Khổ vì giao thông cách trở
Vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương có 3 xã là Nhôn Mai, Mai Sơn và Hữu Khuông. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Mông, Thái, Khơ Mú.
Lâu nay, để vào với 3 xã này, huyện Tương Dương có 2 lựa chọn, một là đi đường bộ vòng qua huyện Kỳ Sơn, với quãng đường chừng 180km. Cách thứ 2 là ngồi thuyền máy, rẽ sóng lòng hồ thủy điện chừng hơn 2 giờ để đến Hữu Khuông, và lâu hơn khi đến các xã Nhôn Mai, Mai Sơn.
Mang tiếng là có thể đi đường bộ đến trung tâm xã, nhưng đó là “đường mượn”, vòng qua huyện Kỳ Sơn… mất nửa ngày đường. Còn ngồi thuyền máy, nếu gặp hôm mưa to, gió lớn… thì đành chịu. Vùng đất lòng hồ thủy điện Bản Vẽ vì thế mà như vùng “biệt lập”, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Bởi con đường bộ đi qua huyện Kỳ Sơn cũng đầy những điểm sạt lở nguy hiểm, rất khó lưu thông khi mưa lũ.
Và không nói thì cũng dễ dàng hình dung đến cuộc sống khó khăn của những cư dân 3 xã vùng lòng hồ, nhất là ở xã Hữu Khuông. Hôm chúng tôi ghé thăm xã Hữu Khuông vào dịp cuối tháng 8 vừa qua, Chủ tịch UBND xã – Lô Văn Giáp đã bộ bạch một thực tế đầy day dứt: Diện tích lúa nước hơn 25ha, lúa rẫy hơn 30ha… nên chỉ đủ ăn. Thu nhập chủ yếu của người dân là 240ha sắn nhưng làm ra rất khó bán, và bán cũng giá rất thấp vì chi phí vận chuyển cả đường bộ và đường thủy đều rất vất vả, tốn kém. Sản xuất ở đây mang nặng tự cung tự cấp. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo còn hơn 76%.
Các xã Mai Sơn, Nhôn Mai cũng có nhiều khó khăn không kém. Dù rằng, gần đường quốc lộ 16, dễ dàng thông thương với bên ngoài hơn, nhưng để đến trung tâm huyện lỵ Tương Dương cũng mất chừng 120km. Vì thế, nhiều hoạt động giao dịch của người dân với chính quyền có những khó khăn nhất định.
Chưa kể, việc định hướng phát triển kinh tế các xã vùng Tây Bắc huyện Tương Dương (Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông) gặp khó khăn. Trưởng phòng Lao động – Thương binh và Xã hội huyện Tương Dương -Trần Văn Toản thông tin: Xã Nhôn Mai có tỷ lệ hộ nghèo 51,94%, cận nghèo 22,89%; xã Mai Sơn có tỷ lệ hộ nghèo 64,97%, cận nghèo 21,24%. Kinh tế của Nhân dân 3 xã vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ chủ yếu là nông nghiệp, cơ bản vẫn tự cung, tự cấp.
Trước thực tế này, tỉnh Nghệ An đã triển khai thực hiện dự án mở đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn. Dự án được kỳ vọng sẽ đánh thức tiềm năng, thế mạnh vùng Tây Bắc huyện Tương Dương; đồng thời hoàn thành mục tiêu 100% số xã có đường ô tô đến trung tâm. Dự án được tỉnh giao cho do Sở Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư.
Kế hoạch khó thành!?
Thực tế trong nhiều năm nay, niềm đau đáu của hàng ngàn hộ dân người Thái, Khơ Mú, Mông của 3 xã Nhôn Mai, Mai Sơn, Hữu Khuông, là mong sớm có đường giao thông nối với trung tâm huyện Tương Dương. Thực ra, dự án này cũng đã được hình thành ngay khi lòng hồ thủy điện bản Vẽ tích nước vào năm 2009, đã xóa nhòa những cung đường bộ trước đây.
Trong niềm mong mỏi thiết tha có đường bộ về trung tâm xã, lãnh đạo các xã vùng lòng hồ Bản Vẽ đã không dấu nổi niềm vui, khi dự án mở đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn đã khởi động được mấy tháng. Cả ông Lô Văn Giáp, Chủ tịch UBND xã Hữu Khuông, ông Lữ Ngọc Tin h,Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai và bà Lô Thị Hương, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn đều hồ hởi: Địa phương rất phấn khởi, mong dự án đường giao thông sớm hoàn thành; vừa rút ngắn và thuận tiện hơn khi đến trung tâm huyện, vừa mở ra hướng giao thương, phát triển kinh tế.
Chuyến công tác cuối tháng 8/2024 tại vùng lòng hồ bản Vẽ, chúng tôi cũng như vui lây niềm vui của bà con dân bản. Những trụ cầu chắc chắn như mọc lên giữa mặt hồ xanh biếc. Những đoạn núi cũng đã được san ủi, hạ thấp độ cao… để làm đường nay mai.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, dự án mở đường bộ từ xã Yên Tĩnh vào xã Hữu Khuông, đi các xã Nhôn Mai, Mai Sơn có ba cây cầu (2 cây cầu bắc qua lòng hồ và 01 cây cầu bắc qua suối); nhưng hiện nay cây cầu ở khe Hộc chưa hoàn thiện các thủ tục xây dựng, cụ thể là còn thiếu giấy phép xây dựng. Tuyến giao thông này hiện đang có hơn 8km phải đi qua đất rừng, nhưng vẫn chưa làm xong thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, dẫn tới chưa thể thi công.
Khi khảo sát thiết kế, đơn vị thi công đã tính toán cốt nước dựa trên mức thống kê ngập trung bình của nhiều năm để thi công cầu. Tuy nhiên, năm nay, do mưa bất thường dẫn tới cốt ngập của lòng hồ cao hơn mọi năm, do đó việc thi công trụ cầu gặp khó khăn, có khả năng phải điều chỉnh chiều cao cốt ngập.
Bên cạnh đó, đây là dự án mở đường với lối đi độc đạo, dẫn tới nhiều nguyên vật liệu làm dầm cầu phải chở từ tỉnh Hà Tĩnh sang. Và để vào đến tận chân công trình, lại phải mất thêm thời gian, kinh phí vận chuyển qua thuyền, phà.
Thêm một lý do bất khả kháng, ảnh hưởng đến tiến độ công trình là, miền núi Nghệ An đang bước vào mùa mưa. Do đó, việc thi công dự án đang có những thời điểm bị chững lại.
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn công tác của Uỷ ban Dân tộc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An hôm 29/8 mới đây, ông Nguyễn Đức An, Phó Giám đốc sở Giao thông Vận tải chia sẻ: Dự kiến 2024 sẽ giải ngân hết nguồn vốn bố trí từ năm 2022 đến 2024. Quyết tâm của ngành là hoàn thành trong năm 2025, nhưng do có quá nhiều khó khăn nên đang xin điều chỉnh thời gian sang năm 2026.
Từ thực tế khó khăn hiện hữu, cùng với những lời của đơn vị chủ đầu tư dự án, thì mục tiêu giai đoạn 2021-2025 là 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, sẽ rất khó thực hiện.
Tỉnh Nghệ An có 460 đơn vị hành chính cấp xã ( 411 xã). Trong đó, có 131 xã thuộc khu vực I và khu vực III. Hiện nay chỉ còn 03 xã gồm: Nhôn Mai, Mai Sơn và Hữu Khuông chưa có đường đến trung tâm xã, do dự án mở đường đang chậm tiến độ.
Nguồn: https://baodantoc.vn/hoan-thien-truc-giao-thong-chinh-o-cac-xa-mien-nui-nghe-an-nhieu-cai-kho-dang-bo-tien-do–1726452939139.htm