Giải thưởng và học bổng Trần Văn Khê vừa được trao lần đầu tiên, vào cuối tháng 7 tại TP. Hồ Chí Minh dành cho các nhà nghiên cứu, sinh viên, các nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc dân tộc xuất sắc.
Nhận được thông tin sẽ được trao học bổng danh giá này, cả 3 bạn trẻ đang theo học ở Học viện Âm nhạc Huế đã không khỏi bất ngờ xen lẫn xúc động. Cả 3 đang theo học các ngành đào tạo nhạc cụ truyền thống gồm: Huỳnh Tuệ Lâm – đàn tranh, Võ Thị Hương Giang – đàn tranh và Phan Duy Khánh – đàn nguyệt.
Tại lễ trao diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh, cũng như nhiều nghệ sĩ, sinh viên, học sinh khác, cả 3 bạn trẻ đến từ vùng đất Cố đô Huế – trung tâm văn hóa lớn của đất nước như tiếp một nguồn năng lượng, động lực trong hành trình đóng góp trí tuệ, tài năng vào việc bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.
Trở về từ TP. Hồ Chí Minh sau khi nhận học bổng, chàng sinh viên năm nhất Phan Duy Khánh vẫn lâng lâng cảm xúc khi nói mình may mắn với học bổng danh giá lần đầu tiên được trao. Khánh kể, biết được học bổng qua nhiều nguồn thông tin và thử sức nộp nhưng không nghĩ mình sẽ được gọi tên. “Hôm nhận được thông tin sẽ được trao học bổng em như vỡ òa”, Khánh tâm sự.
Ở hạng mục học bổng Khánh nói người nộp đơn phải có thành tích từ xếp loại học tập cho đến quá trình tham gia biểu diễn. Vì thế, nhờ thành tích xuất sắc từ điểm cao cho đến tham gia nhiều cuộc thi tài năng, biểu diễn ở nhiều nơi nên Khánh đã lọt vào danh sách, được ban tổ chức chọn lựa để trao.
Theo đuổi bộ môn đàn nguyệt, với Khánh đó là một điều không hề đơn giản. Khánh chia sẻ, ngày nay giới trẻ ít có đam mê theo đuổi các loại nhạc cụ truyền thống, thay vào đó hướng đến vào các dòng nhạc sôi động và phổ biến. “Chỉ có những người thật sự đam mê, muốn tìm tòi, bảo tồn âm nhạc cổ truyền mới tìm đến ngành học như em”, Khánh nói và tin rằng, suất học bổng không chỉ đem lại giá trị vật chất mà xa hơn đó là động lực tinh thần trong con đường theo đuổi đam mê.
Cũng như Khánh, cô sinh viên Võ Thị Hương Giang với niềm đam mê bộ môn đàn tranh khi được nhận giải thưởng này đó là niềm ao ước. Được xướng tên cùng với những nghệ sĩ, bậc thầy hàng đầu Việt Nam và những bạn trẻ đang đi chung con đường, Hương Giang cảm nhận được sức mạnh của niềm đam mê và sứ mệnh mà bản thân đã chọn lựa.
Đứng trên sân khấu Nhà hát TP. Hồ Chí Minh nhận học bổng, Hương Giang nói không chỉ tự hào về niềm đam mê của cá nhân được ghi nhận, mà hơn hết đó chính là tự hào về âm nhạc truyền thống Huế nói riêng và âm nhạc truyền thống của Việt Nam nói chung. Học bổng là động lực rất to lớn để em có thể theo đuổi loại hình âm nhạc này. Không những thế, nó còn thúc đẩy em phải cố gắng thật nhiều trên bước đường thực hiện ước mơ trở thành một nghệ sĩ trình diễn và truyền cảm hứng cho các em nhỏ có thể theo đuổi âm nhạc của nước nhà”, Hương Giang trải lòng. Không dừng lại đó, cô sinh viên trẻ này hy vọng trong tương lai sẽ mang âm nhạc truyền thống đi xa hơn, đến với thế giới, như cách mà GS. Trần Văn Khê đã từng làm.
Quỹ Trần Văn Khê chính thức được ra mắt nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh giáo sư Trần Văn Khê (24/7/1921 – 24/7/2021). Quỹ hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, không vì lợi nhuận, tự tạo vốn, tự trang trải kinh phí và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật. Hằng năm, quỹ sẽ xét trao giải thưởng và học bổng cho sinh viên, những đối tượng đam mê âm nhạc dân tộc, góp phần gìn giữ, phát huy các giá trị âm nhạc truyền thống theo di nguyện của giáo sư Trần Văn Khê.
GS. Trần Văn Khê là người có đóng góp to lớn trong việc đưa âm nhạc truyền thống nước ta ra thế giới. Chính ông đã góp sức trực tiếp hoặc gián tiếp giúp nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới như: Nhã nhạc cung đình Huế, ca trù, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ…