Cuộc sống vất vả, cái nghèo bủa vây, nỗi lo cơm áo gạo tiền vốn đã là gánh nặng mỗi ngày nên tiền học hành, sách vở lại khiến đôi vai cha mẹ thêm oằn hơn.
Ước mơ học công nghệ thông tin
Ngô Văn Trung vừa hoàn thành năm học lớp 7 tại Trường THCS Trương Tấn Lập. Nhà Trung ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang). Gọi là nhà nhưng thực ra mấy cha con đang ở nhờ cùng gia đình người cô ruột (chị của ba).
Mùa hè của Trung chưa bao giờ biết đến du lịch hay đi chơi. Cũng bởi tiền ăn còn lo từng ngày thì giấc mơ một lần đi chơi biển ngày hè lại là quá xa xỉ. Có những ngày đến lớp, vẻ mặt Trung luôn trầm tư, đôi khi cậu còn ngủ gục xuống bàn vì quá mệt mỏi. Dù kết quả năm lớp 7 vừa kết thúc Trung là học sinh khá, song năm học tới có còn được đến lớp hay không vẫn là điều Trung cũng không chắc.
Cha Trung – ông Ngô Văn Miền – vừa vượt qua cơn nhồi máu não. Căn bệnh quái ác ấy lấy đi sức lực khiến người đàn ông chỉ mới 41 tuổi gần như mất sức lao động.
Trung còn em trai học lớp 3. Trước đây ba mẹ từng phải gửi hai con ở quê rồi cùng đi làm công nhân xa nhà. Nhưng từ khi cha đổ bệnh phải trở lại quê, gánh nặng gia đình bốn miệng ăn đặt lên đôi vai người mẹ. Nào tiền ăn, tiền thuốc thang cho chồng, chi phí học hành của hai con trai.
Mẹ đi làm xa, cha mất sức lao động nên sau buổi học mỗi ngày, người ta thường gặp Trung phụ bắt ốc, hái rau, giăng lưới để cải thiện bữa ăn cho ba cha con. Gia cảnh đã khó càng thêm khó khi hai con mỗi ngày mỗi lớn, chi phí học tập cũng tốn hơn mà việc làm của mẹ lại giảm sút, đứng trước nguy cơ mất việc.
Trung chăm ngoan, nhiệt tình với các phong trào của lớp. Hỏi về ước mơ, bạn cho biết rất thích học ngành công nghệ thông tin, làm việc với máy tính. Nhiều khi thấy nhiều bạn có máy tính riêng mà thầm mơ ước nhưng nhà nghèo quá, bạn thật thà: “Con cũng không biết ước mơ của con có thực hiện được không!”.
Mình muốn được đi học, muốn thay đổi cuộc đời. Cái mình cần là một cơ hội và rất mong được mọi người trao cho một cơ hội để mình có thêm niềm tin, cố gắng đổi thay tốt đẹp hơn.
CHÂU THỊ KIM THẢO
Gian nan hành trình tìm con chữ
Ba năm trước, Châu Thị Kim Thảo – nữ sinh lớp 6A7 Trường THCS Hòa Lạc (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) – mồ côi cha. Khó khăn quá, mẹ buộc phải quyết định cho hai anh em Thảo nghỉ học rồi ba mẹ con dắt díu nhau xuống Bình Dương tìm kế mưu sinh. Với Thảo, cái tin phải nghỉ học đến đột ngột, là tin dữ khiến cô bé khóc rất nhiều. Mọi thứ trước mắt lúc ấy với Thảo dường như chỉ là một tương lai mịt mù.
Ra Bình Dương, cô bé xin vào giúp việc tại quán nước. Dáng người mảnh khảnh, chỉ cao hơn cái bàn chút ít bưng bê dọn dẹp mỗi ngày để kiếm tiền phụ mẹ trang trải cuộc sống. Nhiều lần nhìn ra đường, bắt gặp mấy bạn cỡ tuổi mình trong bộ đồng phục đến trường, cô bé tủi thân nghĩ đến phận mình, những giọt nước mắt cứ thế ứa ra.
Một năm, hai năm mà dài đằng đẵng trong ký ức tuổi thơ lặng im của Thảo bên đống ly tách mỗi ngày bạn phải dọn rửa. Chỉ có một khát khao duy nhất lúc nào cũng bỏng cháy trong cô bé: được đi học!
Thảo đánh liều xin mẹ cho mình về học lại. Thương con gái, mẹ ngân ngấn nước mắt. Anh trai nói thêm vào: “Thôi má cho nó về đi học lại, chứ nó ham học mà bắt nghỉ thấy thương quá!”.
Vậy là cô bé được quay về quê, trở lại trường tiếp tục ước mơ của mình. Không nhà cửa, hai bà cháu Thảo tựa vào nhau trong mái nhà thuê tạm bợ trống trước hở sau. Nhiều bữa ăn mà hạt gạo, cọng rau cũng là nghĩa tình bà con chòm xóm sẻ chia. Nhưng vất vả có là gì, với Thảo, được đến trường đã là một phép màu thắp lên hy vọng trong đời mình.
Thảo không có xe đạp, bạn bè chung lớp đến nhà rước đi cùng. Không có sách vở, đồng phục, các thầy cô trong trường liền hỗ trợ. Cô bé học hành chăm chỉ, rất nghiêm túc và đầy cố gắng khi nói về mong ước tương lai. Không chỉ đạt danh hiệu học sinh xuất sắc và đứng đầu lớp, Kim Thảo còn giành được giải nhất trong hội thi chỉ huy Đội giỏi của huyện năm học vừa qua.
Cô bé tin rằng những khó khăn trước mắt chỉ có thể vượt qua bằng sự nỗ lực, cố gắng học tập của bản thân. Cứ thế mà mỗi bước chân của Thảo trên con đường đến trường ngày một vững chãi hơn, tự tin hơn trong sự yêu thương, đùm bọc của bao người xung quanh khi được chắp cánh ước mơ.
Như món quà của phép màu
Hai cô giáo gửi bài giới thiệu học trò mình với chương trình học bổng Chắp cánh ước mơ và cùng nói rằng học bổng sẽ như phép màu nối dài đôi cánh cho ước mơ của các em được bay xa.
Cô giáo Hồng Ni viết: “Lòng tôi dâng lên niềm yêu thương khó tả khi nhìn cậu học trò nhỏ. Tôi gửi bài viết đến chương trình, mong được chia sẻ đến cộng đồng một tấm gương vượt khó, muốn tạo động lực cho em học tập, vững bước vượt lên trong cuộc sống”. Và cô an ủi học trò: “Mọi người sẽ không ai bỏ rơi em cả!”.
Trong khi đó, cô giáo Huỳnh Thị Giàu hy vọng trong những suất học bổng mà chương trình dành cho học sinh 13 tỉnh thành khu vực Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có phần dành cho cô học trò của mình.
Món quà này được cô giáo ví như phép màu để sau những khó khăn đã qua, bạn ấy sẽ được chắp thêm đôi cánh, đủ sức bay tới vùng trời mơ ước cho những ai không bao giờ chịu từ bỏ, luôn nỗ lực tìm đến tương lai tươi sáng hơn.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-bong-chap-canh-uoc-mo-chi-mong-duong-hoc-bot-chong-chenh-20240618093236754.htm