(MPI) – Theo Báo cáo tình hình kinh tế – xã hội Quý IV và năm 2024 của Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 12, cả nước có gần 10,0 nghìn doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký là hơn 96,4 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký hơn 95,7 nghìn lao động, giảm 10,4% về số doanh nghiệp, giảm 30,4% về vốn đăng ký và tăng 6,2% về số lao động so với tháng 11/2024. So với cùng kỳ năm trước, giảm 12,6% về số doanh nghiệp, giảm 22,8% về số vốn đăng ký và tăng 27,8% về số lao động. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 9,6 tỷ đồng, giảm 22,3% so với tháng trước và giảm 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, cả nước còn có hơn 8,8 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 14,8% so với tháng trước và tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2023.
Ảnh minh họa. Nguồn: MPI |
Tính chung năm 2024, cả nước có hơn 157,2 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là hơn 1.547,0 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 1.001,5 nghìn lao động, giảm 1,4% về số doanh nghiệp, giảm 1,8% về vốn đăng ký và giảm 5,4% về số lao động so với năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2024 đạt 9,8 tỷ đồng, giảm 0,4% so với năm 2023. Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong năm 2024 là gần 2.025,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,6% so với năm 2023.
Bên cạnh đó, cả nước có gần 76,2 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 30,4% so với năm 2023), nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong năm 2024 lên hơn 233,4 nghìn doanh nghiệp, tăng 7,1% so với năm 2023. Bình quân một tháng có gần 19,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Theo khu vực kinh tế, năm 2024 có 1.622 doanh nghiệp thành lập mới thuộc khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, giảm 8,4% so với năm trước; gần 36,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực công nghiệp và xây dựng, giảm 3,4%; hơn 118,8 nghìn doanh nghiệp thuộc khu vực dịch vụ, giảm 0,6%.
Trong tháng 12/2024, có 4.187 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, giảm 1,3% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm 2023; 19.886 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 163,4% và tăng 128,9%; có 2.345 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 22,8% và tăng 21,2%.
Tính chung năm 2024, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là gần 100,1 nghìn doanh nghiệp, tăng 12,4% so với năm trước; gần 76,2 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3%; hơn 21,6 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20,0%. Bình quân một tháng có gần 16,5 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Đánh giá về hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD) của doanh nghiệp quý IV/2024 so với quý III/2024, có 77,3% doanh nghiệp nhận định hoạt động SXKD quý IV/2024 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2024 (28,6% tốt hơn và 48,7% giữ ổn định); 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn. So với quý III/2024 tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thuận lợi hơn quý trước tăng 5,1%; giữ ổn định tăng 0,4% và khó khăn hơn giảm 5,5%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo lạc quan nhất với 79,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình SXKD tốt hơn và giữ ổn định (38,0% tốt lên và 41,8% giữ ổn định); 20,2% doanh nghiệp đánh giá khó khăn hơn.
Ngành thương mại, dịch vụ có 77,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (24,9% tốt hơn và 52,7% giữ ổn định); 22,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Ngành xây dựng có 73,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (29,9% tốt hơn và 43,8% giữ ổn định); 26,3% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài lạc quan nhất với 78,5% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (30,7% tốt hơn và 47,8% giữ ổn định); 22,7% đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Doanh nghiệp nhà nước có 77,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (28,3% tốt hơn và 49,5% giữ ổn định); 22,2% đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Doanh nghiệp ngoài nhà nước có 77,0% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 tốt hơn và giữ ổn định (28,3% tốt hơn và 48,7% giữ ổn định); 23,0% đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn.
Chỉ số cân bằng chung đánh giá tổng quan xu hướng SXKD quý IV/2024 so với quý III/2024 là 5,9% (28,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD tốt hơn; 22,7% doanh nghiệp đánh giá hoạt động SXKD khó khăn hơn).
Theo ngành kinh tế, chỉ số cân bằng của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo khả quan nhất với chỉ số cân bằng là 17,8%; ngành xây dựng và ngành thương mại, dịch vụ khó khăn hơn với chỉ số cân bằng lần lượt là 3,6% và 2,5%.
Theo loại hình kinh tế, chỉ số cân bằng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khả quan nhất với chỉ số cân bằng là 9,2%; tiếp đến doanh nghiệp Nhà nước là 6,1% và doanh nghiệp ngoài Nhà nước là 5,3%.
Năm 2024, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh và bền vững.
Về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII), theo Báo cáo GII 2024 của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam được xếp hạng 44/133 quốc gia, nền kinh tế, tăng 2 bậc so với năm 2023. Trong đó, đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với năm 2023, từ vị trí 57 lên 53; đầu ra đổi mới sáng tạo tăng 4 bậc so với 2023, từ vị trí 40 lên 36.
Xếp hạng chính phủ điện tử toàn cầu, theo Báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2024 (E-Government Development Index – EGDI) của Liên hợp quốc, Việt Nam vươn lên vị trí thứ 71/193 quốc gia, tăng 15 bậc so với năm 2022 , đây là lần đầu tiên Việt Nam được xếp vào nhóm EGDI ở mức Rất cao và vươn lên vị trí xếp hạng cao nhất kể từ khi bắt đầu tham gia đánh giá EGDI của Liên hợp quốc năm 2003. Về giá trị, chỉ số EGDI của Việt Nam năm 2024 đạt 0,7709 điểm, là một trong những nước có EGDI ở mức Rất cao (có 39,4% các quốc gia được xếp ở nhóm này) và cao hơn so với Chỉ số EGDI trung bình của thế giới (0,6382), của khu vực Châu Á (0,6990), cũng như của khu vực Đông Nam Á (0,6928). Trong bảng Chỉ số tham gia điện tử (EPI) năm 2024, Việt Nam đạt 0,6027, xếp thứ 72 trên thế giới, cao hơn mức trung bình của thế giới (gần 0,5).
Về dịch vụ công trực tuyến, trên cổng dịch vụ công quốc gia, tính đến ngày 30/12/2024, số thủ tục hành chính đã cung cấp dịch vụ công trực tuyến là 4.427 thủ tục; 2.645 dịch vụ công cho công dân, 2.409 dịch vụ công cho doanh nghiệp; số hồ sơ đồng bộ trạng thái xử lý lên cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 395,7 triệu hồ sơ; số hồ sơ trực tuyến thực hiện qua cổng Dịch vụ công quốc gia khoảng 61 triệu hồ sơ. Đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin và Truyền thông là 02 Bộ có số Dịch vụ công trực tuyến cao nhất (số dịch vụ công trực tuyến tương ứng là 264 và 227; số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến tương ứng là 264 và 217). Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, UBND tỉnh Thanh Hóa và UBND tỉnh Hòa Bình là 02 tỉnh có số dịch vụ công trực tuyến cao nhất (số dịch vụ công trực tuyến ương ứng là 1.701 và 1.667; số thủ tục hành chính cung cấp dịch vụ công trực tuyến lần lượt là 1.700 và 1.648).
Năm 2024 dịch vụ công trực tuyến đã đạt 45,0%, tăng 28,0% so với 2023. Hạ tầng số, thuê bao di động sử dụng điện thoại thông minh đạt 89,8%; tỷ lệ gia đình sử dụng internet cáp quang băng thông rộng đạt 82,9%./.