Hoài Ân thúc đẩy phát triển nuôi gà thả đồi
Để thúc đẩy phát triển chính sách nuôi gà thả đồi, các cấp chính quyền huyện Hoài Ân đã lựa chọn 7 hộ dân đủ điều kiện tham gia làm hạt nhân, ký hợp tác với Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh chuyển giao giống và kỹ thuật. Các hộ này đã được giải ngân 1,2 tỷ đồng từ nguồn vốn tạo việc làm của Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân để sớm sản xuất kinh doanh.
Tận dụng thế mạnh của địa phương
Trước khi có chính sách khuyến khích phát triển gà thả đồi giai đoạn 2022 – 2026 của UBND tỉnh, huyện Hoài Ân đã có định hướng đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi có thế mạnh, trong đó có gà thả đồi Hoài Ân. Theo ông Võ Duy Tín, Trưởng phòng NN&PTNT huyện, Hoài Ân có nhiều lợi thế về đặc điểm tự nhiên để phát triển mô hình nuôi gà thả đồi, nuôi gà ta dưới tán cây ăn trái đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) gắn với truy xuất nguồn gốc.
Ông Mai Văn Rõ vừa tiếp nhận 2.000 con gà giống từ Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh. Ảnh: THU DỊU |
Trên cơ sở đó, Hoài Ân đã lựa chọn xây dựng các mô hình thí điểm, trong năm 2023 có 11 cơ sở nuôi gà đảm bảo ATTP gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Huyện có 7 cơ sở đủ điều kiện hỗ trợ theo chính sách khuyến khích phát triển nuôi gà thả đồi. Đến nay, UBND huyện Hoài Ân phối hợp với Sở NN&PTNT, Công ty TNHH Giống gia cầm Cao Khanh (Cát Tân, Phù Cát) ký hợp tác cung cấp giống, KHKT, công nghệ cho các hộ tham gia. Theo đó, phía Công ty đã giao 42.000 con gà giống/2 đợt cho các hộ này, trong đó đợt 1 đã diễn ra vào ngày 26.5 vừa qua.
Ông Mai Văn Rõ, ở Ân Tường Tây, huyện Hoài Ân, 1 trong 7 hộ đầu tiên tham gia mô hình thí điểm, chia sẻ: Trước đây tôi đã nuôi gà thả đồi, sản phẩm được tiêu thụ ổn định. Đặc điểm của gà thả đồi là phân tán, đi theo cụm, khâu úm gà trong giai đoạn đầu để gà đủ thời gian thả là quan trọng nhất. Do vậy, chủ yếu vốn vay tôi đầu tư để làm hệ thống chuồng úm gà trong giai đoạn đầu.
Tập trung nguồn lực hỗ trợ
Tham gia vào chính sách phát triển nuôi gà thả đồi, ở giai đoạn đầu tiên có 5 xã của Hoài Ân đăng ký. Ngoài hỗ trợ về giống, kỹ thuật, công nghệ trong quá trình nuôi, việc tạo điều kiện để người dân tiếp cận vốn để đầu tư được quan tâm hết sức.
Nói về điều này, ông Nguyễn Xuân Phong, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hoài Ân, cho biết: Mục tiêu của chính sách này là tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình, đặc biệt là ở các xã vùng sâu, vùng xa của các huyện miền núi và trung du, trong đó có Hoài Ân. Do vậy, ngay khi có chủ trương và kế hoạch của tỉnh, huyện đã chỉ đạo Phòng NN&PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện rà soát, làm việc với các địa phương để tuyên truyền và hướng dẫn người dân biết thông tin, tham gia. Cùng với đó, Hoài Ân đi trước để tạo đầu ra cho sản phẩm – yếu tố này quyết định sự thành công của chính sách. Huyện đã đầu tư cho các HTXNN chuyên ngành liên kết với các nhóm cùng sở thích, trong đó có gà thả đồi để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phù hợp, đăng ký sản phẩm OCOP và phân phối qua kênh HTX tới người tiêu dùng. Đồng thời, giai đoạn 2022 – 2025, huyện hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu “Gà ta Hoài Ân” nhằm tăng độ nhận diện cho người tiêu dùng với sản phẩm này. Cùng với đó, yếu tố không kém phần quan trọng, đó là giúp người chăn nuôi tiếp cận vốn vay với lãi suất ưu đãi. Huyện đã tăng cường chỉ đạo, bố trí linh hoạt vốn ủy thác từ ngân sách địa phương qua kênh của Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân để người dân được vay với nhiều thuận lợi nhất.
Theo ông Nguyễn Minh Hiếu, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hoài Ân, cho hay, ngay khi được phê duyệt kết quả đăng ký, Ngân hàng CSXH huyện đã giải ngân 1,2 tỷ đồng cho 7 hộ, đồng thời nắm danh sách của 48 hộ có nhu cầu đăng ký vay vốn để tiếp tục tham mưu và có kế hoạch bố trí, giải ngân vốn phù hợp.
“Hoài Ân là địa phương có thế mạnh để phát triển chăn nuôi tập trung. Đến nay, trong 5 địa phương thực hiện chính sách này, Hoài Ân đi trước, chính quyền các cấp đồng hành với ngành chức năng rất tốt. Về phía Chi cục, chúng tôi theo dõi, tiếp tục hỗ trợ về kỹ thuật cũng như các vấn đề liên quan trong kiểm soát dịch bệnh, xây dựng chuỗi cơ sở chăn nuôi ATTP gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm” – ông HUỲNH NGỌC DIỆP, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y
THU DỊU