Kiểm toán là hoạt động kiểm tra và xác nhận độ chính xác, tính trung thực của những số liệu, từ đó bao quát hoạt động tài chính của doanh nghiệp để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp.
Ngành học này đang phát triển mạnh mẽ trong bối cảnh hiện nay, mang đến cho người học nhiều sự lựa chọn về vị trí việc làm.
Vậy có nên chọn học ngành Kiểm toán không và học xong có dễ xin vệc, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn giải đáp thắc mắc này.
Học Kiểm toán có dễ xin việc làm?
Với mức lương và cơ hội phát triển nghề nghiệp tốt, Kiểm toán vẫn là một trong những ngành học thu hút nhiều sinh viên. Tuy nhiên đây lại là công việc đòi hỏi kiến thức chuyên môn vững vàng, khả năng làm việc dưới áp lực cao và di chuyển khá nhiều.
Hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 100 công ty kiểm toán độc lập, trong đó có chi nhánh của Big4 kiểm toán tại Việt Nam: Deloitte, Earnest&Young, PwC và KPMG. Bốn công ty nói trên có 2 đợt tuyển dụng trong năm: kỳ thực tập (số lượng từ 40 – 70 người/công ty) dành cho sinh viên năm ba, năm cuối hoặc tốt nghiệp đại học trong vòng 1 năm thuộc chuyên ngành Kế toán, Kiểm toán, Tài chính và kỳ tuyển dụng dành cho sinh viên đã tốt nghiệp, không giới hạn độ tuổi (từ 10 – 20 người/công ty).
Bạn cũng có thể lựa chọn làm việc tại các công ty kiểm toán Việt Nam, với vị trí việc làm như tư vấn tài chính doanh nghiệp, tư vấn quản trị rủi ro hoặc dịch vụ kế toán. Ngoài ra, bạn có thể làm kiểm toán viên nhà nước thông qua các kỳ tuyển dụng hoặc trở thành kiểm toán viên nội bộ trong doanh nghiệp.
Về thu nhập, ngoài lương cứng nhân viên kiểm toán có thể kiếm thêm khách hàng để có thêm hoa hồng cải thiện thu nhập hoặc tìm công việc kế toán làm thêm ngoài giờ.
Từ đó, chúng ta có thể thấy kiểm toán là ngành học mang lại nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên, với mức lương hấp dẫn. Đây là điều mà nhiều người đang tìm kiếm ở một ngành học. Tuy nhiên, khi làm việc trong ngành kiểm toán bạn phải kiên trì, chịu khó và có sức khỏe tốt. Vì khi vào “mùa kiểm toán” bạn sẽ phải thường xuyên tăng ca và di chuyển liên tục giữa nhiều tỉnh thành.
Một số trường đào tạo ngành Kiểm toán
Học viện Tài chính – năm 2024, tuyển sinh ngành Kiểm toán theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ bậc THPT, xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp, xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Trường đang đào tạo ngành Kiểm toán theo 2 chương trình học, với mức học phí lần lượt là: Chương trình định hướng CCQT khoảng 50 triệu đồng/năm học và chương trình liên kết đào tạo thu 180 triệu đồng/3 năm học.
Trường Đại học Kinh tế Quốc dân – năm nay, tuyển sinh ngành Kiểm toán theo 3 phương thức: xét tuyển thẳng, xét điểm thi tốt nghiệp THPT và xét kết hợp theo đề án tuyển sinh của trường. Trong đó, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm 18% chỉ tiêu, 80% được dành cho các phương thức xét tuyển kết hợp theo đề án riêng của trường, 2% xét tuyển thẳng.
Điểm chuẩn năm 2023 của ngành Kiểm toán là 27,2 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển: A00, A01, D01, D07.
Trường Đại học Kinh tế (Đại học Đà Nẵng) dự kiến tuyển sinh 165 chỉ tiêu dành cho ngành Kiểm toán, theo 5 phương thức: xét tuyển thẳng, tuyển sinh riêng, xét học bạ, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Năm 2023, với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp, ngành Kiểm toán lấy 24,25 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D90. Phương thức xét học bạ, mức điểm chuẩn xét tuyển là 26,75 điểm, với 3 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM – năm 2023, lấy ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển là 26,3 điểm, với 4 tổ hợp môn xét tuyển A00; A01; D01; D07.
Năm học 2023 – 2024, nhà trường quy định mức học phí chương trình đại học chính quy khoảng 940.000 đồng/tín chỉ.
Trường Đại học Kinh tế – Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM) ngành Kiểm toán của trường Đại học Kinh tế – Luật tuyển sinh theo 4 phương thức: xét tuyển thẳng và ưu tiên, xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT, xét kết quả kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM, xét tuyển dựa trên kết quả chứng chỉ quốc tế (IELTS, TOEFL…) kết hợp với kết quả học THPT.