Năm học 2024 – 2025, Hà Nội dự kiến lấy 81.200 chỉ tiêu vào trường công lập THPT, trường tư thục tuyển 29.100 chỉ tiêu.
Tuy nhiên, số học sinh tốt nghiệp THCS là 133.000, tăng 5.732 học sinh so với năm ngoái. Với khoảng 100.000 học sinh sẽ tham dự kỳ thi vào lớp 10 công lập (gần 30.000 em không thi) thì chỉ có khoảng 61% được tuyển vào trường công lập.
Có một số khu vực tuyển sinh số trường công ít, dân cư tập trung đông thì tỉ lệ trên còn thấp nữa. Một số trường công có sức cạnh tranh lớn thì chỉ tiêu tuyển sinh năm nay lại giảm.
Do vậy kỳ thi tuyển sinh lớp 10 được cho là áp lực hơn cả kỳ thi đại học, do “cửa” quá hẹp.
Học sinh dành 17 tiếng mỗi ngày để học
Em Phạm Văn Hiển – lớp 9 Trường THCS Biên Giang (Hà Đông) – cho biết vào thời điểm này, mỗi ngày em phải dành khoảng 17 tiếng để ôn tập.
Hiện học sinh lớp 9 vừa phải học nốt chương trình chính khóa, vừa tăng tiết ôn tập ở trường. Nhưng sau giờ học ở trường, Hiển còn học thêm bên ngoài đến 8h – 9h tối mới về nhà. Tắm rửa, ăn tối xong, Hiển tự học tiếp đến 12h đêm.
“Thường em học 4 ca/ngày, có hôm học 5 ca. Thời gian dành cho ăn uống, vệ sinh và ngủ còn rất ít”, Hiển kể về thời gian biểu gần đây.
Thế nhưng Hiển vẫn luôn trong tâm trạng thấp thỏm. Biết có nhiều bạn học online vào ban đêm, em lo lắng nên đã đăng ký thêm, có những hôm tới 1h sáng mới ngủ và 6h sáng lại trở dậy để đến trường.
Những ngày này, nhiều học sinh lớp 9 như Hiển trở thành “cú đêm”, học xong các bạn lại chat với nhau để chia sẻ tư liệu, đề luyện tập.
“Đứa nào cũng sợ câu dặn dò của bố mẹ là học cho cẩn thận, nếu trượt hết các nguyện vọng thì chỉ còn cách học bổ túc thôi”, Hiển chia sẻ.
Hương, học sinh lớp 9 Trường THCS Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết đã học thêm 3 ca/ngày ngoài giờ học ở trường, trong đó có 1 ca học online. Nhưng gần ngày thi nên có ca học kéo dài gấp đôi, phải mang đồ ăn đi để ăn ngay trong lớp học.
Nhiều phụ huynh vừa đôn đáo tìm chỗ học tư thục để “phòng hờ” cho con vừa hối thúc con ôn tập. Nhiều người thấy con học 4-5 ca vẫn chưa đủ. Áp lực từ cha mẹ tiếp tục giội lên các con. Tuy nhiên, cũng có nhiều phụ huynh nhận thấy áp lực từ con trước kỳ thi nhưng cũng không có cách nào “giảm áp” được.
“Con tôi bị trào ngược dạ dày. Cháu không có tiền sử bệnh dạ dày nhưng thời gian này càng uống thuốc càng bị nặng. Tôi nhờ bác sĩ tâm lý tư vấn mới biết nhiều khả năng con quá căng thẳng dẫn tới tình trạng này.
Khi trao đổi trong nhóm phụ huynh, nhiều bố, mẹ nói con họ cũng có triệu chứng tương tự. Căng thẳng, ăn uống thất thường giữa các ca học thêm hoặc ăn xong là lại đi học ngay khiến nhiều học sinh bị trào ngược, đau dạ dày, co thắt đại tràng, ngộ độc thực phẩm…”, chị Diệp Anh, phụ huynh có con học lớp 9 ở quận Tây Hồ, chia sẻ.
Tăng ca có tăng cơ hội đỗ vào lớp 10 công?
Theo thầy Nguyễn Trung Kiên – hiệu trưởng Trường THCS Láng Hạ, phụ huynh ai cũng mong con đỗ trường công nên áp lực, căng thẳng. Nhưng điều tốt nhất với con trong giai đoạn này là giúp con có tâm lý thoải mái nhất chuẩn bị bước vào kỳ thi.
Việc tăng ca học dồn dập không những ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn không hiệu quả. Điều này thậm chí khiến học sinh mệt mỏi và càng mất tự tin, không có thời gian để tự củng cố kiến thức căn bản.
Theo một số thầy cô giáo THCS ở Hà Nội, những con số như chỉ tiêu, tỉ lệ “chọi”, điểm chuẩn hàng năm chỉ là yếu tố tham khảo để hình dung sự cạnh tranh vào các trường ở mức tương đối. Còn cơ hội đậu vẫn lệ thuộc lớn vào mỗi học sinh.
Để nắm chắc kiến thức cơ bản, các em chỉ cần tập trung ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên trên lớp và tự mình hệ thống lại kiến thức. Sau đó các em có thể tìm kiếm đề để luyện tập dựa theo đề thi tham khảo mà Sở Giáo dục và Đào tạo đã công bố. Khi tự học tốt, các em mới biết mình còn thiếu gì, phần nào còn chưa rõ, chưa hiểu để hỏi thầy, để học thêm.
Việc chạy theo nhiều ca ôn thi sẽ khiến học sinh không có đủ thời gian để hệ thống kiến thức, luyện tập. Chưa kể trong tâm trạng mệt mỏi, các em sẽ không tiếp thu bài giảng hiệu quả. Và như vậy, càng học thêm nhiều sẽ càng không có lợi.
Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Hà Nội diễn ra vào ngày 8 và 9-6 (với khối không chuyên) và thêm ngày 10, 11-6 với học sinh thi vào khối chuyên và chương trình song bằng. Học sinh phải dự thi 3 bài thi theo đề đại trà (không chuyên) là toán, ngữ văn, ngoại ngữ. Những học sinh dự thi chuyên và chương trình song bằng sẽ thi thêm các môn theo yêu cầu.
Dự kiến của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là ngày 5-7 sẽ duyệt điểm chuẩn vào lớp 10 công lập. Học sinh có 3 nguyện vọng vào lớp 10 công lập, trong đó 2 nguyện vọng nằm trong cùng 1 khu vực tuyển sinh phù hợp với địa chỉ cư trú của học sinh, 1 nguyện vọng ở khu vực bất kỳ. Ngoài ra học sinh còn có các nguyện vọng vào khối chuyên, chương trình song bằng…
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoc-17-gio-moi-ngay-de-dua-vao-lop-10-truong-cong-o-ha-noi-20240515160517696.htm