hành nghề Luật sư; Chuyên viên tư vấn pháp luật, chuyên viên lập pháp, hành pháp và tư pháp, Nghiên cứu, giảng dạy về Luật kinh tế tại các cơ quan, trường học.
Một số trường đào tạo ngành Luật kinh tế
Trường Đại học Luật Hà Nội sử dụng 8 tổ hợp xét tuyển đối với ngành Luật kinh tế, mức điểm chuẩn lần lượt là: A00; A01 (25,5 điểm), C00 (27,36 điểm), D01; D02; D03; D05; D06 (26,5 điểm). Ngoài phương thức xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành học này còn xét theo 3 phương thức khác: Xét tuyển thẳng, xét tuyển các thi sinh tham dự cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia và xét học bạ bậc THPT.
Mức học phí đối với chương trình đào tạo chuẩn năm học 2023 – 2024 dự kiến 685 nghìn đồng/tín chỉ. Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ thông báo khi có lộ trình tăng học phí.
Học viện Ngân hàng – năm 2023 tuyển sinh ngành Luật kinh tế theo 5 phương thức: Xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển dựa trên chứng chỉ quốc tế và xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội.
Với phương thức xét điểm thi tốt nhiệp THPT, năm nay ngành Luật kinh tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 25,52 điểm, với 4 tổ hợp môn A00; A01; D01; D07 và 26,5 điểm xét 4 tổ hợp C00; C03; D14; D15.
Đại học Luật (Đại học Huế) đối với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, ngành Luật kinh tế lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 19 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; C00; C20; D01. Trong khi đó, phương thức xét điểm học bạ lấy 21 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển tương tự.
Năm 2023, dự kiến sinh viên sẽ phải đóng khoảng 13.75 triệu đồng/năm học. Mức thu này tăng 10%, đúng theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Trường Đại học Kinh tế – Luật TP.HCM – năm 2023, ngành Luật kinh tế của trường tuyển sinh theo 4 tổ hợp môn thi A00; A01; D01; D07. Hiện trường đang đào tạo ba chuyên ngành chính với mức điểm chuẩn lần lượt là: Luật Kinh doanh (26 điểm), Chuẩn ngành Luật thương mại quốc tế (26,2 điểm) và Chuẩn ngành Luật thương mại quốc tế (Tiếng Anh) (25,02 điểm).
Trường thông báo mức học phí năm học 2023-2024 là 25,9 triệu đồng/năm đối với chương trình đào tạo tiếng Việt, 50,9 triệu đồng/năm đối với chương trình đào tạo tiếng Anh. Học phí các năm sau mỗi năm tăng 10 – 12,8%.
Anh Anh(Tổng hợp)