Câu chuyện dạy và học môn lịch sử ở nước ta sau nhiều năm vẫn có những tranh luận mà gần đây là liên quan đến việc có nên chuyển môn học này thành môn tự chọn hay không.
Là người quan tâm đến giáo dục cho thế hệ trẻ, tôi kể lại đây một câu chuyện nhỏ về cách mà người Hàn giới thiệu về lịch sử nước họ tới sinh viên quốc tế để chúng ta qua đó có thêm một cách tiếp cận mới về việc làm truyền thông với lịch sử dân tộc.
Tôi có may mắn được chọn để tham gia vào chuyến tham quan trải nghiệm (fieldtrip) do Bảo tàng Quốc gia Hàn Quốc (NLK) tổ chức.
Chương trình diễn ra tại các địa danh lịch sử ở đảo Ganghwa và đảo Gyodong thuộc TP Incheon của vùng thủ đô Seoul. Do là chương trình hoàn toàn miễn phí nên đơn vị tổ chức chỉ chọn 18 sinh viên quốc tế (từ 9 quốc gia) tham dự từ hàng trăm đơn đăng ký.
Trong suốt chương trình, cùng với công tác tổ chức chu đáo thì chính cách làm truyền thông về lịch sử đã khiến chuyến đi đem lại những cảm xúc đặc biệt cho người tham dự.
Đoàn tham quan tại một di tích lịch sử trong chuyến thăm đảo Ganghwa và đảo Gyodong, TP Incheon – Hàn Quốc
Trước khi khởi hành, những sinh viên tham gia được đề nghị đọc trước 2 cuốn sách về giai đoạn lịch sử mà chuyến đi hướng tới; đồng thời để tăng thêm phần thú vị, ban tổ chức cũng giới thiệu bộ phim cổ trang nổi tiếng “King and the clown” (Nhà vua và chàng hề), nói về một giai đoạn của vua Yeonsan – người phải sống lưu vong ở đảo Ganghwa.
Những câu chuyện lịch sử trong chuyến đi được thiết kế theo dòng thời gian tuyến tính, với những sự kiện được kể lại thông qua từng di tích, hiện vật hay thậm chí cả món ăn, trang phục. Đây là điểm thú vị của chương trình.
Chẳng hạn, khi nói về món ăn được một vị vua lưu vong đến đảo Ganghwa thích thì ngay trong bữa trưa, chúng tôi được thưởng thức món ăn đó, hay để minh họa cho giai đoạn phát xít Nhật cai trị bán đảo Triều Tiên, cả đoàn được đi chụp ảnh với trang phục học sinh thời kỳ đó.
Tại những địa điểm mà người ta tin rằng đã từng là dấu tích của một sự kiện nào đó, các công trình phục dựng được xây, vừa để phác họa lịch sử vừa để tạo ra địa điểm du lịch.
Toàn bộ chuyến đi được hướng dẫn trực tiếp bởi giáo sư sử học Han Myung-gi, một gương mặt quen thuộc trên truyền hình với các chương trình, bài giảng lịch sử. Điều này bảo đảm tính chính xác của từng câu chuyện được kể. Giáo sư Han cũng cực kỳ cẩn trọng khi dành cả một ngày trước chuyến đi để đến khảo sát từng địa điểm, chi tiết đến từng góc đứng hay ngồi.
Việt Nam không thiếu các công trình lịch sử uy nghiêm, cổ kính, cũng không thiếu chất liệu lịch sử thú vị, hấp dẫn. Cái chúng ta còn thiếu là cách làm hay để chuyển tải những chất liệu đó đến với người dân, nhất là các em học sinh.
Nếu như những năm gần đây, Hàn Quốc chú trọng tới việc chuyển tải nội dung lịch sử thông qua phim ảnh, webtoon (truyện tranh mạng) thì Trung Quốc chú trọng truyền thông lịch sử ở mảng hoạt hình, tiểu thuyết. Những phương thức như vậy góp phần làm tăng thêm sự hấp dẫn và lôi cuốn của lịch sử. Việt Nam có thể nghiên cứu và lựa chọn hướng đi riêng cho mình.
Ngoài ra, lịch sử không chỉ đơn thuần là các sự kiện ghi lại trong chính sử. Nó là tổng thể của văn hóa vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân sinh sống, bao gồm và không giới hạn với nền tảng văn hóa, trang phục, ẩm thực, âm nhạc, nghi lễ…
Do vậy, tôi cho rằng cách làm phù hợp trong việc truyền thông lịch sử là kết hợp những nội dung trong sách vở và các giá trị văn hóa cả thực thể lẫn phi thực thể.
Vì sao phim cổ trang Hàn Quốc hay Trung Quốc thành công? Vì ngoài việc mang đến cốt truyện hấp dẫn, diễn xuất ấn tượng thì người xem còn được đắm trong bối cảnh văn hóa đặc sắc và đầy đủ của một quốc gia, từ kiến trúc, trang phục, ẩm thực…
Xâu chuỗi từng chi tiết
Hàn Quốc nói riêng hay cả bán đảo Triều Tiên nói chung về mặt lịch sử có nhiều điểm tương đồng với Việt Nam. Đó là có biên giới và chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa Trung Hoa cũng như trải qua nhiều cuộc chiến tranh trong quá khứ. Do đó, các di tích, di sản từ quá khứ tồn tại không nhiều, phần lớn là nền móng hoặc dấu tích.
Các kiến trúc lịch sử ở Hàn Quốc mà chúng ta nhìn thấy sau này đại đa số đều được phục dựng ở một mức độ nào đó. Chính vì vậy, việc quan trọng nhất là phải góp nhặt và xâu chuỗi từng chi tiết để tái hiện lịch sử, đồng thời kết nối chúng với bối cảnh văn hóa. Hàn Quốc đã làm điều này rất tốt.