Nhân kỷ niệm một năm nâng cấp lên quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện và chào đón 30 năm quan hệ song phương Hoa Kỳ – Việt Nam (năm 2025), báo Dân trí có cuộc phỏng vấn với bác sĩ Eric Dziuban, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam.
Trong cuộc trò chuyện, bác sĩ Eric Dziuban đưa ra những quan điểm của ông về khả năng phục hồi và thích ứng của y tế Việt Nam, cũng như cam kết chung của hai nước trong việc giải quyết những mối đe dọa y tế mới nổi.
5 năm kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Giám đốc Quốc gia CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam nhận định, có những bài học vẫn còn vẹn nguyên giá trị với Việt Nam trong công tác đáp ứng các vấn đề y tế công cộng.
Xin chào bác sĩ Eric Dziuban, cảm ơn ông đã tham gia phỏng vấn cùng Dân trí. Trước tiên, ông có thể chia sẻ về vai trò của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam?
– CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam bao gồm một đội ngũ nhân sự đa dạng về chuyên môn. Chúng tôi không chỉ có các bác sĩ mà còn các chuyên gia y tế công cộng, chuyên gia thực địa và các chuyên gia về dữ liệu và tài chính.
Phần lớn nhân viên của chúng tôi là người Việt Nam và đã được đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực như: Y tế công cộng, phân tích dữ liệu, quản lý tài chính… Điều này giúp chúng tôi có được hiểu biết sâu sắc về bối cảnh y tế bản địa.
Hiện nay, CDC Hoa Kỳ đang phối hợp triển khai nhiều chương trình phòng chống dịch bệnh tại Việt Nam, từ HIV/AIDS, bệnh lao, cúm, bệnh dại…
Chương trình đầu tiên đánh dấu sự hợp tác của chúng ta là chương trình phòng chống HIV/AIDS của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, được triển khai từ năm 2000. Đến nay, nhờ vào nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hai bên đã giúp Việt Nam kiểm soát tỷ lệ nhiễm mới HIV, với số ca nhiễm mới giảm đáng kể qua từng năm.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nỗ lực chung tay củng cố năng lực của hệ thống y tế của Việt Nam, ví dụ như hỗ trợ nâng cấp hệ thống xét nghiệm, tăng cường sức khỏe cộng đồng và cải thiện khả năng ứng phó khẩn cấp.
Tháng 9/2023, Việt Nam và Hoa Kỳ nâng tầm quan hệ giữa hai nước lên Đối tác Chiến lược Toàn diện vì Hòa bình, Hợp tác và Phát triển bền vững. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hợp tác của hai nước trong lĩnh vực y tế?
– Việc nâng cấp mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai quốc gia là một cột mốc quan trọng. Nó tạo cơ hội cho cả hai nước cùng thúc đẩy hợp tác y tế nói riêng và các lĩnh vực khác nói chung với tầm nhìn lâu dài hơn, đặc biệt trong bối cảnh an ninh y tế toàn cầu ngày càng phức tạp.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng, ngay cả trước khi có sự nâng cấp này, các chương trình của CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam không hoạt động độc lập, mà luôn có sự hợp tác chặt chẽ với các tổ chức của Việt Nam, từ Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho đến các viện nghiên cứu, trường đại học y dược và các bệnh viện lớn.
Trong những mục tiêu cụ thể mà hai nước muốn đạt được, được đề cập khi nâng cấp quan hệ có nhiều mục tiêu liên quan đến y tế.
Sự hợp tác này giúp chúng tôi triển khai hiệu quả các sáng kiến, dự án quan trọng, đồng thời tăng cường khả năng của hệ thống y tế Việt Nam trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Mối quan hệ đối tác chiến lược chắc chắn giúp mở ra nhiều cơ hội mới để triển khai các dự án lớn với nguồn lực lớn hơn.
Ví dụ, một trong những ưu tiên của chúng tôi là tăng cường khả năng giải trình tự gen tại các cơ sở công lập. Trong thời kỳ Covid-19, Hoa Kỳ đã trao tặng Bệnh viện Bạch Mai thiết bị giải trình tự gen, góp phần giúp Việt Nam chủ động theo dõi và xác định các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Thiết bị này cũng có thể được sử dụng để giải mã gen của nhiều loại virus khác nhau, giúp các nhà khoa học Việt Nam hiểu rõ hơn về tác nhân của các bệnh lây nhiễm mới. Đây là một trong những bước đi quan trọng để Việt Nam tiến tới nâng cao năng lực y tế và tự chủ trong kiểm soát dịch bệnh.
Theo ông đâu là những mối đe dọa lớn nhất trước mắt đối với sức khỏe cộng đồng tại Việt Nam?
– Tôi nghĩ rằng không có một đáp án cụ thể cho câu hỏi này. Thế giới xung quanh chúng ta đang thay đổi rất nhanh, kể cả bệnh tật cũng như các mối đe dọa. Do đó, điều mà chúng ta cần làm là chuẩn bị một hệ thống y tế luôn sẵn sàng đáp ứng với thay đổi rất nhanh từ bên ngoài như vậy.
Covid-19 là một ví dụ điển hình. Có thể nói, thế giới không biết gì về dịch bệnh này khi nó xuất hiện. Sau đó, nó đã lây lan toàn cầu. Dịch bệnh này một lần nữa nhắc chúng ta phải luôn sẵn sàng với những mối nguy chưa biết trước.
Một trong những nỗ lực rõ rệt nhất của Việt Nam để tăng cường khả năng thích ứng, đáp ứng y tế là kế hoạch thành lập Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh (CDC) Trung ương, trực thuộc Bộ Y tế.
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của CDC Trung ương là đảm bảo sẵn sàng ứng phó, giảm thiểu thiệt hại từ các nguy cơ sức khỏe cộng đồng đối với những mối đe dọa như vậy.
Chúng tôi rất vui được hỗ trợ sự thành lập của CDC Trung ương tại Việt Nam. Bên cạnh đó, tất cả hỗ trợ từ trước đến nay của chúng tôi trong phát triển nhân lực y tế công cộng, nâng cao năng lực xét nghiệm… sẽ trở thành một phần của CDC Trung ương (sau khi thành lập), hỗ trợ tốt hơn trong đáp ứng y tế quốc gia.
Ông đánh giá thế nào về khả năng ứng phó của hệ thống y tế công cộng Việt Nam khi dịch bệnh bùng phát?
– Tôi rất ấn tượng với khả năng phản ứng nhanh của hệ thống y tế công cộng Việt Nam.
Trong 8 tháng đầu khi Covid-19 mới xuất hiện, Việt Nam đã kiểm soát dịch bệnh một cách nhanh chóng và đáng ngạc nhiên. Từ các hoạt động truy vết, cách ly cho đến việc triển khai tiêm chủng, Việt Nam đã hành động rất nhanh, ngay cả khi nguồn lực còn hạn chế.
Bên cạnh đó, tôi cũng cảm thấy kinh ngạc về việc các nguồn lực không liên quan đến Covid-19 được huy động, để hỗ trợ đáp ứng Covid-19 tại Việt Nam nhanh chóng như thế nào. Điển hình là việc các bệnh viện chuyên điều trị lao có thể ngay lập tức chuyển đổi thành cơ sở chữa Covid-19.
Chúng tôi cũng quan sát thấy những nỗ lực tuyệt vời từ cán bộ y tế từ các địa phương để đảm bảo bệnh nhân không bị gián đoạn trong khía cạnh chăm sóc sức khỏe khác. Nhiều cán bộ y tế đã đi rất xa đến nơi có bệnh nhân HIV bị cách ly do Covid-19 để cấp phát thuốc, giúp đảm bảo việc điều trị được liên tục.
Tuy nhiên, có một vấn đề mà chúng tôi nhìn nhận được ở Việt Nam và cũng khá phổ biến ở các quốc gia khác là mức độ sẵn sàng để ứng phó không đồng đều ở các địa phương.
Ví dụ, các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội và TPHCM có hệ thống y tế tiên tiến hơn và sẵn sàng đáp ứng hơn khi dịch bệnh xảy ra. Tuy nhiên, các tỉnh vùng sâu vùng xa, gặp khó khăn trong việc huy động và phân bổ nguồn lực.
Như vậy chúng ta có thể rút ra bài học rằng, việc có nguồn lực mạnh ở địa phương là rất quan trọng, nhưng quan trọng không kém là Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ những nơi không có đủ nguồn lực.
Việt Nam đang chứng kiến tốc độ phát triển kinh tế rất nhanh. Bên cạnh những lợi ích mang lại trong việc cải thiện đời sống của người dân, là những thách thức mới nổi về y tế.
Tỷ lệ người dân mắc các bệnh lý được ví von là bệnh “nhà giàu” như: Béo phì, tiểu đường, cao huyết áp tăng vọt những năm qua. Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm của các nước có đặc điểm tương tự đang ứng phó với vấn đề này?
– Rất nhiều quốc gia hiện nay có tốc độ phát triển kinh tế nhanh và mang lại nhiều thành quả về y tế như giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng hay giảm tỷ lệ trẻ tử vong do viêm phổi.
Tuy nhiên, khi kinh tế tăng trưởng nhanh, chúng tôi đã nhìn thấy nhiều quốc gia phải đối mặt với các vấn đề sức khỏe nổi lên như: Tỷ lệ tai nạn giao thông tăng do số lượng xe cộ tăng. Tỷ lệ hút thuốc và các vấn đề liên quan thuốc lá tăng do người dân dư dả hơn, có thể dễ dàng mua được thuốc lá hơn. Các bệnh lý liên quan ô nhiễm nhiều hơn do công nghiệp phát triển; béo phì, tiểu đường và các bệnh lý liên quan đến lối sống cũng là mối quan ngại…
Nhìn từ bài học của các quốc gia, chúng tôi thấy rằng quan trọng nhất để ứng phó với những vấn đề sức khỏe đi kèm với sự phát triển kinh tế này là có chính sách đúng đắn.
Nhiều quốc gia có kinh nghiệm đáng học hỏi, đặc biệt là trong các chính sách phòng chống các bệnh mãn tính.
Các quốc gia đã áp dụng những chính sách giúp kiểm soát hiệu quả những bệnh này, chẳng hạn như tăng cường nhận thức về chế độ ăn uống lành mạnh, giảm thiểu tiêu thụ các loại thực phẩm có hàm lượng calo cao.
Chúng tôi cũng nhận thấy giá trị về lợi ích kinh tế ở các quốc gia có chính sách hiệu quả. Mỗi đồng đầu tư cho chính sách đúng đắn về an toàn giao thông, thuốc lá… có thể tiết kiệm được rất nhiều cho chi phí y tế.
Xin cảm ơn ông!
Nội dung: Minh Nhật
Ảnh: Minh Nhật, Mạnh Quân
Thiết kế: Thủy Tiên
Nguồn:https://dantri.com.vn/suc-khoe/thach-thuc-moi-noi-cua-y-te-viet-nam-va-loi-giai-tu-covid-19-20241105061952073.htm