Ngày 20.10, theo nguồn tin của PV Thanh Niên, Cơ quan CSĐT Công an H.Hồng Dân (Bạc Liêu) vừa gửi thông báo kết luận điều tra vụ thai nhi hơn 9 tháng tuổi tử vong cho gia đình anh Nguyễn Hoàng Nghiệp (34 tuổi, ngụ ấp Tà Ky, xã Ninh Hòa, H.Hồng Dân) và khẳng định không khởi tố vụ vụ án.
Ca trực không sai sót chuyên môn kỹ thuật
Theo thông báo kết luận của Cơ quan CSĐT Công an H.Hồng Dân, Hội đồng chuyên môn kết luận ca trực ngày 24.5, bác sĩ phụ trách là N.C.H đối với sản phụ N.T.B (32 tuổi, vợ anh Nghiệp) thực hiện đúng các quy trình và quy định chuyên môn của Bộ Y tế về khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc người bệnh, không xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật.
Căn cứ hồ sơ bệnh án, Hội đồng chuyên môn kết luận, sản phụ B. có dấu hiệu chuyển dạ (dấu hiệu sinh) lúc 5 giờ ngày 24.5. Tổng thời gian chuyển dạ, tính từ lúc bắt đầu chuyển dạ đến khi tiến hành mổ đưa thai nhi ra ngoài là 15 giờ 12 phút. Thời gian như vậy là trong giới hạn chuyển dạ bình thường. Kíp trực thực hiện đúng quy định và phác đồ theo dõi chuyển dạ của Bộ Y tế.
“Khi gia đình yêu cầu bác sĩ thực hiện sinh mổ, bác sĩ phải khám, đánh giá diễn tiến cuộc chuyển dạ và căn cứ theo các quy định về chuyên môn để quyết định có sinh mổ hay không. Đồng thời phải giải thích cho người bệnh và gia đình về tình trạng bệnh, hướng điều trị tiếp theo. Theo quy định của Bộ Y tế, việc quyết định sinh mổ phải theo đúng chỉ định về mặt chuyên môn, không theo yêu cầu của gia đình. Nên việc ghi nhận ra y lệnh của bác sĩ thể hiện qua hồ sơ bệnh án là phù hợp tại thời điểm gia đình sản phụ yêu cầu sinh mổ. Khi có chỉ định mổ bắt con thì bác sĩ mời hội chẩn để mổ cấp cứu càng sớm càng tốt chứ không phải chờ các xét nghiệm hoặc chỉ định nào khác”, kết luận nêu.
Gia đình sản phụ nói gì?
Anh Nghiệp cho biết, nhiều tháng qua, gia đình anh rất bức xúc và chờ cơ quan điều tra làm rõ việc thai nhi, con vợ chồng anh tử vong có sự tắc trách của một số y, bác sĩ ở Trung tâm y tế (TTYT) H.Hồng Dân hay không.
Theo anh Nghiệp, khoảng 22 giờ ngày 21.5, anh đưa vợ là chị B. đến TTYT H.Hồng Dân sinh con. Chị B. lúc này mang thai 9 tháng 4 ngày, thai nhi là gái, nặng 3,2 kg. Sau khi khám xong, chị B. được bác sĩ làm thủ tục nhập viện. Đến khoảng 14 giờ ngày 24.5, chị B. có dấu hiệu chuyển dạ, được đưa vào phòng sinh. Đến 16 giờ 30 cùng ngày, chị B. vẫn chưa sinh được nên gia đình lo lắng, yêu cầu bác sĩ cho sinh mổ. Tuy nhiên, bác sĩ trực cho biết chị B. sinh bình thường được nên tiếp tục theo dõi. Đến khoảng 17 giờ cùng ngày, chị B. vẫn chưa sinh được, sức khỏe yếu dần nên gia đình tiếp tục yêu cầu bác sĩ cho sinh mổ, nhưng bác sĩ giải thích “sản phụ sinh thường được, cần gì phải mổ”.
Lúc này, anh Nghiệp thấy sức khỏe vợ rất yếu, mặt xanh xao. Đến khoảng 22 giờ cùng ngày, bác sĩ tức tốc đưa chị B. vào phòng mổ bắt con. Tuy nhiên, chỉ khoảng 30 phút sau, một bác sĩ ra thông báo trẻ sơ sinh tử vong. Anh Nghiệp cho rằng một số y, bác sĩ kíp trực của TTYT H.Hồng Dân có sự tắc trách dẫn đến thai nhi tử vong. Bởi trước đó, gia đình đã nhiều lần yêu cầu sinh mổ để bắt con nhưng đều bị bác sĩ từ chối (?).
Trước yêu cầu của gia đình anh Nghiệp cần làm rõ nguyên nhân dẫn đến thai nhi tử vong, ngày 25.5, Cơ quan CSĐT Công an H.Hồng Dân tiến hành khám nghiệm tử thi thai nhi, lấy lời khai những người có liên quan và niêm phong hồ sơ bệnh án để phục vụ điều tra.
Theo anh Nghiệp. sau khi sự việc xảy ra, đại diện TTYT H.Hồng Dân đến gia đình thăm hỏi, chia buồn, đồng thời hỗ trợ 30 triệu đồng mai táng. Hiện, gia đình đã làm đơn gửi TAND H.Hồng Dân khởi kiện TTYT H.Hồng Dân có trách nhiệm bồi thường do tổn thất về tinh thần, thiệt hại vật chất cho gia đình, bởi sự tắc trách của bác sĩ khiến thai nhi là con của vợ chồng anh tử vong.