Tổng lượt khách trong nước, quốc tế đến trải nghiệm, khám phá tăng nhanh; doanh thu từ hoạt động du lịch vượt trội so với chỉ tiêu; nhiều điểm đến mới, hấp dẫn được đưa vào khai thác; tiềm năng, lợi thế tài nguyên tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư… đó là những dấu ấn nổi bật trong năm 2024 của du lịch Hòa Bình.
Sân Golf Phượng Hoàng,
xã Lâm Sơn (Lương Sơn) với sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng kết
hợp thể thao giải trí thu hút khách quốc tế.
Maida Logde ở xã Tiền
Phong, Mơ Village, Hiền Lương Eco ở xã
Hiền Lương; Vayang Retreat ở xã Vầy Nưa là những điểm đến du lịch sinh thái, du
lịch nghỉ dưỡng mới đi vào hoạt động, thu hút du khách đến với du lịch huyện vùng
cao Đà Bắc nói riêng, khu du lịch hồ Hòa Bình nói chung. Bên cạnh mang đến cho
du khách không gian nghỉ dưỡng hoàn hảo, các điểm đến có sự đầu tư về chất lượng
dịch vụ đa dạng cùng nhiều tiện ích: teambuilding, hội nghị, hội thảo; các hạng phòng lưu trú, nhà hàng ẩm thực,
bể bơi vô cực, bể sục onsen 4 mùa, giải trí thể thao, tour đi thuyền tham quan
lòng hồ…
Anh Phan Mạnh Thắng, du
khách Hà Nội chia sẻ: Theo tôi, nghỉ dưỡng cuối tuần ở Maida Logde hay Xoan
Retreat, Mơ Village là lựa chọn lý tưởng của các gia đình, du khách trong nước,
quốc tế. Trên hành trình 2 ngày 1 đêm khám phá lòng hồ Hòa Bình, tôi đã tận hưởng
kỳ nghỉ tuyệt vời, thấy tâm hồn thư thái, thảnh thơi giữa lòng hồ mênh mang, cảnh
vật non nước, mây trời như hòa quyện, khiến tôi quên hết những mệt mỏi trong
công việc và áp lực cuộc sống.
Với tài nguyên du lịch
văn hóa, du lịch tự nhiên phong phú, khu du lịch (KDL) Mai Châu tiếp tục là một
trong những điểm đến hấp dẫn, có lượt du khách tham quan, trải nghiệm dẫn đầu của
tỉnh. Nổi bật vào tháng 3/2024, Ban tổ chức Giải siêu Marathon Việt Nam 2024 đã
lựa chọn KDL Mai Châu là địa điểm diễn ra sự kiện, thu hút 2.200 vận động viên
đến từ 38 quốc gia, vùng lãnh thổ. Đi cùng sự kiện, vẻ đẹp điểm đến được quảng
bá, giới thiệu đến du khách trong nước, quốc tế. Trong dịp này, lượng khách từ
các quốc gia, tỉnh, thành phố trên cả nước đến cổ vũ cho các vận động viên
chinh phục các cung đường, cũng như khám phá các điểm du lịch cộng đồng (DLCĐ),
du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm dịch vụ lưu trú, văn hóa, ẩm thực trên KDL tăng
cao. Các cung đường trải nghiệm hấp dẫn với cảnh sắc tuyệt đẹp của dãy núi điệp
trùng, thung lũng bao la, nhiều đường mòn nối những bản làng đồng bào dân tộc
Thái, Mông xa xôi mang tới cho du khách nhiều cảm xúc ấn tượng.
Hiện nay, du lịch Hòa
Bình có một số điểm đến hấp dẫn nổi danh trên bản đồ du lịch Việt Nam, như:
DLCĐ bản Lác – xã Chiềng Châu (Mai Châu), DLCĐ bản Đá Bia – xã Tiền Phong (Đà Bắc).
Về loại hình khu nghỉ dưỡng sinh thái có KDL Avana Retreat, Mai Châu Ecollodge,
Mai Châu Hideaway (Mai Châu); sân Golf Phượng Hoàng (Lương Sơn); Serena Kim Boi
Resort (Kim Bôi)… Trong năm có thêm 5 dự án đầu tư vào du lịch được cấp mới,
bao gồm dự án Khu trải nghiệm văn hóa kết hợp dịch vụ chăm sóc sức khỏe dưỡng
sinh tại xã Hợp Phong (Cao Phong); tuyến cáp treo Kim Bôi – Lạc Sơn tại xã Kim
Bôi (Kim Bôi); KDL nông nghiệp Thung Mường tại xã Tú Sơn (Kim Bôi); KDL sinh
thái Nam Thượng tại xã Nam Thượng (Kim Bôi); KDL sinh thái văn hóa cộng đồng
dân tộc tại xã Sơn Thủy (Mai Châu). Trên KDL hồ Hòa Bình, một số dự án du lịch
nghỉ dưỡng chất lượng cao đang triển khai đầu tư, như: KDL thiên nhiên Robinson
ở xã Tiền Phong (Đà Bắc), KDL sinh thái Ngòi Hoa ở xã Suối Hoa (Tân Lạc)…
Theo thống kê, khách du
lịch nội địa của tỉnh chiếm 80% tổng nguồn khách, đến từ Hà Nội, Hải Phòng, Quảng
Ninh và các địa phương ở khu vực phía Bắc, một số ít từ các tỉnh miền Nam và miền
Trung. Toàn tỉnh hiện có 564 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 57 khách sạn,
336 nhà nghỉ, 171 homestay đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch. Trong năm, tỉnh
đón trên 510.000 lượt khách quốc tế, chiếm 20% tổng nguồn khách. Thị trường
khách quốc tế đến Hòa Bình chủ yếu từ Hàn Quốc, chiếm 70%, còn lại là khách đến
từ thị trường truyền thống Pháp, Anh, Austraylia và thị trường tiềm năng Trung
Quốc, Đài Loan, Mỹ, Đức, Nga, Tây Âu. Thời gian cao điểm khách du lịch đến Hòa
Bình là dịp đầu năm với mùa du lịch lễ hội, tâm linh và mùa hè với dòng khách
trải nghiệm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng.
Đồng chí Bùi Xuân Trường,
Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Với cảnh quan thiên
nhiên hùng vĩ, giàu bản sắc văn hóa các
dân tộc, Hòa Bình đang phát huy tiềm năng, lợi thế về sản phẩm du lịch sinh
thái, nghỉ dưỡng, DLCĐ. Đây cũng là định hướng phát triển du lịch bền vững, phù
hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu thị trường khách. Tỉnh đã và đang triển khai
nhiều giải pháp hỗ trợ phát triển du lịch, như đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến đầu
tư du lịch, xây dựng hạ tầng giao thông kết nối, các bến cảng phục vụ tàu thuyền
vận chuyển khách. Đồng thời huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế đầu tư
cơ sở vật chất kỹ thuật; xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng, chất lượng,
thân thiện với môi trường, mang đặc trưng văn hóa Hòa Bình, có thương hiệu và sức
cạnh tranh cao.
Bùi Minh
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/276/197095/Suc-hut-du-lich-Hoa-Binh.htm