Thủ tướng Phạm Minh Chính lên đường tham dự các hội nghị GMS, ACMECS và CLMV tại Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Đây là những hoạt động cấp cao trực tiếp đầu tiên của các cơ chế GMS (3 năm/lần), ACMECS và CLMV (2 năm/lần) kể từ năm 2018. Việt Nam luôn coi trọng các cơ chế hợp tác tiểu vùng Mekong, trong đó coi GMS và ACMECS là các cơ chế có ý nghĩa chiến lược, gắn với các đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; coi CLMV là cơ chế nhằm gia tăng sự hỗ trợ và quan tâm của cộng đồng quốc tế đối với sự phát triển của tiểu vùng Mekong.
Tại các cơ chế, Việt Nam thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực, thể hiện trách nhiệm đóng góp cho lợi ích chung của khu vực, nâng cao hiệu quả hợp tác tiểu vùng, huy động hiệu quả các nguồn lực bên ngoài phục vụ phát triển đất nước.
Chuyến công tác lần này của Thủ tướng Chính phủ diễn ra trong bối cảnh quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững. Điểm nhấn là các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước trong thời gian qua.ACMECS là khuôn khổ hợp tác kinh tế gồm 5 nước Việt Nam, Campuchia, Lào, Myanmar và Thái Lan. Hợp tác ACMECS bao gồm 8 lĩnh vực là thương mại-đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp-năng lượng, giao thông, du lịch, phát triển nguồn nhân lực, y tế và môi trường. Nguyên tắc hợp tác ACMECS là tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực thông qua nỗ lực chung trên tinh thần bình đẳng và hợp tác.
Lễ tiễn Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay quốc tế Nội Bài. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Là thành viên có trách nhiệm, Việt Nam luôn tích cực đề xuất và triển khai nhiều ý tưởng mới, đóng góp xây dựng các văn bản quan trọng, hình thành và thúc đẩy các sáng kiến, hỗ trợ phát triển cho các nước thành viên, trong đó có phát triển nguồn nhân lực và xây dựng hạ tầng cơ sở. Đến nay, Việt Nam đang tiến hành các thủ tục trong nước để sớm công bố phương án đóng góp tài chính đối với Quỹ phát triển ACMECS, qua đó thúc đẩy việc sớm thành lập quỹ, bảo đảm công tác triển khai hiệu quả các dự án trong Kế hoạch tổng thể ACMECS, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân và các nền kinh tế ACMECS cũng như sự phát triển bền vững của tiểu vùng.
Cùng với đó, tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN – Nhật Bản vào tháng 12/2003 ở Tokyo (Nhật Bản), lãnh đạo cấp cao các nước Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam nhất trí tổ chức Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ nhất vào dịp Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 10 tại Vientiane (Lào) vào tháng 11/2004. Việc hình thành hợp tác CLMV là một trong những nỗ lực đáp ứng yêu cầu khách quan của hội nhập Tiểu vùng Mê Công và ASEAN. Hợp tác CLMV là cơ chế hợp tác mở, một mặt phát huy lợi thế, tiềm năng hợp tác sẵn có của các nước CLMV, một mặt là kênh kêu gọi hỗ trợ của các nước ASEAN khác và các đối tác phát triển dành cho các nước CLMV.
Hợp tác CLMV cũng là diễn đàn để các nước CLMV phối hợp trong tiến trình liên kết kinh tế ASEAN. Ngay từ khi tham gia vào hợp tác CLMV, Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, tích cực thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia vì sự phát triển chung của khu vực. Đặc biệt, năm 2018, trong vai trò Chủ tịch hợp tác CLMV, Việt Nam tổ chức thành công Hội nghị cấp cao CLMV lần thứ 8 với sự ra đời của Khung khổ Phát triển CLMV – văn kiện có tính định hướng chiến lược đầu tiên được xây dựng về hợp tác kinh tế giữa các nước CLMV kể từ khi cơ chế hợp tác này được hình thành.
Có thể thấy, GMS, ACMECS và CLMV là những cơ chế có mục tiêu thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển kinh tế cùng có lợi giữa các nước; hỗ trợ các nước thực hiện thành công các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (MDG); đưa Tiểu vùng Mê Công mở rộng nhanh chóng, trở thành vùng phát triển nhanh và thịnh vượng; khai thác và phát huy lợi thế so sánh giữa các vùng, các nước thành viên, nâng cao sức cạnh tranh, thu hẹp khoảng cách phát triển. Cho đến nay, hợp tác GMS, ACMECS và CLMV được đánh giá đã đạt nhiều kết quả quan trọng, góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của mỗi quốc gia, cũng như củng cố quan hệ hữu nghị, hòa bình và ổn định ở khu vực.
Chuyến công tác của Thủ tướng Phạm Minh Chính chuyển tải thông điệp Việt Nam luôn coi trọng và đóng góp thúc đẩy các cơ chế GMS, ACMECS, CLMV, cũng như tổng thể hợp tác tiểu vùng Mekong tạo bứt phá trong giai đoạn phát triển mới. Đồng thời tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ láng giềng hữu nghị, Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện và “Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược” ngày càng phát triển, sâu sắc, toàn diện và bền vững./.
Công Đảo