Đắk Lắk đã và đang tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư trên các lĩnh vực, cắt giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực tham gia xúc tiến đầu tư góp phần cải thiện hình ảnh môi trường đầu tư, kinh doanh của Đắk Lắk mạnh mẽ và thực chất.
Tỉnh Đắk Lắk luôn kiên định mục tiêu mở rộng thu hút đầu tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. (Nguồn: Báo Công Thương) |
Là tỉnh nằm ở vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên, Đắk Lắk có vị trí chiến lược quan trọng về kinh tế, quốc phòng, an ninh đối với khu vực và cả nước. Nhờ mạng lưới giao thông đường bộ, đường hàng không thuận lợi, dễ dàng kết nối với các trung tâm kinh tế lớn; đồng thời, nằm trong tam giác phát triển ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, Đắk Lắk sở hữu nhiều điều kiện mở rộng giao lưu với các vùng trong cả nước cũng như hợp tác quốc tế.
Với mục tiêu khai thác hết tiềm năng, phát huy tối đa thế mạnh của địa phương để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, nhiều năm qua, tỉnh Đắk Lắk luôn kiên định mục tiêu mở rộng thu hút đầu tư theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực. Gần đây, những dự án có vốn đầu tư lớn, liên tục được “đổ” vào các lĩnh vực thế mạnh của Đắk Lắk, tạo động lực tăng trưởng bứt phá nơi “thủ phủ” Tây Nguyên.
Dự án lớn đổ về
Trong giai đoạn từ năm 2021 đến tháng 4/2024, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều dự án lớn thuộc lĩnh vực năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, nhà ở…. được thu hút như như: Nhà máy điện mặt trời nổi KN Srêpốk 3, Khu phức hợp nhà ở thông minh kết hợp trung tâm thương mại, Nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu Chánh Thu Đắk Lắk…
Bên cạnh đó, một số dự án lớn đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Các nhà máy điện mặt trời: Nhà máy điện mặt trời Srêpốk 1, vốn đầu tư 1.200 tỷ đồng; Nhà máy điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp Long Thành Đắk Lắk, vốn đầu tư 1.272,5 tỷ đồng; Trang trại điện mặt trời BMT, vốn đầu tư 676 tỷ đồng; 05 dự án điện mặt trời của Tập đoàn Xuân Thiện tại huyện Ea Súp với tổng công suất 600 MW, tổng vốn đầu tư 15.402 tỷ đồng; Nhà máy điện gió Ea Nam với tổng công suất 400 MW, tổng vốn đầu tư đăng ký 16.500 tỷ đồng; Khu chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao DHN Đắk Lắk, vốn đầu tư 550 tỷ đồng; Trung tâm thương mại (GO), vốn đầu tư 290 tỷ đồng… Đây là những dự án góp phần trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Một dự án đầu tư FDI ở trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Minh Qúy) |
“Quả ngọt” thu hút đầu tư không phải ngẫu nhiên, mà là kết quả của những nỗ lực rất lớn từ các cấp lãnh đạo địa phương trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế – xã hội nói chung, trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh nói riêng. Những dự án lớn kể trên thể hiện sự cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Lắk trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của đội ngũ viên chức về tinh thần phục vụ và nâng cao trách nhiệm, tính năng động, sáng tạo trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; từ đó, tạo một môi trường đầu tư kinh doanh cởi mở, thân thiện, chuyên nghiệp, đáp ứng đầy đủ kỳ vọng của các nhà đầu tư.
Không chỉ thế, công tác xúc tiến đầu tư đã được đổi mới mạnh mẽ và nâng cao chất lượng, hiệu quả, chuyển phương thức xúc tiến đầu tư từ bị động sang chủ động: tăng cường các kênh xúc tiến đầu tư trực tuyến và ứng dụng công nghệ số, đồng thời chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc kịp thời cho các doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư…; đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ thực hiện công tác xúc tiến đầu tư.
Các hoạt động xúc tiến đầu tư được tập trung triển khai đồng bộ và mang lại hiệu quả, thông qua các nội dung hoạt động tuyên truyền, quảng bá giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư, các lợi thế, các dự án có trọng điểm của tỉnh Đắk Lắk đã tạo được sự thu hút nhất định đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Những kết quả nổi bật trong công tác thu hút đầu tư đã tạo động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế – xã hội của Đắk Lắk. Loạt dự án của nhà đầu tư đã góp phần đáng kể trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động, cũng như đóng góp nguồn thu cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn toàn tỉnh.
Một doanh nghiệp hoạt động tại Khu công nghiệp Hòa Phú (TP. Buôn Ma Thuột). (Nguồn: Báo Đắk Lắk) |
Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ
Hiện tại, tỉnh Đắk Lắk đang tập trung kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực có thế mạnh vượt trội. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp sẽ thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tăng cường liên kết để nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị hàng hóa, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; thúc đẩy hình thành các vùng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Về công nghiệp, Đắk Lắk sẽ phát triển công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm.
Về xây dựng, tỉnh sẽ quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn.
Đối với lĩnh vực thương mại dịch vụ, tỉnh khuyến khích đầu tư, phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ truyền thống kết hợp hiện đại; phát triển, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch sinh thái, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, logistics, giáo dục, y tế, khoa học.
Tỉnh luôn xác định môi trường đầu tư là yếu tố hàng đầu, quyết định đến kết quả thu hút đầu tư vào địa phương, do đó, Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, địa phương luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án kinh doanh trên địa bàn tỉnh.
Đến đầu tư tại địa bàn tỉnh Đắk Lắk, các doanh nghiệp, nhà đầu tư sẽ được hưởng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của pháp luật; được miễn tiền thuê đất từ 7 – 15 năm (tùy thuộc địa bàn và danh mục đầu tư); miễn 25 năm tiền thuê đất và giảm tiền thuê đất đối với các ngành nghề chế biến nông sản, logistic, du lịch văn hóa… trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, theo nghị quyết của HĐND tỉnh, các chuyên gia, nhà khoa học, người tài năng khi đến làm việc được miễn thuế thu nhập cá nhân trong vòng 5 năm từ tiền lương.
Tỉnh quan niệm, thành công trong thu hút đầu tư sẽ mở ra cơ hội để Đắk Lắk từng bước hoàn thiện hình ảnh của mình trong mắt các nhà đầu tư, bạn bè trong nước và quốc tế. Dó đó, thời gian tới, Đắk Lắk sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trên các lĩnh vực; tập trung huy động có hiệu quả các nguồn lực trong nước và nước ngoài cho đầu tư phát triển; tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; giảm chi phí gia nhập thị trường cho doanh nghiệp; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp an tâm đầu tư, kinh doanh tại địa phương.
Nguồn: https://baoquocte.vn/hoan-thien-hinh-anh-dak-lak-trong-mat-nha-dau-tu-279199.html