Tại Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp. Báo Hòa Bình đăng toàn văn bài phát biểu.
Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu khai mạc Kỳ họp.
Kính thưa đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; đồng chí Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.
Kính thưa các vị khách quý,
Thưa các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh,
Thưa toàn thể cử tri và nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Hôm nay, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021-2026 long trọng tổ chức khai mạc kỳ họp thường lệ cuối năm 2024. Thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi nhiệt liệt chào mừng đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các vị đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu HĐND tỉnh, các vị đại biểu khách quý đã về dự kỳ họp, xin gửi tới các đồng chí cùng toàn thể cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh lời chúc sức khỏe, hạnh phúc, chúc Kỳ họp thành công tốt đẹp.
Kính thưa các vị đại biểu,
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 diễn ra trong thời điểm tỉnh ta đang gấp rút phấn đầu hoàn thành Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025. Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; cùng với đó là sự suy giảm trong sản xuất và tiêu thụ khiến các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, đã tác động tiêu cực đến nhiều ngành, lĩnh vực, hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống Nhân dân, ảnh hưởng lớn đến quá trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.
Tuy nhiên, dưới sự quan tâm, lãnh đạo kịp thời của các cấp ủy Đảng; tổ chức giám sát có hiệu quả của các cơ quan dân cử; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, linh hoạt của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp; sự đoàn kết phối hợp chặt chẽ của các cấp và các ngành cùng những đóng góp tích cực, quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, kinh tế – xã hội của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, quan trọng trên nhiều lĩnh vực: Có 19/19 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra; tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh ước đạt 9,74%, vượt kế hoạch đề ra; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,9%; thu ngân sách Nhà nước ước đạt 7.239 tỷ đồng, bằng 173% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 122% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao; chất lượng giáo dục, lĩnh vực văn hóa – thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; Tổ chức triển khai thực hiện Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chuẩn bị công tác bảo vệ hồ sơ Mo Mường đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa cần bảo vệ khẩn cấp; Hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được duy trì và thực hiện tốt; công tác cải cách hành chính, thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được tăng cường và có hiệu quả; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được quan tâm tổ chức thực hiện, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm đạt được kết quả quan trọng; đời sống Nhân dân tiếp tục được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để khắc phục đó là: Tiến độ triển khai thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm; Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng vẫn còn kéo dài, làm ảnh hưởng đến tiến độ các công trình, dự án; Công tác quản lý các mỏ khai thác khoáng sản còn hạn chế; còn tình trạng khai thác ngoài phạm vi cấp phép, gây ảnh hưởng môi trường, đời sống sinh hoạt của người dân. Công tác xử lý chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn còn nhiều bất cập; Hạ tầng kỹ thuật của một số bệnh viện, Trung tâm Y tế chưa được đầu tư đúng mức; Kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chậm phát triển; Hệ thống cơ sở hạ tầng còn khó khăn; tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn cao so với khu vực khác; tình hình tội phạm, khiếu nại, tố cáo trên địa bàn tỉnh vẫn còn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Một số vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, kéo dài vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.
Kính thưa các vị đại biểu, thưa Hội đồng nhân dân tỉnh,
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 là thời điểm quan trọng để Hội đồng nhân dân tỉnh tiếp tục rà soát, đánh giá lại những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, tồn tại chưa được giải quyết triệt để trong quá trình thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong năm. Trên tinh thần đó, tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh tiến hành xem xét, thảo luận và quyết định các vấn đề quan trọng sau đây:
Một là: Về kinh tế- xã hội và ngân sách
Xem xét các báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh; báo cáo thẩm tra của các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2025; tình hình thực hiện nhiệm vụ thu chi ngân sách Nhà nước năm 2024; dự toán ngân sách Nhà nước năm 2025; phê chuẩn quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2023.
Hai là: Về thực hiện nhiệm vụ quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương
Tại kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ xem xét, thông qua 39 dự thảo nghị quyết do Ủy ban nhân dân tỉnh trình để cụ thể hóa chủ trương của Trung ương, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh vào điều kiện thực tiễn của địa phương, tạo cơ chế, chính sách nhằm phát huy tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh, trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung về: Điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn; Kế hoạch đầu tư công năm 2025; Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách nhà nước; mức chi đón tiếp, thăm hỏi, chúc mừng đối với một số đối tượng do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp; giá cụ thể dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; thông qua danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất; quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; phê duyệt chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương các dự án quan trọng, trọng điểm; quyết định biên chế của địa phương; số lượng cán bộ, công chức cấp xã, số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã và một số chính sách quan trọng khác.
Ba là: Về hoạt động giám sát
Tại kỳ họp này, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ bố trí thời gian tại phiên chất vấn để nghe Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo về kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau Kỳ họp thứ 19; Kết quả thực hiện Thông báo kết luận các nội dung chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII và nghe Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo kết quả giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri trước và sau kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XVII và báo cáo thẩm tra Kết quả thực hiện Thông báo kết luận các nội dung chất vấn của Hội đồng nhân dân tỉnh tại Kỳ họp thứ 19, HĐND tỉnh khóa XVII.
Bên cạnh đó, HĐND tỉnh cũng xem xét, thảo luận các Báo cáo của các ngành: Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân; Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các Báo cáo khác của Thường trực HĐND, Ủy ban nhân dân; các Ban của HĐND tỉnh trình tại kỳ họp.
Bốn là: HĐND tỉnh sẽ xem xét, miễn nhiệm và bầu bổ sung chức danh Ủy viên Ủy ban nhân dân tỉnh; xem xét, cho ý kiến vào dự thảo nghị quyết về Kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2025 của HĐND tỉnh khóa XVII.
Năm là: Về hoạt động chất vấn
Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ dành 1/2 ngày để tiến hành phiên chất vấn tại kỳ họp. Đề nghị các đại biểu căn cứ các nhóm vấn đề chất vấn được Thường trực HĐND tỉnh gợi ý, để đặt câu hỏi chất vấn đối với các đối tượng được chất vấn quy định tại Điều 5, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Sau phiên chất vấn, Hội đồng nhân dân tỉnh sẽ ban hành nghị quyết để làm cơ sở theo dõi, giám sát thực hiện.
Kính thưa các vị đại biểu,
Thưa toàn thể cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh,
Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024 diễn ra trong thời gian 03 ngày với rất nhiều nội dung quan trọng, số lượng nghị quyết phải xem xét, thông qua lớn. Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, thay mặt Thường trực HĐND tỉnh, tôi đề nghị các vị đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu qua hệ thống quản lý văn bản, tập trung cho ý kiến, thể hiện rõ quan điểm về từng nội dung, nhất là những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Hội đồng nhân dân tỉnh có những quyết định đúng đắn, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Với tinh thần đó, tôi tuyên bố khai mạc Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/11/196143/Phat-bieu-khai-mac-Ky-hop-thuong-le-cuoi-nam-2024,-HDND-tinh-khoa-XVII,-nhiem-ky-2021–2026.htm