Tốt nghiệp học lái vẫn phải thi sát hạch
Theo thống kê đến năm 2022, cả nước có 149 trung tâm sát hạch lái xe, 343 trung tâm ĐTLX, 41.651 giáo viên, 35.737 xe tập lái các hạng (phần lớn là các ô tô thế hệ mới, niên hạn dưới 10 năm), phân bố trong toàn quốc, đáp ứng được cơ bản nhu cầu của người dân và xã hội. Công tác đào tạo, sát hạch lái xe được quản lý bởi các bộ, ngành, địa phương, cơ sở ĐTLX theo những quy định trong các văn bản.
Tuy nhiên, do tổ chức quản lý ĐTLX chịu sự quản lý 2 bộ (Bộ GTVT và Bộ LĐ-TB&XH) với các luật Giao thông đường bộ và luật Giáo dục nghề nghiệp, dẫn đến chương trình ĐTLX cồng kềnh, nặng nề, mâu thuẫn nhau. Sau khi tốt nghiệp lớp học lái xe, học viên được cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp lái xe sơ cấp nhưng vẫn phải qua kỳ thi sát hạch để được cấp giấy phép lái xe, với cùng nội dung như thi tốt nghiệp.
Chương trình ĐTLX không theo kịp với sự phát triển mới về công nghệ ô tô, cơ sở hạ tầng giao thông thông minh… chưa giúp học viên có được cái nhìn thực tế, hiểu biết được tình huống giao thông cụ thể, chi tiết, từ đó nâng cao phản xạ và kỹ năng khi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, sự phối kết hợp trong quản lý nhà nước rất khó để đồng bộ giữa các ngành và địa phương. Các quy định về đào tạo từ xa, trực tuyến còn chồng chéo giữa 2 luật Giao thông Đường bộ và luật Giáo dục nghề nghiệp, nhất là phần học lý thuyết. Ứng dụng DAT có những bất cập về thiết bị, lỗi DAT, đường truyền và xử lý sai phạm, cần xem lại có nên giám sát nữa không một khi đã giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo.
Cabin điện tử do bất cập nên có 1 giai đoạn (2007 – 2023) đã bỏ yêu cầu này và đầu năm 2023 lại bắt buộc sử dụng. Song, ở Việt Nam chưa có nghiên cứu hay đánh giá nào về hiệu quả của cabin điện tử với chất lượng ĐTLX được công bố. Trong khi đó, các nhà khoa học ở nhiều nước trên thế giới cho rằng chưa thể khẳng định hay phủ nhận hiệu quả của cabin điện tử trong ĐTLX. Chỉ có 50% phù hợp với điều kiện thực, 33% sai khác hoàn toàn, 17% thì lúc sai lúc đúng và trong ĐTLX thì sự an toàn phải gần như tuyệt đối nên không thể chấp nhận 50% cabin điện tử không tin cậy lại được sử dụng.
Quá trình chuyển đổi số trong ĐTLX ở Việt Nam bắt đầu từ số hóa dữ liệu, tiếp theo là số hóa chương trình đào tạo và cuối cùng là số hóa quản lý ĐTLX. Triết lý ngược của chuyển đổi số là không phải cá lớn nuốt cá bé mà là cá nhanh sẽ ăn cá chậm, đúng cho những nước đi sau như Việt Nam khi muốn bắt kịp các nước phát triển.
Hơn nữa, giá thành 450 – 500 triệu/cabin là quá cao so với mua một chiếc ô tô đời mới cùng mức giá để tập lái tính theo ích lợi và hiệu quả. Tính trung bình, thời gian ĐTLX ở Việt Nam (hạng B2) nhiều gấp 3 lần so với các nước như Nhật Bản, Singapore…; về lý thuyết nhiều gấp 6,5 lần và về thực hành (trên 800 km) nhiều gấp 2,5 lần.
Đặc biệt, ĐTLX ở Việt Nam hoàn toàn phải tập trung, còn ở các nước đa số là trực tuyến, chỉ có phần thực hành phải đến cơ sở ĐTLX. Thậm chí ở Mỹ, học viên có thể tự học thực hành lái xe. Chính vì sự quản lý chồng chéo, trùng lặp, phức tạp giữa nhiều cơ quan nên thời gian qua, nhu cầu học lái xe tăng lên trong khi chương trình đào tạo phức tạp, qua nhiều khâu nên có nhiều cơ sở ĐTLX chui liên kết cơ sở ĐTLX thực để có giấy phép lái xe nhanh nhất và ít tốn kém nhất theo nhiều hình thức, gây ra những sai phạm trong quản lý.
Giải pháp số hóa trong ĐTLX ở Việt Nam
ĐTLX là trình độ sơ cấp nghề, có yêu cầu về cả kiến thức và kỹ năng đều ở mức đơn giản (luật Giáo dục nghề nghiệp) nên ĐTLX trực tuyến rất thuận lợi và hiệu quả với số lượng lớn. Để tăng cường chất lượng đào tạo, hiệu quả quản lý, góp phần giảm tai nạn giao thông, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, cần thực hiện chuyển đổi số trong ĐTLX, phù hợp với mục tiêu của Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, đưa công tác ĐTLX đi theo những xu hướng, lộ trình chuyển đổi số của thế giới trong bối cảnh công nghiệp 4.0.
Theo đó, ĐTLX sẽ được chia làm 2 phần:
Phần 1 dạy lý thuyết, mô phỏng tình huống và phần sa hình cơ bản sẽ được số hóa, trực tuyến cho học viên học và rèn luyện trên nền tảng số. Học viên sẽ thi tại các cơ sở ĐTLX và được cấp bằng tốt nghiệp của cơ sở ĐTLX tương đương bằng lái xe tạm thời (Sở GTVT cấp).
Phần 2 học thực hành tập lái tại cơ sở ĐTLX. Ngoài ra, học viên có thể tự thực hành thêm với bằng lái xe tạm thời và xe của mình có gắn biển tập lái cùng với 1 giáo viên hướng dẫn ngồi cạnh bảo hiểm tay lái để tự rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống thực tế.
Cả phần 1 và phần 2 đều có thể ứng dụng các công cụ hỗ trợ như VR, phần mềm mô phỏng tình huống lái xe, các công nghệ mới trong tương lai kể cả cabin điện tử. Tuy nhiên, cần chú ý đây là những tùy chọn mà các cơ sở ĐTLX được quyền lựa chọn cho phù hợp nhu cầu với mục đích đào tạo ra các lái xe đáp ứng nhu cầu về số lượng cũng như chất lượng đào tạo của mình.
Thủ tục đơn giản hơn, thời gian đào tạo ngắn và mềm dẻo hơn sẽ tạo điều kiện dễ dàng tiếp cận cho học viên đạt kết quả tốt.
Đồng thời, cần xem xét lại quy định giáo viên dạy lái và học viên có cần hệ thống DAT không, vì ngoài quyền tự chủ, khi được số hóa và cung cấp trực tuyến theo thời gian thực trên nền tảng công nghệ 4.0 như điện toán đám mây, IoT, Big DATA, AI thì tùy theo quyền truy cập, các cơ quan quản lý các cấp sẽ dễ dàng truy cập trực tuyến ngay trên smartphone của mình để phát hiện vi phạm và có quyết định xử lý tùy theo mức độ. Không cần quản lý bằng thiết bị và đường truyền DAT.
Nội dung ĐTLX nên chú trọng về việc lái xe an toàn hơn (thái độ của người lái xe), còn kỹ năng lái xe thì chỉ cần ở mức cơ bản. Cần chú ý các yếu tố an toàn trong dòng xe hỗn hợp có nhiều xe gắn máy và giao thông đô thị ùn tắc ở Việt Nam. Ngoài ra, cũng cần chú trọng văn hóa giao thông có xe máy ở Việt Nam.