Sáng 1.8 (theo giờ VN), trong kỳ họp thứ 34 đang diễn ra tại Brazil, Ủy ban Di sản Thế giới đã chính thức thông qua Nghị quyết công nhận Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là Di sản Thế giới. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa với Thủ đô Hà Nội và cả nước khi chỉ còn 70 ngày là đến Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long trở thành Di sản Thế giới thứ 900 được UNESCO công nhận. Tổng giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới Francesco Bandarin phát biểu: “Thay mặt UNESCO, tôi chúc mừng các bạn về ghi nhận tuyệt vời này. Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho lịch sử của các bạn và là một di sản đại diện cho cả nhân loại”.
Trung tâm quyền lực, nơi giao thoa các nền văn hóa
Năm 2008, việc lập hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long trình UNESCO được Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội gấp rút triển khai. Ngày 23.9.2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký công văn đồng ý gửi hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đề nghị UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Ngày 24.9.2008, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã có công hàm đệ trình hồ sơ tới UNESCO. Công tác lập hồ sơ Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhận được sự phối hợp, giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và các chuyên gia quốc tế đến từ Nhật Bản, Pháp, Anh, Australia… Hồ sơ được UNESCO tiến hành các quy trình thẩm định chặt chẽ và hôm qua đã được Ủy ban Di sản Thế giới (gồm 21 nước thành viên) công nhận là Di sản Thế giới. |
Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long bao gồm cả bộ phận di tích khảo cổ học phát lộ trong lòng đất và bộ phận di tích trên mặt đất trong thành cổ Hà Nội, trải dài lịch sử 13 thế kỷ của cơ quan quyền lực, trong đó có gần 10 thế kỷ của Cấm thành Thăng Long và trục trung tâm của thành Hà Nội. Gs Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng: giá trị lịch sử nổi bật của khu di tích là bề dày lịch sử của một trung tâm chính trị, trung tâm quyền lực mà cho đến nay vẫn giữ vai trò trung tâm của nước Việt Nam hiện đại, vẫn nằm trong trung tâm chính trị Ba Đình của thủ đô Hà Nội. Trên thế giới, có nhiều kinh thành có lịch sử trên nghìn năm, nhưng thủ đô một nước hiện nay có bề dày lịch sử với vai trò trung tâm quyền lực gần 13 thế kỷ, trong đó có gần nghìn năm gần như liên tục là quốc đô thì rất hiếm. Tính liên tục và lâu dài của một trung tâm quyền lực cho đến ngày nay, đó là đặc điểm và giá trị lịch sử nổi bật của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Suốt chặng đường dài lịch sử, đặc biệt từ đầu thế kỷ XI đến cuối thế kỷ XVIII, với vai trò trung tâm của Hoàng thành Thăng Long, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của quốc gia, khu di tích là nơi tập hợp nhiều sản phẩm cao cấp nhất của nền kinh tế, nơi hội tụ và kết tinh những giá trị của văn hóa dân tộc. Trong lịch sử, Thăng Long – Hà Nội cũng như Khu di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long là nơi gặp gỡ và giao thoa của nhiều nền văn minh phương Đông và thế giới. Trong số di vật tìm thấy, có tiền đồng mang niên hiệu Trung Hoa, đồ gốm sứ Trung Hoa, những mảnh bình gốm men xanh lam vùng Tây Á (gốm Islam), gốm Hizen của Nhật Bản…
3 giá trị nổi bật toàn cầu
Theo Gs Phan Huy Lê, sau khi phát lộ và sau một thời gian nghiên cứu, từ năm 2004, nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế đã nhận thấy giá trị mang ý nghĩa toàn cầu của Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Với sự trợ giúp và tư vấn của các chuyên gia quốc tế, hồ sơ đề cử Di sản Thế giới của Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tập trung vào 3 tiêu chí.
Tiêu chí (ii): Khu di tích với bề dày lịch sử khoảng 13 thế kỷ, trong đó có gần 10 thế kỷ từ khi vua Lý Thái Tổ định đô Thăng Long đến nay, là nơi diễn ra sự giao thoa nhiều giá trị nhân văn có ý nghĩa toàn cầu của phương Đông và thế giới, biểu thị trong quy hoạch đô thị, tạo dựng cảnh quan, trong nghệ thuật kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc và kỹ thuật xây dựng. Trên cơ sở nền văn hóa có cội nguồn bền vững bên trong, các giá trị và ảnh hưởng bên ngoài được tiếp thu và kết hợp với các giá trị bên trong, được vận dụng một cách hài hòa phù hợp với điều kiện thiên nhiên và bản sắc văn hóa dân tộc. Khu di tích với những di tích khảo cổ học mới phát lộ và di trên trên mặt đất, là những minh chứng về sự giao thoa và dung hợp văn hóa từ các nền văn minh phương Đông và phương Tây, như ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, công nghệ quân sự phương Tây…
Tiêu chí (iii): Tất cả các di tích, di vật phát lộ trong vùng Cấm thành đều chứng tỏ tính liên tục và sự hội tụ, kết tinh của một trung tâm văn hóa quốc gia có mối quan hệ giao lưu rộng rãi với thế giới bên ngoài. Trước đó, khu vực này đã từng là trung tâm quyền lực của chính quyền đô hộ nhà Đường và sau đó là trung tâm quyền lực của Đông Dương thuộc Pháp. Khu di tích tiêu biểu cho một truyền thống văn hóa lâu dài mang tính đại diện và kết tinh của lịch sử, văn hóa Việt Nam.
Tiêu chí (vi): Khu di tích với lịch sử khoảng 13 thế kỷ không phải đã đi vào quá khứ mà còn hiện diện với thủ đô Hà Nội của nước Việt Nam hiện đại, biểu đạt một quá trình lịch sử và văn hóa với những truyền thống, những giá trị liên hệ trực tiếp và đang hiện hữu với cuộc sống hiện nay.
Sau niềm vui là hành động
Việc UNESCO đưa Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long vào danh sách Di sản Thế giới đã khẳng định giá trị của khu di tích, là niềm vui rất lớn không chỉ của riêng Hà Nội mà của cả đất nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cho rằng, đây là một quần thể di tích phức hợp, bao gồm cả di tích khảo cổ học trong lòng đất và một số di tích trên mặt đất, đặc biệt di tích khảo cổ học, cần tiếp tục nghiên cứu và Hà Nội cần có kế hoạch quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản. Trước mắt, Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa – Thành cổ Hà Nội có chương trình giới thiệu và quảng bá Di sản Thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Theo đề xuất của Viện Xã hội học Việt Nam, hiện có hai dự án đang được thực hiện tại đây, đó là: tổ chức trưng bày tại khu Thành cổ và tổ chức bảo tồn, mở cửa khu di tích khảo cổ học trước Đại lễ.
Về lâu dài, Gs Phan Huy Lê cho rằng, phải làm quy hoạch tổng thể khu di tích; có kế hoạch bảo tồn kết hợp với nghiên cứu lâu dài. Ngoài ra, chúng ta phải thực hiện những cam kết với UNESCO, đó là tất cả các cơ quan, hộ dân trong phạm vi di sản phải di chuyển ra bên ngoài; đẩy mạnh nghiên cứu, trong đó có vấn đề khảo cổ học; bảo vệ an toàn cho khu di sản… Tất cả các di sản được công nhận bao giờ cũng chịu sự giám sát của UNESCO. Nếu chúng ta không quản lý, bảo tồn tốt, để di sản bị xâm hại nghiêm trọng, UNESCO sẽ rút lại danh hiệu.
Vô cùng xứng đáng và thật tự hào Đó là tâm trạng chung của mọi người khi nhận thông tin Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Phó giám đốc Sở VH, TT và DL Hà Nội Nguyễn Đức Hòa: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản Thế giới là món quà vô cùng ý nghĩa trước thềm Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội. Đây cũng là cơ hội tuyệt vời để người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế tìm hiểu về ý nghĩa lịch sử, văn hóa, giáo dục của Trung tâm quyền lực đối với Nhà nước quân chủ vùng Đông Nam Á và Đông Á tồn tại nối tiếp nhau suốt hơn một nghìn năm lịch sử. Qua đó, cũng thấy được chính sách đúng đắn về việc Việt Nam luôn sẵn sàng giao lưu, hội nhập, tiếp thu, thậm chí thích nghi với văn hóa của nhân loại nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa của dân tộc mình đã có từ ngàn xưa thể hiện rất rõ trong lòng Khu di tích đặc biệt này sẽ tiếp tục được khẳng định. Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn khu di tích Cổ Loa- Thành cổ Hà Nội Phan Duy Thắng: Với vai trò là đơn vị trực tiếp quản lý, bảo tồn di tích có một không hai này, chúng tôi sẽ nỗ lực hết mình để giá trị của di sản ngày càng được phát huy tốt hơn. Trước mắt, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành chức năng trưng bày toàn bộ các hiện vật khảo cổ học được khai quật tại Hoàng thành, trưng bày hoa, cây cảnh trong khuôn viên di tích vào dịp Đại lễ nhằm giới thiệu với công chúng một cách tổng quan về khu di tích. Tiếp đó, chúng tôi sẽ in các tờ rơi, tờ gấp và các ấn phẩm giới thiệu kỹ về giá trị, ý nghĩa của khu di tích để tuyên truyền, quảng bá. Mặc dù vậy, tôi cho rằng, vấn đề quan trọng nhất lúc này là làm thế nào để trả lại sự toàn vẹn cho khu di tích. Có như vậy, những cam kết của chúng ta với UNESCO về bảo tồn và phát huy giá trị của di sản mới thực hiện được. GS Trịnh Đình Tùng, Tổng thư ký Hội Giáo dục lịch sử, Hội Khoa học lịch sử VN: Việc Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vô cùng xứng đáng và thật tự hào. Điều đó khẳng định sự thừa nhận của thế giới đối với nền văn hóa Việt Nam, với Thăng Long và bề dày lịch sử của dân tộc. Đó là niềm tự hào của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng. Kinh nghiệm cho hay, giành được danh hiệu đã khó, giữ được, tôn tạo để khẳng định giá trị của di sản còn khó hơn. Chúng ta cần đầu tư bảo quản, gìn giữ, quảng bá cho di sản. Việc này phải đòi hỏi các cấp các ngành cũng như toàn xã hội cùng chung tay, chứ riêng giới sử học, khảo cổ học không thể làm được. |
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/hoang-thanh-thang-long-va-3-gia-tri-noi-bat-toan-cau-post179130.html