Sau hơn 2 tháng được bầu giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026, Đại tướng Tô Lâm tiếp tục được Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tín nhiệm bầu làm Tổng Bí thư, với số phiếu tuyệt đối 100%.
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Hồng Quân (nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược Quốc phòng, nguyên Phó Cục trưởng Cục đối ngoại, Bộ Quốc phòng) cho rằng với sự tín nhiệm cao này, trọng trách đặt ra cho tân Tổng Bí thư không hề nhỏ.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhấn mạnh sự kỳ vọng vào công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực và xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo ông, đây cũng là điều mà toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang mong chờ, đặc biệt khi vừa qua, công cuộc “đốt lò” đã đạt được nhiều thành tựu rất lớn.
“Chúng ta đều mong công cuộc “đốt lò” này sẽ làm trong sạch Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ, thúc đẩy tinh thần hăng hái lao động, sản xuất để sẵn sàng ứng phó với những thách thức đang chờ đón phía trước”, ông Quân nói.
Mong muốn lớn nhất, theo ông, là thực hiện chiến lược “quốc phú – binh cường, nội yên – ngoại tĩnh” để giữ cho quốc thái – dân an.
Với những cán bộ được xác định có sai phạm, gây hậu quả ở nhiều mức khác nhau, ông Quân kỳ vọng Tổng Bí thư với vai trò là Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực, sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, có bước đi mạnh dạn và hiệu quả hơn nữa để “chống giặc nội xâm”.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân (Ảnh: Tiến Tuấn).
Ngay phiên họp Ban Chấp hành Trung ương chiều 3/8, có 4 Ủy viên Trung ương thôi chức do đã vi phạm các quy định của Đảng trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương và các quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
Theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, đây cũng là minh chứng rõ nét cho cam kết mà tân Tổng Bí thư nhấn mạnh tại cuộc họp báo sau khi được bầu, đó là sẽ tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai. Đó cũng là khẳng định cho thấy công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ không ngừng nghỉ, như lời tân Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân nhận định định hướng này là nền tảng, bước chuẩn bị quan trọng để xây dựng đội ngũ nhân sự cán bộ cấp chiến lược cho Đại hội Đảng XIV sắp tới.
“Công tác nhân sự cần kiên quyết, đổi mới hơn nữa, vì cán bộ là khâu then chốt của then chốt. Quy trình làm nhân sự có chặt chẽ mới tránh được những sai sót chúng ta đã vấp phải trong quá khứ”, ông Quân nêu quan điểm.
Trong thực hiện chính sách đối ngoại, theo Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân, cần ưu tiên tạo ra, củng cố và xây dựng môi trường hòa bình, ổn định đã có.
Nhấn mạnh bên cạnh thuận lợi vẫn còn rất nhiều thách thức, ông Quân ủng hộ quan điểm của tân Tổng Bí thư về việc Việt Nam cần giữ quan hệ cân bằng với các nước và phát triển chính sách đối ngoại với định hướng xây dựng, thúc đẩy và nâng cấp quan hệ với tất cả đối tác để nâng tầm vị thế đất nước,
Dẫn câu nói của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rằng “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân khẳng định đây cũng là một kỳ vọng lớn trong giai đoạn tới, nhưng cũng là thách thức, đòi hỏi chúng ta phải mạnh dạn đổi mới và quyết liệt hơn. “Điều này trông chờ rất lớn vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của tân Tổng Bí thư”, ông Quân nói.
Ngoài ra, tân Tổng Bí thư sẽ là người đồng thời giữ vai trò Bí thư Quân ủy Trung ương, do đó, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân kỳ vọng lãnh đạo Đảng sẽ tiếp tục sự nghiệp xây dựng lực lượng quân đội nhân dân chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, không chỉ để bảo vệ Tổ quốc mà còn góp phần tăng cường vị thế của đất nước.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp báo sau khi được Ban Chấp hành Trung ương tín nhiệm bầu giữ chức Tổng Bí thư (Ảnh: Tiến Tuấn).
Nhìn nhận về những áp lực, thách thức dành cho tân Tổng Bí thư, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho rằng áp lực đó đến từ đòi hỏi trong thực tiễn của đất nước. Áp lực đó cũng đến từ kỳ vọng của người dân vào một bộ máy lãnh đạo chủ chốt mà đứng đầu là Tổng Bí thư, làm sao vừa tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế đi lên để Việt Nam không bị tụt hậu so với các nước.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc (nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) khẳng định Đảng ta có truyền thống đoàn kết, thống nhất và luôn kế thừa thành quả, phát triển công việc của các thế hệ lãnh đạo đi trước.
Ông tin với tinh thần ấy, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm – người đã kinh qua thời gian dài công tác ở ngành công an với nhiệm vụ bảo vệ thành quả cách mạng kiên cường, bảo vệ Đảng, Nhà nước và nhân dân – sẽ kế thừa tốt di sản cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, trong đó nhiều thành quả quan trọng trong cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc cũng đặt niềm tin vào khẳng định của tân Tổng Bí thư về khí thế chống tham nhũng không ngừng nghỉ. Ông nhấn mạnh đây là xu thế tất yếu, bởi nếu không phòng chống tham nhũng, đó sẽ là trở ngại lớn cho sự phát triển của đất nước.
“Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của tân Tổng Bí thư, nhất định chặng tiếp theo công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ làm tốt hơn, có hiệu quả hơn và được toàn dân, toàn Đảng ủng hộ. Tôi có niềm tin rất vững chắc vào điều đó”, ông Phúc nói.
Ủng hộ định hướng ưu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trong việc chuẩn bị các công việc cho đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng, ông Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuẩn bị nhân sự.
Đây cũng là một trong những trọng tâm được tân Tổng Bí thư chia sẻ tại cuộc họp báo sau khi được bầu làm người đứng đầu Đảng, sáng 3/8.
Bài học về việc hàng loạt cán bộ cấp cao bị xử lý thời gian qua, theo ông Phúc, là một bước thanh lọc cán bộ để loại những người không xứng đáng ra khỏi bộ máy.
“Đó cũng là nền tảng để sắp tới Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lựa chọn cẩn trọng những nhân tố mới, đảm bảo sự lãnh đạo liên tục, vững chắc của Đảng”, ông Phúc kỳ vọng công tác nhân sự Đại hội XIV sẽ được thực hiện kỹ lưỡng, chắc chắn và quyết liệt hơn, bài bản hơn.
Nhắc đến Quy định 144 chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên giai đoạn mới, ông Phúc cho rằng trong chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV, cần chú ý chọn cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo quản lý trước hết phải chuẩn mực về đạo đức, bởi đó là “cái gốc”.
“Áp lực và gánh nặng này đặt lên vai Tiểu ban Nhân sự với vai trò lãnh đạo trực tiếp của tân Tổng Bí thư, và tôi có niềm tin những bài học về nhân sự trong khóa XIII sẽ được khắc phục để Đại hội Đảng khóa tới chọn được những cán bộ thực sự xứng đáng, xuất sắc và tiêu biểu”, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng kỳ vọng.
Dantri.com.vn
Nguồn:https://dantri.com.vn/xa-hoi/ky-vong-vao-tan-tong-bi-thu-to-lam-20240803215727085.htm