Các nước đang phát triển và khối BRICS đang ủng hộ nhiệt thành với công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhưng các nước phát triển lại hoài nghi về công nghệ này.
Trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công nghệ được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới trong thời gian trở lại đây. (Nguồn: Decrypt) |
Hiện nay, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành một công cụ mới, có thể giúp con người xử lý các tác vụ rất phức tạp trước đây. Nhiều người dân, trong đó có cả chính khách tầm cỡ cũng đã ứng dụng AI nhằm tăng cường sự hiệu quả, nâng cao sức lao động và rút ngắn thời gian làm việc.
Người tin tưởng, người nghi ngại
Theo thông tin từ công ty kế toán toàn cầu KPMG, các thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) đang ứng dụng AI ở tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, phân nửa dân số các quốc gia này đều tỏ ra tin tưởng vào khả năng tuyệt vời mà AI mang lại.
Trong số các nước kể trên, 75% người dân Ấn Độ được khảo sát có niềm tin tuyệt đối vào công nghệ của tương lai này. Tỉ lệ ứng dụng AI vào công việc được khảo sát tại Trung Quốc lên đến 75%, trong khi đó tại Ấn Độ vào khoảng 66% và Brazil là 50%.
Ngược lại với kết quả trên, các nước phát triển có phần nghi ngại về công nghệ mới. 40% người Mỹ được khảo sát có đánh giá tích cực về trí tuệ nhân tạo nhưng chỉ 24% sẵn sàng sử dụng nó. Nhật Bản và Phần Lan có tỷ lệ tiêu cực với AI nhất. Cụ thể, hai nước này đều chỉ có 23% số người khảo sát tin tưởng vào AI.
Nghiên cứu kể trên được KPMG kết hợp với Đại học Queensland, một trong những trường Đại học hàng đầu ở Australia thực hiện. Bài nghiên cứu được khảo sát trên 17.000 người ở 17 nước, bao gồm khối BRICS, Mỹ, Nhật Bản, Australia, các nước châu Âu và những quốc gia khác.
Cuộc khảo sát bao gồm các câu hỏi liên quan đến việc sử dụng và chấp nhận AI trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau, như Y học, Tài chính và nhân sự, cũng như trong một số hoạt động hàng ngày.
Bảng khảo sát của KPMG phối hợp với Đại học Queensland (Australia) thực hiện trên 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Nguồn: KPMG) |
Mức độ phủ sóng ngày càng lớn
Trí tuệ nhân tạo đã trở thành công nghệ được nhắc đến nhiều nhất trên thế giới trong thời gian trở lại đây. Thậm chí, có khoảng thời gian AI chiếm ngôi đầu về số lượt tìm kiếm trên Google. Công nghệ được thúc đẩy bởi những tiến bộ đáng kể trong các lĩnh vực như tạo văn bản thành hình ảnh, mô hình học ngôn ngữ nâng cao và nền tảng tạo ra nó có thể sử dụng các công nghệ như vậy trong các tình huống hàng ngày.
Cuộc khảo sát cho biết có đến 82% số người được hỏi khẳng định có một số kiến thức về AI. Quốc gia có nhiều người biết đến công nghệ này nhất là Hàn Quốc (98%), tiếp theo là Trung Quốc (96%), Phần Lan (95%) và Singapore (94%). Hà Lan là nước ít nghe đến về công nghệ này nhất với 58%.
Cũng theo kết quả khảo sát, những ngành đòi hỏi trình độ chuyên môn cao có tỷ lệ ứng dụng AI rất thấp, như quản trị nguồn nhân lực với 36%. Nhìn chung, 67% dân số nói chung cảm thấy lạc quan về tiềm năng của AI, trong khi chỉ 24% nói rằng họ phản đối ứng dụng công nghệ này vào cuộc sống.
Bảng khảo sát về cảm nhận khi AI được ứng dụng vào cuộc sống. (Nguồn: KPMG) |
Sự chấp nhận và tin tưởng vào AI – không chỉ trong bối cảnh công việc cụ thể mà còn trong các thuật ngữ chung – đang mở ra một thế giới với vô vàn cơ hội để con người có thể thay đổi cách sống và làm việc. Tuy nhiên, nghiên cứu của KPMG cũng như một lời nhắc nhở rằng người dùng phải cân nhắc những rủi ro và các mối lo ngại liên quan đến trí tuệ nhân tạo, giống như với bất kỳ công nghệ đang phát triển nào.
Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về chủ đề này, lo ngại rằng việc phát triển AI quá nhanh có thể dẫn đến một sản phẩm thành công đến mức – theo một số nhân vật nổi tiếng trong ngành – có thể khiến mọi thứ vượt khỏi tầm kiểm soát nếu không có cơ chế kiểm soát phù hợp.
Elon Musk, Steve Wozniak, thậm chí cả Emad Mostaque – CEO của Stability AI, nhà phát triển mô hình tạo ảnh AI Stable Diffusion đã đồng loạt lên tiếng kêu gọi ngừng phát triển AI mạnh hơn ChatGPT vì lý do an ninh.