Tôi biết Đào Quang Minh từ năm 1986. Ngay từ lần đầu gặp gỡ, tôi đã có cảm tình đặc biệt: Minh thông minh, hiền hậu, hóm hỉnh và sắc sảo. Chúng tôi dễ gần nhau bởi cũng đều là “lính chiến”. Minh nhập ngũ tháng 2/1965, vào bộ đội trinh sát pháo binh E208F351 thuộc Bộ Tư lệnh pháo binh Quân đội nhân dân Việt Nam.
Tháng 6/1967 anh đã cùng đơn vị chiến đấu, bắn cháy tàu chiến Mỹ trên bờ biển Quảng Cư – Sầm Sơn – Thanh Hóa. Ngày 13/11/1967, Đào Quang Minh đã đứng trong hàng ngũ của Đảng, tính đến nay anh đã có 57 năm tuổi Đảng. Sau đó, anh lên đường đi “B”, chiến đấu ở chiến trường miền Nam, tại La Đụt, A Lưới, A Sầu (Quảng Đà)-Nơi mà lính Mỹ thường mệnh danh là “chiếc cối xay thịt lính Mỹ của Việt Cộng”.
Tháng 2/1970, Đào Quang Minh bị thương, được chuyển ra Bắc, chuyển ngành về công tác ở Công ty xe khách “Thống Nhất” – Hà Nội.
Con đường đến với Nghệ thuật nhiếp ảnh ở Đào Quang Minh cũng thật giản đơn: Nếu mình chỉ làm ở Công ty xe khách “Thống Nhất” cho đến lúc nghỉ hưu thì thật uổng phí thời gian quá, trong khi niềm say mê hội họa, nhiếp ảnh có từ khi còn nhỏ nhưng ước mơ đó không có điều kiện được chắp cánh.
Tháng 1/1978, Liên hiệp công đoàn Hà Nội thông báo mở lớp nhiếp ảnh. Minh đệ đơn xin học luôn. Kết thúc khóa học, anh đậu loại Giỏi, bắt đầu cầm máy, áp dụng những điều đã học.
Tháng 11/1981, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam phối hợp với Liên hiệp Công đoàn Hà Nội mở trại sáng tác nhiếp ảnh. Đào Quang Minh ghi tên xin được tham dự. Với năng khiếu cảm thụ thẩm mỹ trời cho, Minh tiếp thu những tinh hoa của các thầy đáng kính như Võ An Ninh, Đinh Đăng Định, Đỗ Huân, Đỗ Quốc Ân… Kết thúc trại, một cuộc trưng bày tác phẩm đầu tay của các “Nhiếp ảnh gia tương lai” được tổ chức. Xem ảnh của Đào Quang Minh, các thầy đều có chung nhận xét: “Ảnh của Đào Quang Minh có thiên hướng và triển vọng để trở thành một nghệ sĩ sáng tác nhiếp ảnh nghệ thuật hơn là phóng viên ảnh báo chí”.
Một năm sau, vừa chụp vừa rút kinh nghiệm, Minh đã có những tác phẩm được người xem chú ý như “Sương sớm Hồ Gươm” (1982) mượt mà như tranh lụa; “Hoàng hôn Tây Hồ” (1983) và “Chiều hè” (1983) đẹp như tranh sơn mài.
Tháng 12/1986, Đào Quang Minh được tiếp nhận về làm phóng viên nhiếp ảnh của Tuần báo Văn Nghệ “Người Hà Nội” và trực tiếp làm việc tại Phân Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội. Đây là thời cơ khá thuận lợi để cánh cửa tâm hồn được hé mở trên con đường hoạt động nhiếp ảnh nghệ thuật. Với phim đen trắng được sử dụng kính lọc màu cam đậm, anh đã thành công trong bức “Bến nước Chương Dương” lung linh như dát bạc. Đào Quang Minh buổi đầu thường hướng ống kính vào đề tài và các địa danh như: Sông Tô Lịch, Hồ Tây, Hồ Gươm, Hồ Trúc Bạch, Sông Hồng, Phố cổ Hà Nội, Chợ, Bến cảng, Đồng lúa ngoại thành, Chùa Thầy, Chùa Trăm Gian, Chùa Tây Phương, rồi Cố đô Hoa Lư (Ninh Bình)…khi ấy anh được giao nhiệm vụ phụ trách Chủ nhiệm Câu lạc bộ nhiếp ảnh Hội Văn Nghệ Hà Nội.
Cuối năm 1992, nhà văn, nhà viết kịch, Nghệ sĩ nhân dân Tào Mạt lâm bệnh trọng. Tôi đưa Đào Quang Minh đến thăm và mời ông xem ảnh. Ông rất thích bức: “Hồ Gươm” (ảnh đen trắng) của Đào Quang Minh có tiền cảnh là thân cây lộc vừng mùa đông trụi lá. Nằm trên giường bệnh, ông mỉm cười vẻ mãn nguyện: “Tiền cảnh rất gợi, như con Rồng đang bay lên! Mình sẽ tặng cho tấm ảnh bốn chữ: “Thiên tải Long phi” (có nghĩa là Thăng Long Rồng bay) được chứ?”. Tôi và Đào Quang Minh cùng reo lên: Tuyệt vời! Thật là một sự ngẫu hứng xuất thần vô giá.
Tuy khá mệt và đau đớn (vì ung thư đã ở giai đoạn cuối) nhưng ông cố gượng dậy dùng bút dạ đen đề bốn chữ: “Thiên tải long phi” vào ảnh. Ảnh “Thiên tải long phi” sau đó được tuyển chọn là 1 trong 10 tác phẩm đen trắng của Việt Nam tham dự ở Đại hội nhiếp ảnh Quốc tế FIAP-1993. Mười tác phẩm của Việt Nam năm ấy đoạt Huy Chương Đồng. Lần đầu tiên, nhiếp ảnh Việt Nam ghi dấu ấn trên trường quốc tế khi gia nhập tổ chức Nhiếp ảnh Nghệ thuật Quốc tế FIAP.
Vừa chụp vừa rút kinh nghiệm và có điều kiện đi sâu nghiên cứu về ảnh đen trắng và ảnh mầu. Có thể nói Đào Quang Minh là một nhiếp ảnh gia ở lĩnh vực nào anh cũng chịu khám phá, tìm ra thế mạnh và cả mặt hạn chế của nó. Anh thuần thục và khép kín từ các khâu: chụp, in, tráng phim, in phóng ảnh, chấm sửa ảnh theo phương pháp thủ công và hôm nay trên con đường tiếp cận kỹ thuật photoshop.
Có một “nghệ tinh” do nhu cầu đời sống kinh tế và phương châm: “Lấy ngắn nuôi dài” trong nghệ thuật, đó là năm 1994, Đào Quang Minh bắt đầu vẽ tranh và có hẳn xưởng vẽ tranh lụa tại gia. Tranh lụa và lịch lụa treo tường của Đào Quang Minh bán rất chạy trên thị trường du lịch, cho khách trong nước, Việt Kiều và khách nước ngoài.
Trong nhiếp ảnh Nghệ thuật anh cũng thành đạt đều đặn với những tác phẩm giải thưởng xuất sắc của Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam như: “Huyền thoại Sapa” (1996); “Thông điệp Hòa bình” (2000); “Than Cửa Ông thời đổi mới” (2005); “Bên nhau”-Huy chương Đồng hạng trong Triển lãm “50 năm thành lập Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam” cùng nhiều ảnh tham dự triển lãm, giải thưởng trong nước và quốc tế khác.
Năm 1998, Đào Quang Minh lại thử sức, đi sâu nghiên cứu lĩnh vực vẽ tranh sơn dầu và chỉ hai năm sau Đào Quang Minh lại mở phòng trưng bày tranh sơn dầu khá ấn tượng tại nhà riêng. Vẽ để bán, với phương châm “lấy ngắn nuôi dài” trong nghệ thuật và anh đã làm được điều đó.
Con đường đi tới trong nghệ thuật đã được khẳng định:
+ 15/11/1999 đươc phong tước hiệu A.Vapa (nghệ sĩ có nhiều tác phẩm)
+ 27/12/2001 được phong tước hiệu E.Vapa (nghệ sĩ có nhiều tác phẩm xuất sắc)
+ 14/4/2000 được phong tước hiệu A.FIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế)
+ 14/8/2002 được phong tước hiệu E.FIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh quốc tế có tác phẩm xuất sắc).
+ 25/1/2008 được phong tước hiệu E.Vapa/G (nghệ sĩ có tác phẩm đặc biệt xuất sắc của Việt Nam)
Đào Quang Minh chụp đều, chụp tốt, nhanh chóng đạt thành quả nghệ thuật cao nhưng vẫn khiêm tốn và nhờ có khả năng giao tiếp nên được hội viên tín nhiệm bầu vào Ban chấp hành, rồi Phó Chủ tịch Hội, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội.
Khi Chủ tịch Hội nhiếp ảnh Nghệ thuật Hà Nội Đặng Đinh An qua đời, anh kế vị Đặng Đình An với cương vị Quyền Chủ tịch Hội.
Nghệ sĩ Đào Quang Minh còn là nghệ sĩ đa tài, năng khiếu trời cho: Chụp ảnh tốt, vẽ tranh đẹp. Đào Quang Minh còn là nhạc sĩ, hội viên hội âm nhạc Hà Nội với hàng chục tác phẩm âm nhạc giàu chất trữ tình. Một số tác phẩm âm nhạc của anh đã được giới thiệu trên làn sóng Đài Truyền hình Trung ương và Hà Nội.
Bước vào hội trường đông người, Đào Quang Minh còn là ca sĩ, là ảo thuật gia khiến hội trường im phăng phắc theo dõi. Khi kết quả nhãn tiền, không ai biết anh làm như thế nào, cả hội trường vỗ tay như sấm. Đào Quang Minh còn có khả năng đoán biết người chưa quen biết có bố mẹ ông ta tên là gì, người yêu tên là gì, đẹp hay xấu. Thậm chí nhà nghiên cứu sử học lão thành Lê Văn Lan cũng ngỡ ngàng khi Đào Quang Minh đã nói đúng ông đang nghĩ gì. Ông thừa nhận bằng ánh mắt và cái bắt tay thật chặt như muốn nói: Đào Quang Minh giỏi thật: Xin cảm ơn, cảm ơn!
Đào Quang Minh vô cùng yêu mến. Ông sinh năm Đinh Hợi – 1947.
Ngày 15 tháng 12 năm 2024 (tức ngày 15 tháng 11 Giáp Thìn), ở tuổi 77 ông không còn hiện hữu trên đời nữa. Ông mang theo cả tài năng, sự nghiệp về nơi tiên cảnh, để lại nỗi nhớ, niềm tiếc thương vô hạn đối với gia đình, vợ con, họ hàng nội ngoại, với hội viên Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và những người yêu mến nghệ thuật nhiếp ảnh cả nước.
Hoàng Kim Đáng