Chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt-Lào, đưa quan hệ hai nước phát triển lên tầm cao mới.
Ngày mai (10/9), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith và Phu nhân Naly Sisoulith sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân Ngô Phương Ly.
MINH CHỨNG SỐNG ĐỘNG CHO QUAN HỆ HỮU NGHỊ VĨ ĐẠI
Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm cho biết, chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith là chuyến thăm thứ 2 kể từ đầu nhiệm kỳ Đại hội 11 của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đến nay và tiếp ngay sau chuyến thăm cấp Nhà nước tới Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước.
Đây là minh chứng sống động, thể hiện tình cảm tốt đẹp, sâu đậm mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, tình đoàn kết đặc biệt, gắn bó, thủy chung, trong sáng giữa hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith trong chuyến thăm Lào tháng 7 vừa qua. Ảnh: TTXVN
Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nhấn mạnh, chuyến thăm là một trong những dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước.
Quan hệ Việt-Lào thời gian qua đạt nhiều kết quả nổi bật. Quan hệ chính trị được tăng cường và ngày càng đi vào chiều sâu, gắn bó, tin cậy, giữ vai trò nòng cốt, định hướng tổng thể trong quan hệ hai nước.
Hai bên luôn khẳng định “quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào là tài sản chung vô giá của hai Đảng, hai dân tộc, là tất yếu khách quan, quy luật lịch sử và là nguồn sức mạnh to lớn nhất của hai nước, cần giữ gìn, phát huy và truyền tiếp cho các thế hệ mai sau”.
Trong 8 tháng đầu năm, hai bên đã trao đổi hơn 100 đoàn cấp cao và các cấp, ký nhiều văn kiện hợp tác.
“Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, các lãnh đạo chủ chốt thường xuyên quan tâm chỉ đạo, tăng cường quan hệ tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác trên các lĩnh vực”, Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương nêu.
Việt Nam và Lào tăng cường trao đổi lý luận, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô…
Hợp tác quốc phòng – an ninh là một trong những trụ cột quan trọng. Hai nước tiếp tục bảo đảm an ninh, duy trì biên giới hòa bình trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống “diễn biến hòa bình”, “bạo loạn lật đổ”, tội phạm xuyên quốc gia, nhất là tội phạm về ma túy.
Việt Nam và Lào còn phối hợp tìm kiếm cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam tại Lào hy sinh trong thời kỳ chiến tranh.
Việt Nam phối hợp chặt chẽ, hỗ trợ Lào về vật chất, trang thiết bị cũng như kinh nghiệm để Lào đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA trong năm 2024. Tại Liên Hợp Quốc, hai nước phối hợp chặt chẽ, ủng hộ lẫn nhau trên nhiều vấn đề.
Trong chuyến thăm Lào hồi tháng 7, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lái ô tô điện chở Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Việt Nam tặng 20 xe điện nhằm góp phần hỗ trợ Lào tổ chức thành công các hoạt động quan trọng trong Năm Chủ tịch ASEAN 2024. Ảnh: TTXVN
Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư được thúc đẩy và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Đến nay Việt Nam có 256 dự án đầu tư sang Lào với tổng vốn đầu tư hơn 5,5 tỷ USD, vốn thực hiện lũy kế đến nay đạt 2,8 tỷ USD.
Trong 7 tháng đầu năm, có 6 dự án được cấp phép mới với vốn đầu tư đạt 36,7 triệu USD, tăng 39% so với cùng kỳ năm 2023. Phó Trưởng Ban Đối ngoại cho biết, nhiều dự án đầu tư của Việt Nam hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong phát triển của Lào, nhất là viễn thông, ngân hàng, trồng và chế biến cao su, sản xuất và chế biến lương thực, thực phẩm, sữa.
Hai bên đã hoàn thành và bàn giao cho phía Lào 4 dự án đưa vào khai thác, sử dụng.
Kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào năm 2023 đạt 1,6 tỷ USD, 8 tháng đầu năm kim ngạch thương mại đạt khoảng 1,3 tỷ USD.
Về giao thông, vận tải, hai bên tập trung thực hiện bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về Chiến lược hợp tác trong lĩnh vực giao thông vận tải giai đoạn 2016-2025, tầm nhìn đến năm 2030; tiếp tục thúc đẩy tìm kiếm các nguồn vốn để triển khai dự án trọng điểm.
Về năng lượng điện, hai bên tích cực triển khai biên bản ghi nhớ giữa hai Chính phủ về việc phát triển các dự án thủy điện tại Lào và mua bán giữa hai nước. Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 3.000MW điện từ Lào đến năm 2025 và 5.000 MW đến năm 2030.
Về nông lâm, hai bên thống nhất coi hợp tác lĩnh vực này là rất quan trọng, trong đó trao đổi chuyển giao công nghệ, kỹ thuật và xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp, nông thôn giảm nghèo, nâng cao năng lực thể chế, chính sách trong quản lý sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi…
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam – Lào – Campuchia lần thứ nhất diễn ra cuối năm 2023. Ảnh: Quang Phong
Về văn hóa, giáo dục – đào tạo và phát triển nguồn nhân lực được quan tâm, bảo đảm chất lượng, hiệu quả hơn. Việt Nam dành cho Lào khoảng hơn 1.000 học bổng mỗi năm và đến nay có khoảng hơn 14.000 lưu học sinh Lào đang học tập tại hơn 170 cơ sở giáo dục của Việt Nam.
Quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa ban, bộ, ngành, cơ quan của Quốc hội, Mặt trận, đoàn thể, địa phương tiếp tục được đẩy mạnh và thực chất hơn.
Hoạt động đối ngoại nhân dân được hai nước quan tâm thường xuyên; tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, góp phần tăng cường sự hiểu biết giữa nhân dân hai nước.
QUAN HỆ VIỆT-LÀO SẼ LÊN TẦM CAO MỚI
Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Nguyễn Minh Tâm khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là dành ưu tiên hàng đầu cho việc phát triển quan hệ hợp tác với Lào đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững, coi đây là nhiệm vụ chiến lược, mối quan tâm hàng đầu trong chính sách đối ngoại, xác định rõ giúp bạn là giúp mình.
Lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Lào. Ảnh: Phạm Hải
Hai bên tiếp tục tăng cường phối hợp chặt chẽ về đường lối, chủ trương chiến lược, tạo sự tin cậy ngày càng cao và giúp nhau tăng cường xây dựng thực lực cách mạng vững mạnh về mọi mặt, trước hết là xây dựng Đảng và đội ngũ cán bộ là nhân tố hàng đầu quyết định vai trò lãnh đạo của mỗi Đảng, là cơ sở chính trị vững chắc để thúc đẩy hiệu quả quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào.
“Bước vào giai đoạn mới, dự báo tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh chóng và phức tạp, để bảo đảm thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới ở mỗi nước, Nghị quyết Đại hội toàn quốc của mỗi Đảng, hai bên tiếp tục khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt trong tình hình mới.
Trên cơ sở nhất quán các nguyên tắc mà hai Đảng đã thống nhất, hai bên nhất trí đẩy mạnh hơn nữa quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trên cơ sở phát huy tinh thần độc lập, tự chủ và ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng cùng có lợi, kết hợp thỏa đáng tính chất đặc biệt của quan hệ Việt Nam – Lào với thông lệ quốc tế”, ông Nguyễn Minh Tâm phân tích.
Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương tin tưởng chuyến thăm của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith sẽ đưa quan hệ Việt Nam – Lào phát triển lên tầm cao mới, vì lợi ích thiết thực của nhân dân mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực, trên thế giới.
Vietnamnet.vn
Nguồn:https://vietnamnet.vn/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-lao-tham-viet-nam-dau-moc-trong-lich-su-quan-he-2319656.html