Những định hướng mới
Trưởng phòng Nghiên cứu chiến lược và Cơ chế quản lý kinh tế ngành, Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), thạc sĩ Vũ Quyết Thắng chia sẻ, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 3/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, công trình xây dựng mới cấp II thuộc dự án nhóm B trở lên sẽ phải áp dụng mô hình thông tin (BIM) công trình trong thời gian tới.
Định hướng mới này đồng thời phù hợp với lộ trình áp dụng BIM giai đoạn 2, thực hiện từ năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ, quy định tại Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 17/3/2023 về lộ trình áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng.
Cũng theo dự thảo nghị định, đối với các công trình không thuộc đối tượng quy định bắt buộc áp dụng, khuyến khích chủ đầu tư chủ động áp dụng BIM và cung cấp tập tin BIM để cập nhật vào cơ sở dữ liệu quốc gia về hoạt động xây dựng.
Dữ liệu BIM là tài nguyên số được tạo lập, quản lý và khai thác trong quá trình thực hiện dự án xây dựng. Phạm vi, nội dung thực hiện và các yêu cầu thông tin cần thiết của BIM đối với công trình được áp dụng BIM sẽ được thực hiện theo thỏa thuận được nêu tại hợp đồng của các bên có liên quan tại từng giai đoạn của dự án và đáp ứng yêu cầu hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước về công trình xây dựng.
Về lợi ích hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước, theo ông Vũ Quyết Thắng, cơ quan chuyên môn về xây dựng được sử dụng dữ liệu BIM để hỗ trợ trong quá trình thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở, cấp phép xây dựng.
Đối với công trình xây dựng có quy mô cấp đặc biệt, cấp I (thuộc đối tượng quy định tại khoản 6 Điều 82 Luật Xây dựng được sửa đổi bổ sung tại khoản 24 Điều 11 Luật số 62/2020/QH14) và các công trình có yêu cầu phải thẩm tra thiết kế trong quá trình thẩm định tại cơ quan chuyên môn về xây dựng, tại kết quả thẩm tra thiết kế xây dựng công trình cần có đánh giá của đơn vị tư vấn thẩm tra về tính thống nhất của mô hình BIM với các kết quả tính toán, thiết kế thể hiện tại hồ sơ nộp thực hiện thủ tục hành chính.
Luật sư Phạm Viết Thái – Đoàn luật sư TP Hà Nội nhìn nhận, dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 15/2021/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng có nhiều điểm cải cách quan trọng, đặc biệt trong việc ứng dụng công nghệ thông tin và BIM, nâng cao quản lý chất lượng công trình, cải thiện quy trình thẩm định và phê duyệt dự án, cùng với việc bảo vệ môi trường.
Dự thảo sẽ làm rõ hơn các quy định liên quan đến xử lý tranh chấp trong các hợp đồng xây dựng, bao gồm cả việc xử lý các vi phạm hợp đồng, trách nhiệm bồi thường thiệt hại và giải quyết các khiếu nại liên quan đến chất lượng công trình. Các quy định mới sẽ cần phải được các nhà thầu, chủ đầu tư và các bên liên quan khác đồng tình và thực thi một cách nghiêm túc, điều này đòi hỏi một quá trình tuyên truyền và giải thích cặn kẽ.
Hành lang hướng dẫn đầy đủ
Thực tế với việc tích hợp thực hiện chuyển đổi số trong ngành xây dựng, BIM đã được áp dụng và ngày càng trở nên phổ biến, đem lại hiệu quả tích cực trong triển khai dự án đầu tư. Tuy nhiên, nhiều DN xây dựng, các đơn vị tư vấn thiết kế gặp phải sự thiếu đồng bộ về các yêu cầu pháp lý và quy định xây dựng; hồ sơ mời thầu; chi phí áp dụng công nghệ mới cũng như phải điều chỉnh mô hình BIM để tuân thủ các quy định mới hoặc các tiêu chuẩn kỹ thuật không rõ ràng.
Ông Vũ Quyết Thắng thông tin, ngày 2/4/2021, Bộ Xây dựng đã công bố Quyết định số 348/QĐ-BXD công bố hướng dẫn chung áp dụng BIM trong hoạt động xây dựng và Quyết định số 347/QD-BXD hướng dẫn chi tiết áp dụng BIM đối với công trình dân dụng và hạ tầng kỹ thuật đô thị.
Trong đó, trường hợp chủ đầu tư chưa có năng lực, kinh nghiệm có thể thuê đơn vị tư vấn thẩm tra đánh giá mức độ đáp ứng của mô hình thông tin công trình BIM theo các tiêu chí của hợp đồng ký kết giữa chủ đầu tư và đơn vị tư vấn, trong đó có nội dung đánh giá tính thống nhất của mô hình BIM với kết quả tính toán cũng như hồ sơ thiết kế truyền thống để nộp cho cơ quan quản lý Nhà nước.
Nếu chủ đầu tư không đánh giá được mô hình BIM mà thiết kế nộp cho chủ đầu tư theo các yêu cầu trong hợp đồng tư vấn xây dựng, chủ đầu tư có thể thuê tư vấn giúp chủ đầu tư đánh giá xem mô hình BIM, sản phẩm BIM có đáp ứng yêu cầu theo hợp đồng ký kết hay không.
Giám đốc kỹ thuật khu vực ASEAN của Autodesk Sagar Thorat nhận định, môi trường dữ liệu chung (CDE) là một giải pháp quan trọng để giải quyết những bất cập trong quá trình đấu thầu và nghiệm thu dự án áp dụng BIM.
Lợi ích của CDE trong quản lý dự án BIM sẽ tạo ra sự minh bạch thông tin, với một nền tảng duy nhất cho tất cả các bên liên quan, đảm bảo mọi dữ liệu và tài liệu dự án được lưu trữ, chia sẻ, và cập nhật theo thời gian thực. Với hệ thống quản lý tập trung, CDE giúp giảm thiểu các lỗi phát sinh do thông tin không nhất quán hoặc không được truyền tải kịp thời.
Đồng thời, nâng cao hiệu quả làm việc trong quy trình đấu thầu và nghiệm thu, cho phép giám sát dự án xuyên suốt, từ giai đoạn thiết kế đến thi công và hoàn thiện, đảm bảo các tiêu chuẩn được tuân thủ một cách nghiêm ngặt.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/nam-2025-hoan-thien-quy-dinh-trong-thiet-ke-cong-trinh-nghiem-thu-du-an.html