Hà Nội là thành phố đầu tiên của Việt Nam tham gia vào Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO không chỉ là một danh hiệu, mà là một lời kêu gọi mạnh mẽ cho sự đổi mới và sáng tạo. Trong thế giới đang thay đổi nhanh chóng, những thành phố được vinh danh không ngừng khám phá và khẳng định mình như là trung tâm của sự sáng tạo, nơi mà các ý tưởng mới không ngừng nảy nở và phát triển.
PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.
“UNESCO khuyến khích các thành phố không chỉ tìm kiếm cơ hội kinh tế, mà còn xây dựng cộng đồng mạnh mẽ và đầy sức sống. Bằng cách chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt nhất, các thành phố trong mạng lưới mở ra một con đường mới cho sự hợp tác toàn cầu, học hỏi lẫn nhau và phát triển bền vững. Mỗi thành phố, với di sản văn hóa độc đáo của riêng mình, không chỉ bảo tồn mà còn làm sống dậy những giá trị văn hóa, làm cho chúng trở thành nguồn cảm hứng cho thế hệ mai sau”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh.
Show diễn “Tinh hoa Bắc Bộ” được trình diễn ngay trên mặt hồ Đình Làng Đa Phúc, Quốc Oai, Hà Nội, là sân khấu “thực cảnh” đầu tiên tại Việt Nam, nhằm tôn vinh vẻ đẹp văn hoá dân tộc.
Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa và toàn cầu hóa đang đặt ra thách thức trong việc duy trì bản sắc văn hóa, bảo tồn di sản và cân bằng giữa truyền thống và hiện đại.
Thành phố nhận thấy cần có một chiến lược phát triển mới để không chỉ bảo tồn giá trị văn hóa mà còn thúc đẩy sự sáng tạo trong các lĩnh vực mới. Chính vì vậy, tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO là một lựa chọn lý tưởng để kết nối Hà Nội với các đô thị sáng tạo khác trên toàn cầu.
Chính từ đây dẫn đến khó khăn tiếp theo: Hà Nội sẽ theo mô hình thành phố sáng tạo nào trong 7 hạng mục mô hình của UNESCO, gồm: thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian, thiết kế, điện ảnh, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thông đa phương tiện và âm nhạc? Thay vì chọn hướng đi dễ thực hiện, PGS, TS Bùi Hoài Sơn và một số chuyên gia đã chọn một cách tiếp cận khác để tạo sự riêng biệt cho Hà Nội và định vị thương hiệu của thủ đô.
“Danh hiệu thành phố vì hòa bình là niềm tự hào của Hà Nội trong 20 năm nay. Bây giờ là lúc chúng ta cần có một danh hiệu nữa để vinh danh thành phố. Danh hiệu này không chỉ là niềm tự hào, mà sẽ định hướng cho sự phát triển của thủ đô trong những năm sắp tới. Vì thế, một danh hiệu phải mang tính bao trùm nhiều lĩnh vực của thủ đô năng động thì tốt hơn là một danh hiệu dễ đạt được như thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ. Và lĩnh vực mà ông và mọi người nhắm đến chính là thiết kế.
Một tiết mục biểu diễn nghệ thuật tại Lễ đón nhận Quyết định của Tổng Giám đốc UNESCO công nhận Danh hiệu “Hà Nội – Thành phố sáng tạo về thiết kế” năm 2019. (Ảnh: VGP)
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, thiết kế tồn tại ở mọi nơi; điện ảnh, âm nhạc, kiến trúc, đô thị thông minh, hay kể cả thủ công mỹ nghệ và nghệ thuật dân gian hoặc ẩm thực đều có thể tận dụng danh hiệu này để phát triển. Kinh nghiệm của các thủ đô trên thế giới cũng cho thấy sự lựa chọn tương tự. Khi có quá nhiều sự lựa chọn thì lựa chọn thiết kế sẽ phù hợp hơn cả.
“Thời điểm ấy, ý tưởng được đưa ra đã nhận được sự ủng hộ và sự hỗ trợ nhiệt tình trong quá trình xây dựng hồ sơ của chính quyền thành phố, Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam và các chuyên gia quốc tế”, PGS, TS Bùi Hoài Sơn cho hay.
Theo ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam, khi Hà Nội chọn tiêu chí về thiết kế, Hà Nội muốn gửi gắm thông điệp rằng thiết kế gắn liền với tất cả các lĩnh vực văn hóa, các ngành công nghiệp văn hóa và các ngành công nghiệp sáng tạo. Ở trong các ngành đó, chúng ta đều nhìn thấy sự sáng tạo và những nét độc đáo riêng của các loại hình thiết kế.
Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam.
“Tôi cho rằng đây là một sự lựa chọn hoàn toàn chính xác khi Hà Nội xây dựng hồ sơ đề cử. Hà Nội với những di sản phong phú được thể hiện trong hồ sơ kèm theo những cam kết và chương trình hành động của mình đã hoàn toàn thuyết phục được hội đồng thẩm định”, ông Wallace Baker đánh giá.
Làng nghề truyền thống là một thế mạnh của Hà Nội.
Hà Nội nổi tiếng với hàng trăm làng nghề truyền thống.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội với những thiết kế sáng tạo là một điểm đến văn hóa, di sản độc đáo.
Nhandan.vn
Nguồn:https://special.nhandan.vn/dong-luc-thanh-pho-sang-tao/index.html