Những diễn ngôn “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” xuất hiện trong xã hội sau khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chủ trì họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV của Đảng vào chiều 13/8.
Để chuẩn bị tốt nhất dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIV, trên cơ sở tiếp tục quán triệt tư tưởng chỉ đạo cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh thêm một số nội dung trọng tâm.
Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu cần thống nhất nhận thức về khởi điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, từ đó có những đổi mới mạnh mẽ hơn nữa về hình thức và nội dung các văn kiện.
Từ thời điểm đó, trong các bài phát biểu, bài viết, người đứng đầu Đảng, Nhà nước thường xuyên nhắc đến các khái niệm “khởi điểm mới”, “kỷ nguyên mới”, “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.
TS Nguyễn Văn Đáng – Nhà nghiên cứu Quản trị công và chính sách (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng, ở bất kỳ quốc gia nào, những phát ngôn của vị lãnh đạo cao nhất đều được chú ý.
Ông Đáng cho rằng, cụm từ “kỷ nguyên” thường đề cập đến một khoảng thời gian khá dài, và được nhận biết bởi những đặc trưng nổi bật nào đó để phân biệt với các giai đoạn khác trong lịch sử của một đất nước, một dân tộc, hoặc một cộng đồng xã hội.
Nhà nghiên cứu nhận định, khi Tổng Bí thư Tô Lâm sử dụng cụm từ “kỷ nguyên mới” với hàm ý thời gian sắp tới có đặc trưng bởi những mục tiêu mới và quyết tâm mới. Đó là dân tộc Việt Nam vươn mình, nỗ lực hành động để thay đổi vị thế quốc gia.
“Dựa vào các văn kiện Đại hội Đảng gần đây thì có thể thấy, thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành “quốc gia phát triển” vào giữa thế kỷ XXI chính là một đặc điểm khác biệt so với các giai đoạn trước đây“, TS Nguyễn Văn Đáng nói.
Bàn luận thêm, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc – Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) cho hay, kỷ nguyên là một khái niệm thuộc khoa học lịch sử, dùng để chỉ một thời kỳ hay một thời đại lịch sử nhất định.
“Trong thời kỳ, thời đại ấy phải có các đặc điểm, đặc trưng nổi bật, có những nội dung lịch sử nổi bật chi phối sự phát triển của dân tộc, quốc gia đó, thậm chí là chi phối toàn thế giới thì gọi là “kỷ nguyên”. Khi dùng cụm từ “kỷ nguyên” ta cần phải hiểu rõ hơn nội dung của nó là gì, đặc điểm của nó là gì, đặc trưng của nó là gì?“, ông Phúc nói.
Ông Phúc dẫn thực tế sự thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, theo ông Phúc, chính là đặc điểm, đặc trung, nội dung của kỷ nguyên mới sau ngày 19/8/1945. “Kỷ nguyên này cũng đồng nghĩa với khái niệm thời đại Hồ Chí Minh“, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc khẳng định.
Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với CNXH bắt đầu với Bản Tuyên ngôn Độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 và các sự kiện: Chiến thắng Điện Biên Phủ 7/5/1954, Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4.
Ông Phúc cũng dẫn chứng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra kỷ nguyên mới cho sự phát triển trí tuệ của nhân loại. Kỷ nguyên này chi phối toàn bộ nhân loại chứ không phải chỉ riêng một vài quốc gia.
Trở lại với “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” mà Tổng Bí thư Tô Lâm và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước nhắc đến, ông Phúc cho rằng, Đại hội XIV sẽ chính thức sử dụng khái niệm này.
Tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đưa ra các mục tiêu chiến lược: Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp; Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
“Vậy sắp tới bước vào kỷ nguyên vươn mình thì mục tiêu chiến lược như Đại hội XIII nêu ra có còn phù hợp nữa không hay phải bổ sung thêm? Muốn vươn mình thì đầu tiêu chúng ta cần làm rõ mục tiêu, chuẩn cụ thể để có thể đạt được mục tiêu đó“, ông Phúc đặt vấn đề.
Cùng với những mục tiêu cụ thể, theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, để đất nước phát triển thật nhanh, thật mạnh thì phải tìm ra những đặc trưng của sự vươn mình: “Ví dụ như đặc trưng về chế độ chính trị sẽ thế nào, phải thật sự ưu việt do Đảng Cộng sản lãnh đạo; đặc trưng về trình độ phát triển kinh tế, quy mô của nền kinh tế, năng suất lao động, thu nhập bình quân… Trong các văn kiện trình Đại hội XIV phải thể hiện điều đó“.
Nhìn lại chặng đường gần 40 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, TS Nguyễn Văn Đáng khẳng định, Việt Nam không chỉ tiếp tục giữ vững sự ổn định chính trị trong bối cảnh thế giới đầy biến động, mà còn đồng thời gia tăng đáng kể quy mô của nền kinh tế, cải thiện rõ rệt về thu nhập và mức sống của người dân.
Bên cạnh đó, quan quan hệ ngoại giao hữu hảo với các quốc gia và tổ chức quốc tế, cũng như ngày càng tích cực tham gia giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu.
“Với thế và lực hiện tại, Việt Nam có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được, và đó cũng chính là cơ sở để chúng ta tự tin hướng đến những mục tiêu mới, cụ thể là trở thành một quốc gia phát triển và là một quốc gia quyền lực tầm trung trên bình diện toàn cầu“, ông Đáng nói.
Tuy nhiên, ông Đáng lưu ý, tiến trình phát triển của một số quốc gia trong khu vực cũng gợi ra rằng nếu không thể bứt phá trong thời gian sắp tới thì Việt Nam cũng sẽ rơi vào bẫy thu nhập trung bình, tức là sẽ mãi loay hoay, không thể gia nhập nhóm quốc gia phát triển.
Cũng có nghĩa, nếu dân tộc Việt Nam không thể vươn mình thì chúng ta sẽ không thể vượt qua “vũng lầy” là bẫy thu nhập trung bình, không thể hiện thực hóa mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao như Đảng đã đề ra từ Đại hội XIII.
Đứng trước mục tiêu mới, tầm nhìn lãnh đạo đến năm 2045, ông Đáng cho rằng vai trò lãnh đạo của Đảng là vô cùng quan trọng.
“Cần một chủ thể để dẫn dắt mọi lực lượng xã hội, tập trung nguồn lực để chuyển hóa thành động lực cho sự phát triển. Cụ thể hơn nữa là vai trò của cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược – là những nhà lãnh đạo chính trị thực sự cháy bỏng, khát vọng cho lợi ích chung của quốc gia, dân tộc chứ không phải chỉ làm tròn vai của một cán bộ công chức“, ông Đáng nhấn mạnh.
Theo TS Nguyễn Văn Đáng, chính lực lượng lãnh đạo chính trị đó sẽ là “cỗ máy cái” lan tỏa, truyền cảm hứng, động lực cho các lực lượng khác, từ đó kiến tạo được sự đoàn kết trước hết trong Đảng và rộng hơn là toàn xã hội.
Cùng tâm niệm, ông Nguyễn Đức Hà (nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương) nêu rõ, hơn 94 năm qua, thực tiễn đã chứng minh sự lãnh đạo sáng suốt, đúng đắn của Đảng Cộng sản là nhân tố hàng đầu quyết định sự thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Ông Hà nhấn mạnh, nhờ sự lãnh đạo của Đảng mới phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước của 100 triệu dân.
“Đây là sức mạnh vô biên để đất nước có thể vươn mình đứng dậy. Và chúng ta có cũng phải kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa, lịch sử vô cùng tốt đẹp nhưng lại rất riêng của Việt Nam. Đây không chỉ là động lực, sức mạnh về tinh thần mà nó trở thành sức mạnh vật chất rất to lớn“, ông Hà nói.
Truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc mà ông Nguyễn Đức Hà nhắc đến được PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc làm rõ thêm, đó là tinh thần yêu nước, khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, niềm tin vào sự nghiệp chính nghĩa trong cách mạng giải phóng dân tộc và kháng chiến chống xâm lược.
Rồi đến chặng đường đổi mới vừa qua chính là khát vọng thoát khỏi đói nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.
Và để bảo đảm cho sự phát triển mạnh mẽ để Đại hội XIV thật sự mở ra kỷ nguyên mới của đất nước và dân tộc, ông Phúc cho rằng, cần nhận rõ những động lực mới để phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Động lực đó là lực lượng sản xuất hiện đại tạo ra năng suất lao động cao; là kinh tế tri thức, ứng dụng cao nhất thành quả khoa học, công nghệ; là nguồn nhân lực chất lượng cao; là nền văn hóa mới – vừa là nền tảng vừa là động lực của sự phát triển; là tầm nhìn chiến lược của Đảng lãnh đạo, cầm quyền và sức sáng tạo của nhân dân; là lợi ích của quốc gia, dân tộc và tự tin, tự hào, tự tôn dân tộc.
Vtcnews.vn
Nguồn:https://vtcnews.vn/ky-nguyen-vuon-minh-nhan-thuc-moi-quyet-tam-moi-cua-nguoi-dung-dau-dang-ar904456.html