Dân tộc Việt Nam sẽ cùng với nhân dân khu vực và quốc tế vun đắp Hạnh phúc qua sự đoàn kết, sẻ chia và khát vọng phát triển. Đây không chỉ là cảm xúc, mà là hành trình xây dựng một xã hội an lành, thịnh vượng và tràn đầy yêu thương cho riêng Việt Nam và cho toàn nhân loại nói chung.
Hạnh phúc Việt Nam, nhìn từ triết lý nhà Phật, là dòng chảy liên tục luân hồi của quá khứ, hiện tại và tương lai. Quá khứ Việt Nam là những giá trị tốt đẹp, những thành tựu cũng như những chiến công hiển hách của dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Hiện tại là khoảng không gian và thời gian cả dân tộc cùng nhau sống cống hiến, tốt đẹp, chia sẻ và yêu thương mang lại hạnh phúc cho mỗi người. Tương lai là những nền tảng, mục tiêu mà dân tộc chúng ta đang cùng kiến tạo nhằm đảm bảo cho thế hệ con cháu hạnh phúc hơn để tiếp tục gìn giữ khẳng định giá trị và sức mạnh của dân tộc Việt Nam.
Hành trang hạnh phúc của mỗi người con dân tộc Việt Nam không thể thiếu đi những món quà vô giá mà tổ tiên, cha ông để lại. Trong mỗi ngôi nhà Việt Nam, bàn thờ ngày tết luôn luôn là nơi trang nghiêm, tràn đầy những kỷ niệm và nỗi nhớ. Bàn thờ gia tiên là nơi kết nối quá khứ và hiện tại, giúp mỗi cá nhân sống cùng chánh niệm, sống trọn vẹn với lòng biết đủ và sự sẻ chia.
Hạnh phúc không đến từ vật chất mà từ sự bình an trong tâm, gắn kết giữa cá nhân – gia đình và xã hội. Thấu hiểu những cốt lõi đó, mỗi con người trong xã hội Việt Nam thừa hưởng và gìn giữ những trụ cột di sản văn hóa quan trọng để định vị cuộc đời, việc làm và cống hiến cho xã hội như sự biết ơn, lòng vị tha, sống tử tế, đoàn kết và học tập phát triển.
Nhớ, trân trọng và vận dụng những cột trụ này giúp con người Việt Nam định hình chân dung của mình và tiếp tục vun đắp văn hóa Việt Nam. Quá khứ và hiện tại hạnh phúc giúp nuôi dưỡng và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam hạnh phúc.
Hạnh phúc của Việt Nam hiện tại không phải điều gì quá xa vời, mà chính là nỗ lực mỗi ngày của từng cá nhân trong việc hoàn thành tốt vai trò của mình. Xã hội như một cỗ máy khổng lồ với hàng triệu bánh răng – cá nhân hoạt động phối hợp với nhau. Khi mỗi bánh răng xã hội sống có trách nhiệm, tạo ra giá trị và có cơ chế chia sẻ công bằng thì xã hội đó đang kiến tạo một cuộc sống hạnh phúc có ý nghĩa.
Kế tiếp, một Việt Nam hạnh phúc trong hiện tại là khi mọi cá nhân, mọi con người đều có cơ hội thụ hưởng những giá trị xứng đáng từ những đóng góp nói trên. Cải thiện chất lượng cuộc sống chính là nền tảng cốt lõi cho Việt Nam hạnh phúc. Các trụ cột an sinh xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội cần được thông minh hơn thông qua số hóa và áp dụng công nghệ để mọi người dân đều có thể tiếp cận các dịch vụ xã hội tiên tiến, hiệu quả.
Bên cạnh đó, chuyển đổi số, phát triển xanh và bền vững chính là chìa khóa giúp các khu vực còn khó khăn có cơ hội tăng trưởng và phát triển. Công nghệ, xu hướng và mô hình kinh doanh là những động lực giúp Việt Nam kiến tạo hạnh phúc sâu sắc bằng cách phân bổ nguồn lực đầu tư trong xã hội hiệu quả hơn.
Hạnh phúc bền vững còn là việc những thành phần yếu thế có cơ hội vươn tới cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc. Những chương trình phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, đầu tư công không chỉ tối ưu hóa hiệu quả hoạt động mà còn đảm bảo sự công bằng trong phân phối nguồn lực, để mọi người dân, dù ở bất kỳ nơi đâu, đều được hưởng lợi từ sự phát triển.
Nếu chỉ tập trung cho hạnh phúc hiện tại của Việt Nam thì chưa đủ. Một xã hội Việt Nam hạnh phúc cần tầm nhìn hướng đến phát triển bền vững thông qua kiến tạo hạ tầng cứng và mềm cho các động lực tăng trưởng xã hội và kinh tế trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Cột trụ hạ tầng hạnh phúc thứ nhất là giáo dục kiến tạo con người hạnh phúc tương lai. Xã hội tương lai cần con người sở hữu các năng lực đổi mới sáng tạo, xanh, số và bền vững. Cột trụ hạ tầng thứ hai là thúc đẩy nền kinh tế xanh và bền vững nhằm gia tăng giá trị các sản phẩm của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế thế giới trong 30 – 50 năm tới. Cột trụ thứ ba là gìn giữ, bảo vệ và phát triển những nguồn lực thiên nhiên bền vững nhằm để lại tài nguyên dân tộc cho thế hệ tương lai sử dụng, khai thác hiệu quả hơn. Cuối cùng, cột trụ thứ tư là những chương trình hạ tầng mang tính bàn đạp đột phá để phát triển Việt Nam như bán dẫn, tài chính quốc tế và những hạ tầng giao thông quan trọng trên khắp đất nước.
Trong một thế giới ngày càng gắn kết, Việt Nam không chỉ là một quốc gia thụ hưởng từ quá trình toàn cầu hóa mà còn cần vươn lên trở thành lực lượng kiến tạo, đóng góp tích cực vào hạnh phúc và hòa bình toàn cầu.
Việt Nam có thể lan tỏa sức mạnh mềm thông qua trở thành hình mẫu về sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, bảo vệ giá trị con người và tuân thủ các nguyên tắc, tiêu chuẩn của thế giới văn minh tương lai.
Việt Nam hạnh phúc sẽ là hình mẫu hiện thực cho các xu hướng tương lai như thành phố thông minh, đô thị Net Zero… cho các đô thị trong khu vực và thế giới.
Việt Nam hạnh phúc là cơ hội của dân tộc chúng ta nhằm khẳng định vị thế quốc gia và xây dựng một tương lai hòa bình, thịnh vượng cho thế giới.
Năm 2024 đã khép lại và năm 2025 mở ra hứa hẹn mang lại những giá trị tốt đẹp cho dân tộc Việt Nam. Trong một thế giới bất định, hạnh phúc chính là kim chỉ nam để giúp cho các dân tộc trên toàn thế giới cùng nhau hàn gắn và hướng tới bình an cho cá nhân, gia đình, cộng đồng và xã hội.
Trong thế giới ấy, Việt Nam hạnh phúc dựa trên các trụ cột quan trọng như lấy con người nhân bản là mục tiêu phát triển, lấy lẽ phải – hòa bình để định hướng hợp tác với các quốc gia, lấy ổn định là nguyên tắc trong phát triển xã hội và cuối cùng lấy cộng tác theo nguyên tắc “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” nhằm phát triển kinh tế.
Một Việt Nam hạnh phúc từ những di sản của cha ông, kiến tạo giá trị trong hiện tại và xây dựng nền tảng cho những thế hệ tương lai là một minh chứng và động lực cho toàn bộ các quốc gia trên thế giới.
Thanhnien.vn
Nguồn:https://thanhnien.vn/viet-nam-hanh-phuc-185241231200342797.htm