Trong những năm qua, Hòa Bình đã dành nhiều nguồn lực phát triển kinh tế hợp tác xã (HTX) nhằm giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) khai thác tiềm năng, lợi thế, vươn lên thoát nghèo.
Sản phẩm nông sản của
Hợp tác xã nông nghiệp Bản Dao Thống Nhất (TP Hòa Bình) trưng bày tại Hội nghị
kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (tháng
11/2024) nhận được sự quan tâm của người dân.
Xã Quyết Chiến (Tân Lạc) là địa bàn đặc biệt khó khăn với
tổng diện tích đất tự nhiên 2.681ha, trong đó đất nông nghiệp 2.500 ha. Xã có
tới 99,9% là đồng bào dân tộc Mường, còn lại là dân tộc Thái, Kinh.
Trước đây, cuộc sống của người dân xã Quyết Chiến gặp nhiều
khó khăn, thiếu thốn do sản xuất manh mún, lạc hậu, tự cung tự cấp. Năm 2008,
Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật đã đầu tư hỗ trợ bà con trồng thử nghiệm
rau su su lấy ngọn, diện tích 0,5ha. Sau 3 tháng, với khí hậu mát mẻ thuận lợi
cho rau su su sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao nên được người dân mở
rộng diện tích trồng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ sản phẩm sau khi mở rộng quy mô
cũng gặp nhiều khó khăn, giá cả bấp bênh.
Tháng 4/2017, HTX rau an toàn Quyết Chiến được thành lập với
39 thành viên. Nhờ những ưu thế về điều kiện tiểu vùng khí hậu lạnh, đất đai
tốt, cùng với mô hình HTX kiểu mới ra đời đã giúp bà con tiêu thụ rau su su với
giá cả ổn định. Hiện HTX rau an toàn Quyết Chiến đang phát triển mở rộng, đem
lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ thành viên, lợi nhuận trên đất canh tác
đạt trên 400 triệu đồng/ha mỗi năm.
Nhằm thúc đẩy phát triển mô hình HTX, tổ hợp tác trong vùng
đồng bào DTTS, thời gian qua, Liên minh HTX tỉnh tập trung xây dựng các dự án
liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; hỗ trợ triển khai lập dự án ý tưởng mô
hình khởi nghiệp; tổ chức bồi dưỡng kỹ năng xúc tiến tiêu thụ sản phẩm… Qua đó,
đã tổ chức đào tạo 11 lớp nghề cho 330 học viên là người DTTS và miền núi với
các nghề may công nghiệp, thêu dệt thổ cẩm, kỹ thuật chăn nuôi lợn trong các
HTX thuộc thành viên Liên minh HTX tỉnh; bồi dưỡng 5 lớp kỹ năng khởi tạo gian
hàng, kỹ năng đưa thông tin hình ảnh, xây dựng câu chuyện sản phẩm, kỹ năng
marketing, vận hành gian hàng cho 131 học viên. Liên minh HTX tỉnh cũng khảo
sát, xây dựng đề án liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho 2 sản phẩm mía ăn
tươi và khoai lang tím cho các HTX trên địa bàn các huyện: Lương Sơn, Tân Lạc,
Lạc Sơn, Yên Thủy, Mai Châu; triển khai xây dựng 9 dự án ý tưởng khởi nghiệp
cho các HTX đang hoạt động tại vùng đặc biệt khó khăn…
Theo đồng chí Hà Ngọc Tuấn, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh, với
những giải pháp cụ thể đã góp phần thúc đẩy việc thành lập các HTX, tổ hợp tác
trong đồng bào DTTS, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho lực lượng lao
động, từ đó góp phần chung vào mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, xoá đói,
giảm nghèo trong đồng bào DTTS.
Theo thống kê của Liên minh HTX tỉnh, đến nay, toàn tỉnh có
trên 320 HTX người DTTS tham gia vào Ban quản lý HTX và trên 100 tổ hợp tác
(THT) người DTTS đang quản lý, vận hành hoạt động. Thời gian qua, nhằm hỗ trợ
đồng bào DTTS vươn lên làm giàu chính đáng, giảm nghèo bền vững, Liên minh HTX tỉnh
đã phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát tình hình hoạt động của HTX;
hướng dẫn thành lập mới HTX, thu hút thêm thành viên, tăng vốn điều lệ; vận
dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển HTX. Đồng thời,
tăng cường hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; xúc tiến thương mại;
từng bước mở rộng quy mô hoạt động của các HTX… Sau khi thành lập, các HTX
từng bước khắc phục khó khăn, củng cố tổ chức, nỗ lực đổi mới, chú trọng nâng
cao chất lượng hoạt động.
Minh Vũ
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/12/196331/Thuc-day-phat-trien-kinh-te-hop-tac-xa-tr111ng-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm