Làm một việc, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực
Bộ trưởng Bộ Công an, Đại tướng Tô Lâm cho biết, trong chỉ đạo xử lý án tham nhũng, ngoài tập trung xử lý đối tượng vi phạm, thu hồi tối đa tài sản tham nhũng thì một trong những vấn đề được quan tâm là xác định sơ hở, thiếu sót trong quản lý kinh tế – xã hội để kiến nghị hoàn thiện thể chế, để không thể tham nhũng.
“Qua một số vụ án trong lĩnh vực y tế, giáo dục vừa qua, cơ quan điều tra có nhiều kiến nghị nhằm khắc phục sơ hở trong đầu tư công, đấu thầu, mua sắm thiết bị, góp phần minh bạch, với mục tiêu làm một vụ việc cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, để đối tượng tham nhũng phải bị xử lý, người đang có kiểu cách làm việc hay công ty có phương thức làm việc như thế phải chấm dứt ngay và khắc phục hiệu quả, nếu không sẽ bị xử lý”, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh, qua đó còn góp phần rà soát các kẽ hở mà đối tượng phạm tội có thể lợi dụng để thực hiện hành vi.
Nhấn mạnh một số lĩnh vực như chứng khoán, tài chính, doanh nghiệp thể hiện rõ điều đó, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho rằng vụ việc này không nhiều nhưng để lại những bài học, kinh nghiệm phải rút kinh nghiệm, phải chấn chỉnh từ thông tư, nghị định, pháp luật, thậm chí cho đến luật, để phòng ngừa tội phạm.
Hầu hết qua các vụ án, cơ quan điều tra có kiến nghị hoàn thiện cơ chế quản lý phòng ngừa tội phạm. Đây là nội dung sẽ được ngành công an tiếp tục chỉ đạo thực hiện trong thời gian tới.
Cách nào để “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng?
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội đề nghị Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nêu giải pháp hữu hiệu để “không thể, không dám, không muốn” tham nhũng.
Trả lời về nội dung này, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh, để “không thể” tham nhũng thì cơ chế quản lý, hệ thống luật pháp phải chặt chẽ; chế tài quản lý nhà nước hiệu lực tốt để không bị lợi dụng.
Liên quan đến giải pháp để “không muốn tham nhũng”, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho rằng, chế độ cho cán bộ các cấp nói chung có nhiều cố gắng, có định kỳ tăng lương nhưng “để cán bộ tự sống thì hết sức có khăn, tỉ lệ “sống được” nhờ “nguồn” khác như cha mẹ, anh em, vợ/chồng hỗ trợ”.
“Chúng ta đòi hỏi công việc tốt nhưng phải nghiên cứu lộ trình, giải pháp chính sách bảo đảm mức sống để cán bộ an tâm công tác. Nguồn lực ngân sách có hạn nhưng phải luôn quan tâm để giảm bớt khó khăn cho người tâm huyết, nhiệt huyết, muốn giữ gìn sự trong sáng, đạo đức của mình”, Viện trưởng Lê Minh Trí nhấn mạnh.
THẢO PHƯƠNG