Powered by Techcity

Sẽ giảm tối đa độc quyền trong ngành điện

Hồi âm băn khoăn của đại biểu Quốc hội là sửa Luật Điện lực có chống được độc quyền không, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Nhà nước sẽ chỉ giữ độc quyền một số lĩnh vực xương sống, như điều độ và vận hành hệ thống điện, còn lại sẽ xã hội hóa.

Nhà nước chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 35 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa

Nhà nước độc quyền đến đâu?

Với mong muốn được thông qua ngay tại Kỳ họp thứ tám của Quốc hội (tháng 10 tới), Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi (Dự thảo) vừa được cho ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tuần qua. Đây có thể coi là một “ngoại lệ”, bởi theo thông lệ, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chỉ cho ý kiến các dự thảo luật đã được Quốc hội thảo luận lần 1 và chuẩn bị thông qua tại kỳ họp Quốc hội gần nhất.

Dù được đưa ra thảo luận lần đầu, lại dự kiến sửa đổi nhiều nội dung rất quan trọng, nhạy cảm, song do hồ sơ dự án luật gửi đại biểu quá gấp, nên chỉ có 4 người trực tiếp tham gia ý kiến với một số chính sách lớn, trong đó có giảm độc quyền.

Khoản 4, Điều 5 (chính sách của nhà nước về phát triển điện lực) của Dự thảo nêu rõ: “Xóa bỏ mọi độc quyền, rào cản bất hợp lý, thực hiện xã hội hóa tối đa trong đầu tư, khai thác sử dụng dịch vụ cơ sở vật chất của hệ thống truyền tải điện quốc gia trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh. Thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng công trình nguồn điện, lưới điện theo quy hoạch phát triển điện lực, phương án phát triển mạng lưới cấp điện, kế hoạch thực hiện quy hoạch phát triển điện lực, hoạt động phát điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện. Các thành phần kinh tế ngoài nhà nước được vận hành lưới điện do mình đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật”.

Cũng theo Điều 5, Nhà nước chỉ còn giữ độc quyền về điều độ hệ thống điện, đầu tư các dự án điện hạt nhân, thủy điện đa mục tiêu, các nguồn, lưới điện khẩn cấp và lưới truyền tải điện quan trọng từ cấp điện áp 220 kV trở lên. Nhà nước cũng độc quyền vận hành lưới truyền tải điện, trừ lưới điện do các thành phần kinh tế tư nhân đầu tư, xây dựng.

“Sửa Luật Điện lực lần này có chống được độc quyền hay không? Nhà nước độc quyền tới đâu, giao lại đầu tư cho các ngành kinh tế khác thế nào?”, Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đặt câu hỏi.

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh, ngành viễn thông đã bỏ độc quyền “rất xuất sắc”. “Cách đây mấy chục năm, gọi một cuộc điện thoại mất mấy ngàn đồng. Một tháng lương dùng điện thoại cũng hết. Còn hiện giờ dùng rất thoải mái, rất tốt”, ông Minh nhìn nhận.

Còn với điện, ông Minh nhận xét, Dự thảo quy định Nhà nước độc quyền trong truyền tải điện, nhưng chưa nêu cụ thể ở cấp độ nào. “Đến khi nào hết độc quyền, đến khi nào quy định ít phép tắc hơn để tư nhân tham gia thị trường nhiều hơn và mọi thứ phải minh bạch?”, ông Minh đặt vấn đề.

Tại báo cáo thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho rằng, cần rà soát và làm rõ về những chính sách được quy định tại Điều 5 để đảm bảo tính khả thi và tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nhà đầu tư và quản lý nhà nước hiệu quả hơn. Cụ thể, Nhà nước không nên độc quyền toàn bộ phần truyền tải, mà chỉ nên độc quyền phần truyền tải cao áp và siêu cao áp (từ trên 35 kV trở lên).

Giải trình về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài cho biết, Điều 5 đã quy định rõ Nhà nước sẽ độc quyền ở khía cạnh nào, khâu nào trong phát triển điện lực. Theo đó, Nhà nước sẽ chủ yếu độc quyền trong điều độ hệ thống điện. Còn trong đầu tư, Nhà nước độc quyền với các dự án đa mục tiêu, công trình quan trọng, đảm bảo vận hành ổn định hệ thống điện quốc gia, như các nhà máy thủy điện Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu…

Về độc quyền trong truyền tải điện, ông Hoài cho hay, Nhà nước chỉ độc quyền các lưới điện cao áp, siêu cao áp (trên 35 kV trở lên), còn các đường dây mang tính liên kết sẽ thực hiện xã hội hóa. Để đảm bảo mục tiêu an ninh năng lượng theo Nghị quyết số 55-NQ/TW của Bộ Chính trị, một số lĩnh vực xương sống sẽ phải độc quyền nhà nước, còn các lĩnh vực khác sẽ xã hội hóa.

“Giảm độc quyền tối đa nhưng vẫn đảm bảo an toàn, an ninh năng lượng theo định hướng của Đảng và Nhà nước”, theo lời Thứ trưởng Trương Thanh Hoài.

Đại diện cơ quan soạn thảo cũng nói thêm, thực tế nguồn điện EVN chỉ còn 38% trong tổng công suất hệ thống điện quốc gia. Việt Nam đang từng bước hình thành các thị trường điện cạnh tranh để đảm bảo công khai, minh bạch. Từ đầu tháng 8/2024, Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) chuyển từ EVN về Bộ Công thương. Do đó, EVN và các tập đoàn tham gia thị trường điện như một chủ thể thông thường.

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo rà soát quy định Nhà nước độc quyền đầu tư các dự án nhà máy thủy điện đa mục tiêu, các dự án nguồn điện khẩn cấp, lưới điện khẩn cấp, vì quy định như vậy phạm vi quá rộng, sẽ làm hạn chế cơ hội huy động nguồn lực xã hội để phát triển điện lực.

Giá theo thị trường để EVN không có chỗ đổ thừa khi bị lỗ

Lần sửa đổi này, giá điện cũng là vấn đề được các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội rất quan tâm.

Dự thảo quy định, giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh. Nhận xét đây là điểm mới, hiện tại chưa thực hiện được, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) nhấn mạnh: “Phải áp dụng theo giá thị trường để sau này điện lực không còn đổ thừa năm nào cũng bị lỗ là do giá điện bao cấp”. 

Vị đại biểu Đồng Tháp cho rằng, khi giá điện đã thực hiện theo cơ chế thị trường, thì lỗ là tính được, có thể “xử liền”, là vấn đề rất quan trọng, rất cần thiết. Tuy nhiên, ông Hòa lưu ý, với đối tượng chính sách, khó khăn, thì Nhà nước vẫn phải lo để bảo đảm an sinh xã hội.

“Thực hiện theo cơ chế thị trường, người dân tiêu thụ điện không nói giá điện cao hay thấp, người bán điện là điện lực không nói bán điện bao cấp cho nên bị lỗ. Tôi rất thống nhất quy định hoạt động mua bán điện sắp tới đây theo hướng của thị trường cạnh tranh”, ông Hòa phát biểu.

Hồi âm ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Công thương trương Thanh Hoài cho biết, đã thiết kế giá điện tại Dự thảo theo hướng phản ánh đầy đủ các chi phí và giảm tối đa việc bù chéo. “Giá điện là theo hướng thị trường. Tại Dự thảo, thị trường bán buôn cạnh tranh, thị trường bán lẻ cạnh tranh, các cấp độ thị trường đã được thiết kế đầy đủ”, Thứ trưởng Hoài thông tin thêm.

Liên quan đến giá điện, thẩm tra, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể về việc đảm bảo cơ cấu giá điện ổn định, cơ chế giá điện hai thành phần. “Dự thảo cần quy định nguyên tắc, lộ trình rõ ràng về xóa bỏ bù giá chéo giữa các nhóm khách hàng, đảm bảo bình đẳng xã hội và đảm bảo nguyên tắc thị trường, khuyến khích tiết kiệm điện trong ngành sản xuất”, theo Thường trực cơ quan thẩm tra.

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội còn cho rằng, các quy định về giá điện hầu hết đều giao Bộ Công thương xây dựng, thẩm định, như tại Luật Điện lực năm 2004. Tuy nhiên, việc xây dựng, thực hiện giá điện chưa thực sự hiệu quả, chưa minh bạch hết các thành phần cấu thành giá điện, là một trong những điều kiện tiên quyết để đảm bảo sự công bằng, minh bạch của thị trường điện cạnh tranh.

Do đó, Thường trực cơ quan thẩm tra đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, bổ sung tiêu chí xác định giá bán lẻ điện để đảm bảo tính công bằng và nguyên tắc thị trường điện cạnh tranh giữa bên bán và bên mua. Dự thảo cần quy định trách nhiệm công khai minh bạch các loại giá (truyền tải điện, phân phối điện, điều độ hệ thống điện và điều hành giao dịch thị trường điện, giá dịch vụ phụ trợ hệ thống điện).

Theo Thường trực cơ quan thẩm tra, cần rà soát quy định về thẩm quyền, hình thức và phương pháp định giá đối với giá điện và giá các dịch vụ về điện bảo đảm thống nhất với các quy định tại Luật Giá  theo hướng Thủ tướng quyết định khung giá bán buôn điện, khung giá bán lẻ điện, khung giá phát điện, giá các dịch vụ về điện.

Bộ Công thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính trình Thủ tướng quyết định giá điện và giá các dịch vụ về điện, hướng dẫn các đơn vị điện lực xây dựng và ban hành các giá điện theo thẩm quyền. Đồng thời, nghiên cứu, xem xét bổ sung cơ chế để cân bằng, bình ổn giá điện (có thể là quỹ hoặc tài khoản cân bằng giá điện).

Đề nghị thông qua Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi tại 2 kỳ họp

Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua Dự thảo Luật Điện lực sửa đổi ngay tại Kỳ họp thứ tám. Thường trực Ủy ban thẩm tra và một số Ủy ban của Quốc hội cho rằng, như vậy thời gian tương đối gấp, trong khi phạm vi nội dung sửa đổi tổng thể, gồm 6 nhóm chính sách lớn, nhạy cảm, tác động trực tiếp, toàn diện đến sinh hoạt của người dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh, thị trường điện và giá điện; bảo đảm an toàn quá trình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ điện.

Do đó, đề nghị thông qua Luật tại 2 kỳ họp (thông qua tại Kỳ họp thứ chín vào tháng 5/2025) để có đủ thời gian dành cho việc nghiên cứu, thảo luận, lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện Dự án luật bảo đảm chất lượng, khả thi, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Nguồn: https://baodautu.vn/se-giam-toi-da-doc-quyen-trong-nganh-dien-d223875.html

Cùng chủ đề

EVN đề nghị được giao đầu tư thêm dự án nguồn điện mới

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai đầu tư 10 dự án nguồn điện với tổng công suất 6.793 MW. Ngoài ra, EVN đề nghị được giao đầu tư thêm một số nguồn điện mới. Dự án không nhiều Trong số các dự án đang thi công của EVN sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới, thì Dự án Thủy điện Ialy mở rộng (360 MW) sẽ về đích sớm nhất. Cụ thể, vào tháng 11/2024,...

Tổng giám đốc EVN: Hôm nay 70% hộ bị mất điện sẽ được cấp điện trở lại

Bão Yagi đi qua càn quét nhà cửa, tài sản và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đảm bảo cung ứng điện ở miền Bắc. Hệ thống lưới điện tại nhiều khu vực bị sự cố gây mất điện, đặc biệt là tại Quảng Ninh, Hải Phòng… Sáng 8/9, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã đến thành phố Hải Phòng – một trong những địa phương bị thiệt hại nặng nề...

Cùng tác giả

Triều Tiên đi bước quyết liệt cắt đứt với Hàn Quốc, có khả năng đưa quân đến Moscow để làm điều này

Quân nhân Nga diễu hành trong lễ duyệt binh kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ngày 9/5/2021. (Nguồn: THX) Hãng thông tấn Yonhap cho hay, gần đây, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố các ấn bản mới nhất trong bộ danh mục thường niên về các cán bộ chủ chốt trong chính phủ và đảng của Triều Tiên. Cụ thể, trong ấn bản năm 2024,...

Cùng chuyên mục

Triều Tiên đi bước quyết liệt cắt đứt với Hàn Quốc, có khả năng đưa quân đến Moscow để làm điều này

Quân nhân Nga diễu hành trong lễ duyệt binh kỷ niệm 76 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ ở Moscow, ngày 9/5/2021. (Nguồn: THX) Hãng thông tấn Yonhap cho hay, gần đây, Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã công bố các ấn bản mới nhất trong bộ danh mục thường niên về các cán bộ chủ chốt trong chính phủ và đảng của Triều Tiên. Cụ thể, trong ấn bản năm 2024,...

Mở rộng cơ hội hợp tác, thúc đẩy công nghiệp quốc phòng

(Bqp.vn) – “Tôi rất vui khi tham gia triển lãm lần này và có hàng trăm doanh nghiệp đối tác đến từ các quốc gia khác nhau. Đây là nơi bạn có thể bắt gặp các gian trưng bày của các công ty từ Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nga, I-xra-en, I-ran… Ở đâu đó vẫn có những quốc gia đang đối đầu, bất đồng với nhau, song tất cả đều có mặt ở nơi đây, trong một bầu không...

Đây sẽ là quốc gia đầu tiên được Campuchia cho phép tàu thăm viếng cảng Ream sau cải tạo

Một phần Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia tại Sihanoukville, phía Tây Nam thủ đô Phnom Penh, Campuchia, chụp hồi tháng 12/2023. (Nguồn: Facebook Căn cứ Hải quân Ream) Ngày 23/12, tờ Khmer Times đưa tin, trước đó 3 ngày, Cố vấn An ninh kiêm Tổng Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Nhật Bản Akiba Takeo đã có chuyến thăm Phnom Penh và có cuộc gặp với Chủ tịch Thượng viện Campuchia Hun Sen. Tại cuộc gặp, ông...

Địa chỉ 35 điểm bắn pháo hoa tại thủ đô Hà Nội dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán

Hà Nội sẽ tổ chức bắn pháo hoa tại 5 điểm (6 trận địa) ở các quận Hoàn Kiếm, Hà Đông, Nam Từ Liêm, thị xã Sơn Tây và huyện Đông Anh từ 0h – 0h15 ngày 1-1-2025 chào đón Tết dương lịch – Ảnh: T.T. Ngày 23-12, UBND TP Hà Nội ban hành các kế hoạch tổ chức bắn pháo hoa Tết dương lịch và Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 tại thủ đô. 5 điểm bắn pháo hoa...

Tin nổi bật

Tin mới nhất