Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Điều tiết Điện lực đã điểm lại những thành công của đơn vị trong nhiều khó khăn, thách thức.
Chiều 15/1, Cục Điều tiết Điện lực đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự hội nghị, có Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài; ông Lê An Hải, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo các cục, vụ, viện của Bộ Công Thương; đại diện lãnh đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các tổng công ty điện lực, tổng công ty phát điện, Công ty Vận hành hệ thống điện và Thị trường điện Quốc gia, Công ty Mua bán điện. Ngoài ra, còn có các tổ chức quốc tế: GIZ, Đại sứ quán Úc, Đan Mạch.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trương Thanh Hoài, Ủy viên Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương tham dự hội nghị |
Về phía Cục Điều tiết Điện lực, có ông Trần Việt Hòa – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực cùng các đồng chí phó cục trưởng và toàn thể công chức, viên chức, người lao động của Cục.
Nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý, hướng tới phát triển thị trường điện cạnh tranh
Báo cáo tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực, ông Trần Việt Hoà cho biết: “Chặng đường 20 năm hình thành và phát triển đã ghi nhận nhiều kết quả quan trọng, đặc biệt trong công tác xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành điện“.
Theo ông Hoà, trong năm 2024, ngành điện đã đạt được bước tiến lớn trong cải cách thể chế và xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, với trọng tâm là Luật Điện lực sửa đổi. Quá trình này được triển khai quyết liệt, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị trong và ngoài ngành để hoàn thiện và trình ban hành luật. Trên cơ sở luật mới, Cục Điều tiết Điện lực đã xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản hướng dẫn gồm 4 nghị định, 2 quyết định và 15 thông tư, đảm bảo tính đồng bộ và kịp thời với các yêu cầu thực tiễn.
Tiết mục văn nghệ mở đầu hội nghị |
Đặc biệt, chỉ trong thời gian ngắn sau khi Luật Điện lực được thông qua, toàn bộ các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật đã được hoàn thiện và gửi tới Bộ Tư pháp để thẩm định. “Đến nay, chúng tôi đã hoàn thành công tác dự thảo, thẩm định và sẵn sàng trình Chính phủ phê duyệt theo đúng kế hoạch,” ông Hoà cho biết.
Bên cạnh việc xây dựng hệ thống pháp lý mới, Cục cũng liên tục rà soát, điều chỉnh các quy định hiện hành để phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Sự xuất hiện của các công nghệ mới và những yêu cầu từ thực tiễn cung ứng điện đã đặt ra thách thức lớn, đòi hỏi ngành điện phải không ngừng đổi mới. Năm 2025, nhiệm vụ trọng tâm của Cục là tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo tiền đề cho sự phát triển của thị trường điện cạnh tranh.
Ông Trần Việt Hoà – Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực. |
Một trong những điểm nổi bật năm 2024 là việc trình Chính phủ ban hành Nghị định 80, mở đường cho cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa khách hàng lớn và các đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo. Nghị định này không chỉ thúc đẩy đầu tư vào năng lượng tái tạo mà còn là bước đi quan trọng hướng tới thị trường bán lẻ điện cạnh tranh.
Ông Hoà khẳng định: “2025 là năm bản lề, khi quốc gia chính thức chuyển sang giai đoạn phát triển thị trường điện cạnh tranh toàn diện. Cục Điều tiết Điện lực sẽ tiếp tục rà soát và hoàn thiện thiết kế thị trường, đảm bảo các quy định pháp lý phù hợp với thực tiễn và đáp ứng tốt nhu cầu phát triển của ngành”.
Đẩy mạnh điều tiết điện lực: Tháo gỡ khó khăn và hướng tới phát triển bền vững
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa cho biết, trong bối cảnh phát triển ngành điện hiện nay, việc điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Hoà khẳng định, năm 2025, Cục sẽ tập trung xây dựng các khung giá điện và cơ chế giá cho các nguồn năng lượng mới như điện gió ngoài khơi và thủy điện tích năng, nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng và thúc đẩy thu hút đầu tư.
Trong năm 2024, Cục đã tham mưu Bộ Công Thương ban hành nhiều văn bản pháp luật về giá điện và sẽ tiếp tục triển khai các quy định này trong năm 2025. Đặc biệt, việc ban hành kịp thời khung giá cho các loại hình năng lượng mới là ưu tiên nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư và đảm bảo cung ứng điện ổn định.
Theo ông Hòa, hợp tác quốc tế đã mang lại nhiều cơ sở khoa học quan trọng, góp phần vào việc xây dựng chính sách điều tiết điện lực. Năm 2024, Cục đã triển khai nhiều hoạt động hợp tác quốc tế, thu thập dữ liệu và thông tin quý báu, hỗ trợ các nhiệm vụ chiến lược. Trong năm 2025, Cục dự kiến đẩy mạnh hơn nữa công tác này, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với những thách thức từ công nghệ mới và các loại hình năng lượng chưa từng triển khai.
Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Trần Việt Hòa nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh phát triển ngành điện hiện nay, việc điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách phù hợp với xu thế phát triển kinh tế – xã hội là nhiệm vụ trọng tâm. |
Một vấn đề đáng chú ý là tình trạng “chảy máu chất xám” trong đội ngũ cán bộ, đặc biệt ở các vị trí lãnh đạo cấp phòng và chuyên viên giàu kinh nghiệm. Ông Hòa thừa nhận, đây là một “bài toán” nan giải, đòi hỏi sự đoàn kết và nỗ lực chung của toàn thể cán bộ trong Cục để duy trì và phát triển các hoạt động quản lý, điều tiết điện lực.
Bước sang năm 2025, ngành điện đối mặt với nhiều thách thức trong việc vận hành hệ thống điện, nhất là trong giai đoạn từ 2026-2030. Cục đã phối hợp xây dựng kế hoạch vận hành hệ thống điện nhằm đảm bảo cung ứng điện an toàn, hiệu quả. Đồng thời, công tác điều hành giá điện sẽ tiếp tục được chú trọng, đặc biệt đối với các loại hình công nghệ mới, đòi hỏi đội ngũ cán bộ phải thường xuyên cập nhật kiến thức và đưa ra giải pháp kịp thời.
Ông Hòa khẳng định, công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc lan tỏa thông tin chính thống, tạo sự đồng thuận cao từ xã hội. Cục đã triển khai nhiều hoạt động truyền thông hiệu quả, từ điều chỉnh giá điện đến các chính sách cung ứng điện, qua đó nhận được sự ủng hộ từ các bên liên quan.
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Cục Điều tiết Điện lực sẽ bước vào giai đoạn tái cơ cấu, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị như Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo để nâng cao hiệu quả điều hành. Trong bối cảnh thay đổi, ông Hòa kỳ vọng các bên liên quan, từ lãnh đạo Bộ Công Thương đến các đơn vị ngành điện, sẽ chung tay hỗ trợ để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Nhân dịp năm mới, Cục Điều tiết Điện lực cam kết nỗ lực hết mình, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững ngành điện, đáp ứng kỳ vọng của xã hội và góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước.
Vượt qua một năm đầy khó khăn
Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Ninh, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO), cho biết, 2024 là một năm đạt nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực năng lượng. Sau năm 2023 đầy khó khăn, ngành Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cùng NSMO đã vượt qua hàng loạt thách thức để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, ổn định và minh bạch.
Ông Nguyễn Đức Ninh, Quyền Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO). |
Theo ông Ninh, quá trình chuyển đổi NSMO thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên trực thuộc Bộ Công Thương từ tháng 8/2024 đã diễn ra trong bối cảnh hệ thống gặp nhiều khó khăn. Các yếu tố như tăng trưởng phụ tải cao, biến động khí hậu, và áp lực đảm bảo cung ứng điện được xử lý hiệu quả nhờ sự chỉ đạo từ Chính phủ, Bộ Công Thương, và sự hỗ trợ của Cục Điều tiết Điện lực. Tuy nhiên, NSMO đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để vận hành linh hoạt 64 hồ thủy điện theo 11 quy trình liên hồ, đảm bảo cung ứng điện cho giờ cao điểm theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, các kế hoạch vận hành hệ thống điện và thị trường điện năm 2025 đã được ban hành đúng tiến độ, tạo tiền đề cho sự ổn định trong tương lai.
Ông Ninh cũng bày tỏ lời cảm ơn tới Cục Điều tiết Điện lực vì đã chủ trì, trình lãnh đạo Bộ ban hành và sửa đổi các thông tư quan trọng, như Thông tư 10 về giá điều độ, góp phần đảm bảo hoạt động vận hành hiệu quả. Nhìn về năm 2025, ông Ninh nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ tiếp tục từ Cục Điều tiết Điện lực trong việc thẩm định kế hoạch sản xuất kinh doanh, phê duyệt giá dịch vụ vận hành, và hoàn thiện các văn bản pháp lý liên quan.
Tiếp tục hợp tác bền vững
Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá cao những nỗ lực và thành tựu mà ngành điện lực đã đạt được trong năm 2024.
Ông Ngô Sơn Hải, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). |
Theo ông Hải, năm 2024 là một năm đầy thử thách đối với EVN và ngành điện Việt Nam khi phải đối mặt với nhiều khó khăn về cung cấp điện và cân đối tài chính. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương và sự hỗ trợ kịp thời từ Cục Điều tiết Điện lực, EVN đã đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và sinh hoạt trên cả nước, đạt mức tăng trưởng phụ tải gần 10% so với năm trước, dù nguồn cung cấp điện mới đưa vào vận hành không đáng kể.
Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận là việc hoàn thành dự án đường dây 500 kV Quảng Trạch – Phố Nối, giúp nâng cao năng lực truyền tải điện Bắc – Nam trong thời gian ngắn, được Chính phủ ghi nhận. Ngoài ra, tập đoàn cũng đảm bảo cân đối tài chính với lợi nhuận ở cả công ty mẹ và các đơn vị trực thuộc.
Ông Hải cũng bày tỏ sự cảm kích đối với Cục Điều tiết Điện lực khi cơ quan này đã mạnh dạn điều chỉnh cơ cấu nguồn điện, hệ thống quy định vận hành và thị trường điện phù hợp với thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các bên tham gia thị trường. Đồng thời, Cục cũng hỗ trợ EVN trong việc tham gia sâu vào công tác sửa đổi Luật Điện lực và xây dựng các nghị định, thông tư đi kèm, góp phần tháo gỡ nhiều khó khăn cho tập đoàn.
Tới dự hội nghị còn có các tổ chức quốc tế; GIZ, Đại sứ quán Úc, Đan Mạch. |
Dự báo cho năm 2025, ông Hải cho rằng ngành điện sẽ tiếp tục đối mặt với thách thức lớn hơn khi Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, kéo theo nhu cầu tăng trưởng phụ tải điện ở mức 12%. Để đáp ứng yêu cầu này, EVN đã chuẩn bị các phương án bao gồm đảm bảo nhiên liệu, vận hành an toàn các tổ máy và đàm phán khẩn trương với các nguồn điện mới.
Hiện tại, EVN chỉ sở hữu 36% nguồn điện trong hệ thống và sẽ cần sự đồng hành, hỗ trợ từ Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan để đạt mục tiêu đảm bảo cung cấp điện ổn định và mong rằng trong năm 2025, 2 bên sẽ tiếp tục hợp tác bền vững để phát triển ngành điện trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định, Cục Điều tiết Điện lực có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống điện quốc gia. |
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài khẳng định, Cục Điều tiết Điện lực có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo sự ổn định, minh bạch và hiệu quả của hệ thống điện quốc gia. Trong 20 năm qua, Cục đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đây là thành quả từ sự đoàn kết và nỗ lực của toàn bộ cán bộ, công chức trong ngành.
Nổi bật trong các thành tựu là việc hoàn thiện thể chế liên quan đến thị trường điện và giá điện, đảm bảo cung ứng điện ổn định phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Đặc biệt, Việt Nam đã ký kết thành công các hiệp định nhập khẩu điện với các quốc gia láng giềng, trong đó dự kiến đến năm 2030 sẽ nhập khẩu tổng công suất lên đến 12.000 MW, tương đương tiết kiệm được khoảng 20 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng sản xuất điện.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và vận hành các chính sách điều tiết thị trường điện cũng là dấu ấn quan trọng, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của ngành năng lượng. Thứ trưởng đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, đặc biệt trong việc triển khai các nhiệm vụ trọng yếu như xây dựng khung pháp lý và điều tiết giá điện.
Dù đạt được nhiều thành tựu, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cũng thẳng thắn chỉ ra những thách thức không nhỏ mà ngành điện phải đối mặt. Từ năm 2026, tình hình cung cấp điện sẽ bắt đầu căng thẳng, và giai đoạn 2030 dự báo sẽ còn áp lực hơn nữa. Các mục tiêu đảm bảo đủ năng lượng, sạch và giá thành hợp lý đang đặt ra bài toán khó cho toàn ngành.
Ngoài ra, Thứ trưởng cũng đề cập đến yêu cầu cao từ Chính phủ trong việc xây dựng hệ thống năng lượng bền vững, đáp ứng sức chịu tải ngày càng lớn của nền kinh tế. Thứ trưởng nhấn mạnh, sự đồng lòng, đoàn kết trong nội bộ ngành và việc tiếp tục hoàn thiện thể chế sẽ là chìa khóa để vượt qua thách thức.
Thứ trưởng Trương Thanh Hoài gửi lời tri ân đến toàn thể cán bộ, công chức của Cục Điều tiết Điện lực vì những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt thời gian qua; đồng thời hy vọng, với sự lãnh đạo nhất quán và sự đoàn kết cao độ, Cục sẽ tiếp tục là đầu tàu đưa ngành điện lực vượt qua mọi khó khăn, đạt thêm nhiều thành tựu mới trong tương lai.
Đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế Trong năm 2024, Cục Điều tiết Điện lực tiếp tục tham gia các chương trình làm việc, hội thảo trong khuôn khổ các hợp tác quốc tế được Bộ Công Thương giao chủ trì, đầu mối thực về chuyển dịch năng lượng, mạng lưới cơ quan điều tiết. Bên cạnh đó, Cục cũng tích cực tham gia, phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo trong các hoạt động thuộc khuôn khổ hợp tác ASEAN. Về hỗ trợ kỹ thuật, Cục phối hợp chặt chẽ với đối tác thực hiện các dự án như Chương trình Đối tác Năng lượng Việt Nam – Đan Mạch giai đoạn 2020 – 2025 (DEPP3) do Chính phủ Đan Mạch tài trợ; Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (VLEEP II) do USAID tài trợ và Dự án Thúc đẩy quá trình chuyển dịch ngành năng lượng tại Việt Nam (TEV) do Chính phủ Đức tài trợ thông qua Tổ chức GIZ. Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, Cục triển khai thực hiện 02 đề tài được Bộ Công Thương phê duyệt bổ sung nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp Bộ năm 2023 (thời gian thực hiện sang 2024), trong đó hoàn thành bảo vệ nghiệm thu cấp Bộ đối với 01 đề tài và 01 đề tài còn lại đã được Bộ Công Thương ban hành Quyết định gia hạn thời gian thực hiện sang năm 2025. Công tác hợp tác quốc tế, tiếp nhận và quản lý các dự án hỗ trợ kỹ thuật đã đóng góp, hỗ trợ tích cực Cục Điều tiết Điện lực thực hiện tốt và hiệu quả các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, đặc biệt là trong việc nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách mới phục vụ điều tiết điện lực và phát triển thị trường điện. |
Nguồn: https://congthuong.vn/cuc-dieu-tiet-dien-luc-hoan-thien-the-che-tao-tien-de-phat-trien-thi-truong-dien-canh-tranh-369751.html