Hòa Bình là tỉnh thuộc tiểu vùng Tây Bắc của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, có vị trí quan trọng, chiến lược về kinh tế, chính trị, AN-QP… Tỉnh là nơi có nền Văn hoá Hòa Bình nổi tiếng – cái nôi văn hoá của người Việt cổ.
Hòa Bình có vị trí quan trọng, ý nghĩa chiến lược ở Bắc Bộ, là cửa ngõ vào Thủ đô Hà Nội, lên vùng Tây Bắc; là bản lề giữa đồng bằng Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ với Tây Bắc, cửa ngõ thông sang Thượng Lào. Tỉnh có diện tích tự nhiên gần 4.600 km², phía Bắc giáp tỉnh Phú Thọ, phía Đông giáp TP Hà Nội, phía Tây giáp tỉnh Sơn La, phía Nam giáp các tỉnh: Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa. Tính đến ngày 1/4/2019, tỉnh có 854.131 nhân khẩu với các dân tộc chủ yếu như: Mường, Kinh, Thái, Tày, Dao, Mông và một số dân tộc khác; trong đó, dân tộc Mường chiếm khoảng 64%.
Tỉnh được thành lập ngày 22/6/1886 theo nghị định của Kinh lược Bắc Kỳ với tên gọi là tỉnh Mường, tách phần đất có người Mường cư trú từ các tỉnh: Hưng Hóa, Sơn Tây, Hà Nội, Ninh Bình. Tỉnh Mường có 4 phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ; tỉnh lỵ đặt tại Chợ Bờ (thuộc châu Đà Bắc) nên cũng còn gọi là tỉnh Chợ Bờ. Đến tháng 11/1886 chuyển về xã Phương Lâm. Tháng 4/1888 được đổi tên thành tỉnh Phương Lâm, do Công sứ Pháp cai trị. Ban đầu tỉnh gồm cả Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên Châu, cùng với vùng có dân tộc Mường thuộc hai châu Thanh Sơn, Yên Lập (tháng 10/1888 cắt 2 châu này về tỉnh Hưng Hóa).
Ngày 5/9/1896, tỉnh lỵ tỉnh Mường chính thức được chuyển về đóng tại xã Hòa Bình, phía bờ trái sông Đà, đối diện với Phương Lâm. Từ đó, tỉnh Mường được gọi là tỉnh Hòa Bình, với 4 châu: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Mai Đà. Huyện Lạc Thủy lúc này thuộc châu Lạc Sơn, đến năm 1908 chuyển về tỉnh Hà Nam. Từ đó, địa giới hành chính cơ bản ổn định. Đến tháng 5/1953, huyện Lạc Thủy cùng một số xã thuộc Nho Quan, Ninh Bình chuyển về tỉnh Hòa Bình.
Từ năm 1950, các châu được đổi thành huyện và các đơn vị hành chính huyện của tỉnh có sự thay đổi: Ngày 21/9/1956, huyện Mai Đà chia thành 2 huyện: Đà Bắc ở phía Bắc sông Đà và Mai Châu ở phía Nam sông Đà. Ngày 15/10/1957, huyện Lạc Sơn chia thành 2 huyện: Lạc Sơn và Tân Lạc. Ngày 17/4/1959, huyện Lương Sơn chia thành 2 huyện: Lương Sơn và Kim Bôi. Ngày 17/8/1964, huyện Lạc Thủy chia thành 2 huyện: Lạc Thủy và Yên Thủy.
Ngày 27/12/1975, tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết hợp nhất tỉnh Hòa Bình với tỉnh Hà Tây thành tỉnh Hà Sơn Bình.
Theo nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, Kỳ họp thứ 9, ngày 12/8/1991, tỉnh Hà Sơn Bình tách thành 2 tỉnh Hòa Bình và Hà Tây. Khi đó, tỉnh Hòa Bình có diện tích 4.697 km², dân số 670.000 người, gồm 10 đơn vị hành chính: 1 thị xã Hòa Bình và 9 huyện: Đà Bắc, Mai Châu, Lương Sơn, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kim Bôi, Tân Lạc, Yên Thủy.
Ngày 01/10/1991, tỉnh Hòa Bình chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới.
Tháng 12/2001, huyện Kỳ Sơn chia thành 2 huyện: Kỳ Sơn và Cao Phong. Ngày 27/10/ 2006, thị xã Hòa Bình trở thành đô thị loại III, với tên gọi TP Hòa Bình.
Từ ngày 14/7/2009, 4 xã: Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung, đều nằm ở phía Bắc của huyện Lương Sơn được sáp nhập vào TP Hà Nội.
Năm 2018, tỉnh gồm 1 thành phố, 10 huyện, 191 xã, 11 trấn và 8 phường.
Từ ngày 1/1/2020, Theo Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14, ngày 17/12/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình, toàn bộ huyện Kỳ Sơn nhập vào TP Hòa Bình.
Tới thời điểm này, tỉnh có 10 huyện, thành phố (TP Hòa Bình và các huyện: Kim Bôi, Lương Sơn, Lạc Sơn, Tân Lạc, Cao Phong, Yên Thủy, Lạc Thủy, Mai Châu, Đà Bắc) với 151 xã, phường, thị trấn.
VT (TH)