Hoằng Hóa là địa phương nằm ở vị trí cửa ngõ quan trọng của vùng trung tâm đô thị của tỉnh. Trong quá trình phát triển mạnh mẽ hiện nay, dễ phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng. Vì thế, huyện đã ban hành các văn bản, triển khai nhiều giải pháp nhằm xử lý, ngăn chặn không để vi phạm trật tự xây dựng phát sinh trên đất nông nghiệp.
Tháo dỡ công trình vi phạm trên đất nông nghiệp tại thôn Tây Đại, xã Hoằng Xuyên.
Ngày 12-12-2022, Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/HU tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong việc chống lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Ngày 10-2-2023, UBND huyện đã ban hành kế hoạch cụ thể hóa các nội dung theo tinh thần Chỉ thị số 23 và các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, tập trung chỉ đạo xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng công trình trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn. Hiện nay, tổ kiểm tra, rà soát các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp của UBND huyện Hoằng Hóa đã và đang tích cực phối hợp với các xã, thị trấn tiến hành kiểm tra, phân loại, đối chiếu với quy định của pháp luật, đề xuất hướng xử lý kịp thời đối với từng nhóm trường hợp cụ thể. Theo kế hoạch, các công trình vi phạm thuộc diện giải tỏa phải thực hiện tháo dỡ xong trước ngày 15-3-2023.
Gia đình ông T.V.Đ., ở xã Hoằng Xuyên có hơn 3.800m2 đất nông nghiệp tại cánh đồng thôn Tây Đại. Tại khu vực này, gia đình ông có 1 chuồng trại chăn nuôi xây dựng kiên cố từ khoảng năm 2017 với diện tích 48,1m2. Đây là công trình vi phạm trên đất nông nghiệp cần phải được tháo dỡ, giải tỏa. Thực hiện chỉ đạo của cấp trên, xã Hoằng Xuyên đã tuyên truyền, vận động, gia đình ông Đ. tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, song gia đình vẫn không thực hiện. Ngày 6-4, chính quyền xã Hoằng Xuyên đã phải tổ chức lực lượng, ra quân tháo dỡ công trình vi phạm. Đây là 1 trong 3 công trình vi phạm trên đất nông nghiệp mà UBND xã Hoằng Xuyên đã tổ chức giải tỏa, tháo dỡ trong tháng 3 và đầu tháng 4-2023, trong đó có những công trình có giá trị hàng trăm triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Xuân, Chủ tịch UBND xã Hoằng Xuyên, cho biết: Thực hiện kế hoạch của UBND huyện, xã Hoằng Xuyên đã ra quân xử lý, giải tỏa một số công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp tại các thôn Tây Đại và Đoài Thôn với tinh thần xử lý dứt điểm các vi phạm. Đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu và chấp hành các quy định về trật tự xây dựng trên đất nông nghiệp. Xã đang tiếp tục rà soát, đánh giá hiện trạng, phân loại, báo cáo, xem xét, đề xuất cách thức xử lý đối với từng trường hợp vi phạm cụ thể trên địa bàn theo từng giai đoạn. Đồng thời, phân công cán bộ, công chức cùng với cán bộ thôn nắm bắt tình hình, kịp thời phát hiện, vận động, ngăn chặn các hộ gia đình có ý định xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp hoặc kiên quyết xử lý ngay từ đầu các trường hợp mới phát sinh.
Trong xu thế đô thị hóa diễn ra nhanh, đất đai ngày càng có giá trị, tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình trên đất nông nghiệp ở nhiều địa phương nói chung, huyện Hoằng Hóa nói riêng tiềm ẩn nhiều phức tạp, đòi hỏi sự chỉ đạo thực hiện quyết liệt để ngăn chặn phát sinh vi phạm mới trên đất nông nghiệp. Những trường hợp phải giải tỏa, tháo dỡ, mặc dù khá phức tạp bởi ảnh hưởng trực tiếp đến tài sản của người dân, song đó lại là bài học răn đe cho những ai đang có ý định xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, những ai còn tâm lý cố tình vi phạm, còn tư tưởng “phạt rồi cho tồn tại” đối với các công trình trái phép đó.
Chỉ thị 23 của Ban Thường vụ Huyện ủy Hoằng Hóa yêu cầu UBND huyện tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND huyện trực tiếp chỉ đạo chủ tịch UBND các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Chủ tịch UBND các xã, thị trấn chịu trách nhiệm trước Thường trực Huyện ủy, mà trực tiếp là Chủ tịch UBND huyện nếu để xảy ra các vi phạm trên địa bàn do mình quản lý. UBND huyện phải cương quyết xử lý trách nhiệm người đứng đầu địa phương và công chức chuyên môn phụ trách để xảy ra vi phạm.
UBND huyện tiếp tục rà soát, tổng hợp, phân loại các trường hợp vi phạm phát sinh và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm theo Văn bản số 12233/UBND-NN ngày 12-8-2021 của UBND tỉnh về việc tập trung chỉ đạo, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm xây dựng các công trình trái phép trên đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đối với các công trình vi phạm xây dựng trước ngày 1-7-2014, nay phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thì giữ nguyên hiện trạng, hướng dẫn hộ thực hiện các bước theo quy định của pháp luật. Đối với các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp trước ngày 1-7-2014 nhưng nay không đủ điều kiện thì giữ nguyên hiện trạng, hướng dẫn hộ làm bản cam kết (không xây dựng mới, cơi nới phạm vi đã xây dựng, kèm theo sơ đồ công trình xây dựng trên đất và khi Nhà nước thu hồi thì không được bồi thường, hỗ trợ). Đối với các trường hợp xây dựng vi phạm sau ngày 1-7-2014, yêu cầu xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai (cương quyết phá dỡ các công trình vi phạm, nhất là công trình mới phát sinh). Đồng thời rà soát đối với các hợp đồng thầu khoán đất nông nghiệp nhưng xây dựng trái phép phải xử lý vi phạm kịp thời, nếu cố tình thì thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật.
UBND huyện Hoằng Hóa đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất nông nghiệp; công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được duyệt; thực hiện nghiêm túc các quy định về chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp. Tăng cường công tác quản lý, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các trường hợp lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Phân công cán bộ, công chức giám sát theo dõi đến từng thôn, phố nhằm phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu. Đồng thời, tổ chức xử lý các trường hợp cụ thể theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Quản lý chặt chẽ mốc giới sử dụng đất của các tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sản xuất, kinh doanh, không để tình trạng xây tường bao quanh cả phần đất nông nghiệp ngoài mốc giới và san lấp, chuyển mục đích, xây dựng công trình trái phép… Mục tiêu mà huyện Hoằng Hóa đặt ra từ nay đến năm 2025, trên địa bàn huyện tuyệt đối không để phát sinh các trường hợp vi phạm, lấn chiếm, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Bài và ảnh: Việt Hương