Theo thống kê VietstockFinance, đến nay có đến 96 doanh nghiệp xây dựng niêm yết trên sàn chứng khoán đã công bố báo cáo tài chính hết 6 tháng 2024. Trong đó, có 39 doanh nghiệp tăng lãi, 21 giảm lãi, 14 tiếp tục lỗ, 15 lỗ chuyển lãi và 7 lãi chuyển lỗ. Đáng chú ý, 18 doanh nghiệp lãi ròng gấp nhiều lần cùng kỳ.
Theo đó, những doanh nghiệp có khoản lãi trên ngàn tỉ đồng bao gồm Coteccons; Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình; CIENCO4; Công ty Cổ phần Tập Đoàn PC1; Tổng Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam;…
Ông lớn Coteccons báo cáo tài chính (từ 1.4 đến 30.6) ghi nhận doanh thu tăng khoảng 82% so với cùng kỳ, đạt mức 6.595,4 tỉ đồng. Lãi ròng ghi nhận 58,8 tỉ đồng, tương đương tăng 95%.
Còn Xây dựng Hoà Bình dù doanh thu thuần giảm khoảng 138 tỉ đồng, song lợi nhuận ròng của đơn vị đạt 682,4 tỉ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong toàn ngành.
Xây dựng hạ tầng CIENCO4 mang về doanh thu thuần 1.027 tỉ đồng, tăng 65%. Lãi ròng quý II/2024 hơn 60 tỉ đồng, tăng 87%.
Ngoài các ông lớn nói trên, các doanh nghiệp khác trong ngành dù lãi không trên ngàn tỉ đồng nhưng khoản lãi tăng gấp nhiều lần.
Đơn cử như CTCP Xây dựng và Thiết kế Số 1 (DCF), ghi nhận quý II với lợi nhuận thuần hơn 23 tỉ đồng, tương đương tăng gấp 21 lần so với cùng kỳ. Kể từ năm 2017 khi được giao dịch trên sàn UPCom, đây là mức lãi ròng cao nhất của doanh nghiệp.
Hay đáng chú ý như CTCP Sông Đà 11, đơn vị này sau gần 2 thập kỷ đã ghi nhận mức lợi nhuận thuần cao nhất lên đến hơn 69 tỉ đồng trong quý II, cao gấp 6,6 lần so với cùng kỳ.
Trong Báo cáo xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và xây dựng quý II/2024 và dự báo quý III/2024, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, trong số 6.056 doanh nghiệp ngành xây dựng trả lời điều tra của Tổng cục Thống kê về tình hình hoạt động trong II/2024 so với quý I/2024, có 26,4% doanh nghiệp nhận định thuận lợi hơn; 42,9% doanh nghiệp nhận định giữ ổn định và 30,7% doanh nghiệp nhận định khó khăn hơn.
Quý II/2024, 74,2% doanh nghiệp nhận định hợp đồng xây dựng mới tăng và không đổi so với quý I/2024; 25,8% doanh nghiệp nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Riêng tình hình vay vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, 19% doanh nghiệp nhận định vay vốn quý II/2024 thuận lợi hơn quý I/2024; 58,5% doanh nghiệp nhận định không thay đổi; 22,5% doanh nghiệp nhận định vay vốn khó khăn hơn.
Theo các doanh nghiệp ngành xây dựng, quý II/2024, yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến sản xuất kinh doanh là “giá nguyên vật liệu tăng cao” với 47,1% số doanh nghiệp; “không có hợp đồng xây dựng mới” với 46,9% số doanh nghiệp nhận định.
Dự báo quý III/2024 so với quý 2/2024, các doanh nghiệp xây dựng nhận định tốt lên với 28,8% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn; 43,1% nhận định giữ ổn định và 28,1% dự báo khó khăn hơn.