“Đây là chuyến thăm với nhiều ý nghĩa quan trọng, có thể coi là một điểm nhấn nổi bật của đối ngoại Việt Nam năm 2024”, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời báo chí ngày 21-6.
Vì sao là điểm nhấn nổi bật?
Nói là điểm nhấn nổi bật, vì trước hết, chuyến thăm của Tổng thống Putin khẳng định sự nhất quán của Việt Nam về độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, với việc đón Tổng thống Putin, Việt Nam khẳng định luôn coi Nga là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu. Đồng thời, Việt Nam mong muốn cùng Nga củng cố quan hệ hữu nghị truyền thống lâu đời và làm sâu sắc hơn khuôn khổ Đối tác chiến lược toàn diện.
Lý do thứ hai là tính thời điểm, khi chuyến thăm diễn ra đúng dịp hai nước kỷ niệm 30 năm ký kết Hiệp ước về những nguyên tắc cơ bản của quan hệ hữu nghị Việt Nam – Nga, hướng tới 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao năm 2025.
Đây là dịp hai bên đánh giá những kết quả đã đạt được và đề ra những định hướng để đưa quan hệ hợp tác và đối tác Việt Nam – Nga trong thời gian tới phát triển toàn diện, hiệu quả và thực chất hơn.
Bên cạnh đó, chuyến thăm thể hiện sự coi trọng dành cho Việt Nam trong triển khai chính sách đối ngoại hướng Đông của Nga, theo bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Trong hơn hai thập kỷ lãnh đạo Nga, đây là lần thứ năm Tổng thống Putin thăm Việt Nam. Đồng thời là một trong những chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi tái đắc cử tổng thống nhiệm kỳ thứ 5 vào tháng 3-2024.
Những chuyến đi của Tổng thống Putin để lại dấu ấn đậm nét và đóng góp vào việc tạo dựng những nền tảng quan trọng cho sự phát triển của quan hệ song phương. Trong đó có việc khởi xướng, ủng hộ thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam – Nga năm 2001 và nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2012.
Với chuyến thăm này, hai bên đã ra tuyên bố chung về làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ông Bùi Thanh Sơn, điều đó thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc đưa hợp tác song phương ngày càng hiệu quả, thực chất trên tất cả các lĩnh vực, xứng tầm Đối tác chiến lược toàn diện.
Chuyến thăm của Tổng thống Putin thành công tốt đẹp
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn khẳng định chuyến thăm của Tổng thống Putin đã “thành công tốt đẹp”, với sự đón tiếp “hết sức trọng thị, thân tình, chu đáo” của Việt Nam.
“Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, nhân dân Việt Nam không bao giờ quên sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn, chí tình mà nhân dân Nga đã dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ngày nay”, bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Những kết quả nổi bật của chuyến thăm
Khi được hỏi về những kết quả nổi bật trong chuyến thăm của Tổng thống Putin, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định chuyến đi đã tạo xung lực mới cho hợp tác nhiều mặt Việt Nam – Nga.
Thông qua tuyên bố chung, 11 văn kiện hợp tác được ký kết và các cuộc gặp gỡ, trao đổi giữa lãnh đạo cấp cao hai nước, hai bên đã nhất trí về những định hướng lớn nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Một là, tăng cường đối thoại, tiếp xúc cấp cao và các cấp và trên tất cả các kênh, triển khai hiệu quả các cơ chế hợp tác để thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực.
Hai bên cũng tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương, đặc biệt Liên Hiệp Quốc, APEC, các cơ chế hợp tác ASEAN – Nga và ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.
Nga khẳng định ủng hộ Việt Nam đăng cai Năm APEC 2027 và sẵn sàng phối hợp với Việt Nam tổ chức thành công sự kiện quan trọng này.
Hai là, hai bên khẳng định hợp tác kinh tế tiếp tục là trụ cột, trọng tâm của hợp tác nhiều mặt giữa hai nước.
Hai bên sẽ cùng nhau phối hợp tháo gỡ khó khăn và thống nhất giải pháp để nâng cao hiệu quả hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ chế hợp tác song phương.
Hai bên cũng sẽ phối hợp cùng khai thác tối đa các lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu, tiếp tục tháo gỡ các rào cản thương mại. Nga sẽ mở rộng tiếp cận thị trường hàng tiêu dùng và nông thủy sản của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy hợp tác đầu tư, nhất là về hạ tầng cơ sở, năng lượng.
Ba là, mở rộng hợp tác quốc phòng – an ninh nhằm ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống. Bốn là, đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, du lịch, lao động, văn hóa, hợp tác địa phương, giao lưu nhân dân, giáo dục thế hệ trẻ,…
Trao đổi thẳng thắn về các vấn đề quốc tế
Một kết quả nổi bật khác, theo Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn, là việc lãnh đạo cấp cao hai bên đã “trao đổi thẳng thắn, tin cậy về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm”.
Theo đó, hai nước khẳng định ủng hộ hệ thống quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hiệp Quốc, nhất là giải quyết hòa bình các tranh chấp, không đe dọa và sử dụng vũ lực, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau.
Về vấn đề Biển Đông, hai bên ủng hộ việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không. Không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.
Trước đó, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Putin ngày 20-6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tình hình thế giới đang chuyển biến nhanh chóng, phức tạp sang cục diện đa cực, đa trung tâm.
Điều đó, theo Tổng bí thư, đòi hỏi các nước thực hiện chính sách hòa bình, bình đẳng, không đối đầu, hợp tác phát triển, tuân thủ Hiến chương Liên Hiệp Quốc và luật pháp quốc tế.
Liên quan đến tình hình ở Ukraine, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh Việt Nam mong muốn sớm có đối thoại, chấm dứt chiến sự, nối lại đàm phán để đạt giải pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, bảo đảm những lợi ích chính đáng của các bên liên quan. Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực vào việc thúc đẩy đối thoại, thương lượng theo hướng đó.
Theo Ban Đối ngoại Trung ương, Tổng thống Putin đã chia sẻ với các ý kiến của Tổng bí thư và nhấn mạnh việc giải quyết các vấn đề quốc tế, khu vực cần dựa trên luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hiệp Quốc, giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Về vấn đề Biển Đông, Tổng thống Putin ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề Biển Đông dựa trên luật pháp quốc tế. Ông cũng đề cập đến quan điểm của Nga về cuộc xung đột ở Ukraine.