Ngày 11-10, Sở KH-CN tổ chức Hội thảo “Giới thiệu Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo thành phố, các cơ chế, chính sách để thu hút các đối tác tham gia vào trung tâm”.
Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM cho biết, Trung tâm trực thuộc Sở KH-CN trên cơ sở tổ chức lại Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN theo quyết định số 4335/QĐ – UBND của UBND TPHCM ban hành ngày 30-9-2024.
Hội thảo không chỉ giới thiệu cho cộng đồng Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo (KNĐMST) mô hình vận hành, cơ chế hoạt động của trung tâm mà còn là diễn đàn thu thập ý kiến của chuyên gia, cộng đồng hệ sinh thái KNĐMST về các chính sách ưu đãi khi tham gia vào trung tâm, góp phần hoàn thiện cơ chế vận hành.
Tại hội thảo, bà Phan Thị Quý Trúc, Phó Trưởng Phòng Quản lý sở hữu trí tuệ và Đổi mới sáng tạo, Sở KH-CN TPHCM, cho biết, đây là nơi tập hợp và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái KNĐMST của thành phố, trong và ngoài nước; giúp lan tỏa các chính sách hỗ trợ của nhà nước về KNĐMST cho cộng đồng.
Trung tâm cung cấp các dịch vụ về KNĐMST, hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, R&D và thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, nhằm tạo ra lợi thế cạnh tranh cho thành phố trong khu vực và quốc tế về KNĐMST. “Thành phố kỳ vọng đây là hạt nhân của hệ sinh thái KNĐMST, hướng tới trở thành trung tâm khởi nghiệp sáng tạo hàng đầu, góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam và khu vực”, bà Phan Thị Quý Trúc chia sẻ.
Dự án Trung tâm Khởi nghiệp sáng tạo TPHCM toạ lạc tại 123 Trương Định, phường Võ Thị Sáu, quận 3, TPHCM. Dự án do Công ty TNHH MTV Quản lý Kinh doanh nhà TPHCM làm chủ đầu tư. Quy mô: Diện tích khu đất là 2.618,4 m² (theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất); Số tầng: 3 tầng hầm (diện tích 7.479 m²), 9 tầng cao (diện tích 9.491 m²). Tổng diện tích sàn xây dựng: 16.970 m². Dự án có tổng mức đầu tư đầu tư hơn 323 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước. Thời gian thực hiện dự án từ năm 2019-2024.
Về hoạt động, trung tâm là nơi tổ chức các khóa huấn luyện nâng cao năng lực cho hệ sinh thái KNĐMST; tổ chức các sự kiện kết nối hoạt động liên quan đến thị trường, đầu tư, chuyên gia, đối tác…. hình thành hệ sinh thái trọng điểm cho thành phố. Đây cũng là nơi cung cấp các dịch vụ về huấn luyện, đào tạo, tư vấn, ươm tạo, tăng tốc cho hoạt động KNĐMST trong các lĩnh vực ưu tiên (thương mại điện tử, công nghệ tài chính, logistics, công nghệ giáo dục, y tế chăm sóc sức khỏe, phát triển bền vững, chuyển đổi số, an ninh mạng…) và khu vực công.
Các đại biểu đánh giá cao mô hình hoạt động của trung tâm và qua đó có nhiều ý kiến được đưa ra, như Bộ KH-ĐT có Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) thì TPHCM có nhất thiết phải cần Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo thành phố hay không? Ông Nguyễn Việt Dũng trả lời, hoạt động KHĐMST diễn ra khắp cả nước, nhiều trung tâm càng tốt nhưng nếu đơn vị ở TPHCM thì tham gia cùng trung tâm sẽ có nhiều thuận tiện hơn, nhất là về chính sách hỗ trợ của thành phố trong hoạt động KNĐMST.
Ông Trần Duy Hào, CEO của Star Global cho rằng, thành phố cần có những khung tiêu chuẩn qua đó quy định startup đủ điều kiện tham gia vào trung tâm, như vậy sẽ tránh tình trạng chen nhau vào nhưng không đúng mục đích hoạt động, mục tiêu đề ra của trung Tâm. “Chúng tôi hiện phát triển rất nhiều công nghệ, đặc biệt công nghệ IoT, 5G và các giải pháp chuyển đổi số, rất mong muốn được vào trung tâm để thúc đẩy các hoạt động KNĐMST”, ông Hoàng Kim Anh Dũng, đại diện MobiFone tại TPHCM nêu ý kiến tại hội thảo.
Ông Nguyễn Việt Dũng cảm ơn các ý kiến đóng góp của các đại biểu dự hội thảo và các ý kiến sẽ góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, để trung tâm hoạt động hiệu quả hơn.
“Phát triển trung tâm thành nơi làm việc sáng tạo, phát triển ý tưởng khởi nghiệp, tiếp cận các chính sách mới nhất về đầu tư và khởi nghiệp. Trung tâm sẽ là nơi gắn kết các trường đại học, viện nghiên cứu, các nhà đầu tư và đặc biệt là các vườn ươm khởi nghiệp… từ đó tạo ra những sản phẩm giá trị cao, những startup lớn mạnh góp phần phát triển hệ sinh thái KNĐMST của thành phố”, ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu.
Trong năm 2023, Sở KH-CN TPHCM đã hỗ trợ nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo cho trên 2.500 doanh nghiệp; hỗ trợ ươm tạo, phát triển 308 dự án; hỗ trợ 40 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tiếp cận nguồn vốn đầu tư mạo hiểm. Ước tính bình quân giai đoạn 2021 – 2023 chi đầu tư cho khoa học và công nghệ của xã hội đạt 0,88%/GRDP.
BÁ TÂN
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/hoan-thien-co-che-de-trung-tam-khoi-nghiep-sang-tao-tphcm-hoat-dong-hieu-qua-post763192.html