Hút sinh viên bằng học bổng
ĐH Kinh tế TPHCM thông tin, nhà trường hiện có rất nhiều chương trình học bổng dành cho tân sinh viên khóa 50 chính quy như học bổng khuyến khích học tập, học bổng hỗ trợ đột xuất, học bổng hỗ trợ học tập, học bổng tài trợ…
Với đa dạng các gói học bổng dành cho các đối tượng khác nhau, sinh viên có thể tìm hiểu và đăng ký các gói phù hợp. Trong đó, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn đăng ký online và hoàn tất hồ sơ từ ngày 30/8/2024 đến hết ngày 10/9/2024. Dự kiến, trường sẽ trao tặng 50 suất học bổng toàn phần trị giá hơn 15 triệu đồng và 100 suất học bổng bán phần.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam công bố các chương trình học bổng tổng trị giá 28 tỷ 950 triệu dành cho tân sinh viên K69 trong kỳ tuyển sinh năm 2024. Theo đó, Học viện trao các chương trình học bổng như: 3 suất du học nước ngoài, học bổng toàn phần miễn 100% học phí, 1.445 suất học bổng Tôi yêu quê hương dành cho sinh viên tại các miền núi phía Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ…
Năm học 2024 – 2025, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn triển khai 3 chương trình học bổng hoàn toàn mới, tài trợ toàn bộ 4 năm ĐH và không yêu cầu điều kiện duy trì hàng năm.
Cụ thể, 100 suất học bổng tiếp bước hành trình trị giá 100% học phí toàn khóa dành cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học bổng đồng hành xây dựng nhân lực chất lượng cao cho TP Thủ Đức, TPHCM tài trợ 30% học phí toàn khóa dành cho tất cả học sinh tốt nghiệp trường THPT trên địa bàn TP Thủ Đức và TPHCM, học bổng 50% học phí toàn khóa (khoảng 119,2 – 317,5 triệu/suất) cho học sinh có thành tích xuất sắc trong các hoạt động văn hóa thể thao, nghệ thuật cấp quốc gia, quốc tế…
Trường ĐH Phenikaa dành 50 tỷ đồng học bổng cho sinh viên nhập học năm nay, chia thành 4 loại, hỗ trợ học phí một năm hoặc toàn khóa học.
Đề xuất mở rộng đối tượng cho vay
Mặc dù hiện nay các trường ĐH đều có gói học bổng dành cho sinh viên nhưng với kinh phí có hạn, không nhiều sinh viên được tiếp cận các chương trình này. Với chính sách tín dụng cho sinh viên vay, công tác tuyên truyền những năm qua đã thực hiện khá bài bản khi có trên 3,7 triệu lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội để phục vụ việc học tập tính đến tháng 10/2023.
Doanh số cho vay đạt 73.000 tỷ đồng. Dư nợ chương trình đạt trên 13.301 tỷ đồng với hơn 290.000 hộ gia đình được vay vốn và cho hơn 515.000 học sinh, sinh viên đi học, tỷ lệ nợ quá hạn chỉ chiếm 0,57 % trên tổng dư nợ chương trình. Hiện mức vay đang là tối đa 4 triệu đồng/tháng/sinh viên.
Tuy nhiên, theo TS Bùi Liên Hà – Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên (Trường ĐH Ngoại thương), mức cho vay dành cho sinh viên hiện nay thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của các em. Bởi, học phí cao, mọi chi phí cho việc học ngày càng trở nên đắt đỏ.
Ông Vũ Hải Quân – Giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM cũng đề xuất, điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Bên cạnh đó, cần mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay. Ông Quân cũng đề xuất Quốc hội cần có giám sát chuyên đề về chính sách tín dụng cho sinh viên.
Thực tế hiện nay, vẫn có nơi còn khó khăn vướng mắc trong quá trình sinh viên làm hồ sơ vay nên mong muốn của người học và gia đình, nhà trường là phía Ngân hàng Chính sách xã hội cần tối ưu thủ tục làm hồ sơ, có hướng dẫn chi tiết, thống nhất, rõ ràng để gia đình sinh viên chuẩn bị hồ sơ được đầy đủ, nhanh chóng, dễ dàng và đơn giản.
TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GDĐT) nhìn nhận, kể từ khi Quyết định 157/2007 của Thủ tướng Chính phủ được ban hành ngày 27/9/2007 đã giúp hàng triệu lượt sinh viên được vay vốn đi học, hiện thực ước mơ của sinh viên nghèo được tiếp tục đến trường.
Để chính sách lan tỏa và phát huy hiệu quả hơn nữa, cần tiếp tục tăng quỹ vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội dành cho sinh viên vay. Bên cạnh đó cần nghiên cứu về chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.
Chẳng hạn có chính sách để các ngân hàng thương mại có thể cung cấp dịch vụ cho sinh viên vay, thay vì chỉ thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội như hiện nay, để đa dạng các gói vay và sinh viên dễ tiếp cận hơn.
“Trong bối cảnh học phí ĐH tăng mạnh, việc sửa đổi chính sách vay tín dụng để mở rộng nguồn vay cho người học là vô cùng cần thiết” – TS Hoàng Ngọc Vinh nhấn mạnh.
Nguồn: https://daidoanket.vn/hoc-bong-ho-tro-tan-sinh-vien-10289133.html