Ban Chỉ đạo (BCĐ) của tỉnh về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW đã xây dựng Kế hoạch thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy (TCBM) của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã ban hành Kế hoạch số 01-KH/BCĐ, ngày 11/12/2024 về thực hiện việc sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trên địa bàn tỉnh.
Kế hoạch xác định quyết tâm chính trị cao nhất trong triển khai chủ trương của Bộ Chính trị về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và sắp xếp, hoàn thiện TCBM của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn TCBM gắn với cơ cấu lại và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ, có biên chế hợp lý. Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ thực chất, vì việc bố trí người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện. BCĐ, cơ quan Thường trực của BCĐ phải chủ động, không chờ đợi các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị. Bám sát các nội dung Kế hoạch của BCĐ để triển khai thực hiện nhiệm vụ được phân công, đảm bảo tiến độ và chất lượng.
Việc sắp xếp TCBM của hệ thống chính trị của tỉnh cần tiến hành khách quan, dân chủ, khoa học, cụ thể, sâu sắc, cầu thị, sát đúng với tình hình thực tiễn, bám sát các nghị quyết, các văn bản chỉ đạo của Trung ương; tạo sự thống nhất cao trong hệ thống chính trị về nhận thức và hành động trong quá trình tổ chức thực hiện. Bộ máy mới phải tốt hơn bộ máy cũ và đi vào hoạt động ngay, không để ngắt quãng công việc, không để khoảng trống về thời gian, không để bỏ trống địa bàn, lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân. Bám sát định hướng sắp xếp theo yêu cầu của BCĐ Trung ương về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Thực hiện nghiêm nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc, một việc chỉ giao một cơ quan chủ trì và chịu trách nhiệm chính, khắc phục triệt để tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, chia cắt về địa bàn, lĩnh vực. Sắp xếp cơ cấu lại tổ chức bên trong của các cơ quan, đơn vị đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và gắn với tinh giản biên chế.
Định hướng, phương án, sắp xếp
1. Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng
– Kết thúc hoạt động của Đảng đoàn, Ban Cán sự Đảng, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh; lập 2 đảng bộ trực thuộc cấp ủy cấp tỉnh, cụ thể: (1) Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể, HĐND, Tư pháp cấp tỉnh, gồm: Các tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị của Đảng, HĐND, MTTQ, các tổ chức chính trị – xã hội (CT-XH), Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, các hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ cấp tỉnh.
Đảng ủy cơ quan Đảng, Đoàn thể, HĐND, Tư pháp cấp tỉnh gồm: Ban Chấp hành (BCH), Ban Thường vụ (BTV), Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy làm Bí thư, 1 đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy làm Phó Bí thư, có thể bố trí 1 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách; đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, Trưởng các Ban Đảng cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tham gia BTV Đảng ủy.
BTV Tỉnh ủy chỉ định nhân sự BCH, BTV, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy cơ quan Đảng, Đoàn thể, HĐND, Tư pháp cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025. Đảng bộ cơ quan Đảng, Đoàn thể, HĐND, Tư pháp cấp tỉnh dự kiến có 4 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan cấp ủy cấp tỉnh, gồm: Ban Tổ chức, cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo – Dân vận, Văn phòng.
(2) Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh, gồm: Các tổ chức đảng trong các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND cấp tỉnh, một số doanh nghiệp Nhà nước (tùy theo quy mô, tính chất quan trọng của đảng bộ doanh nghiệp). Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh gồm BCH, BTV, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh làm Bí thư; 1 đồng chí Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Phó Bí thư, có thể bố trí 1 đồng chí Phó Bí thư Đảng ủy chuyên trách; các đồng chí Phó Chủ tịch và một số thành viên UBND tỉnh tham gia BTV Đảng ủy. BTV Tỉnh ủy chỉ định nhân sự BCH, BTV, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy chính quyền cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020 – 2025; Ban Bí thư quy định BTV thực hiện chức năng, nhiệm vụ như của Ban Cán sự Đảng UBND cấp tỉnh hiện nay.
Đảng bộ chính quyền cấp tỉnh dự kiến có 4 cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc đặt tại cơ quan UBND cấp tỉnh, gồm: Ban Tổ chức, cơ quan Ủy ban Kiểm tra, Ban Tuyên giáo – Dân vận, Văn phòng.
Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm: 3 Ban Cán sự, 8 Đảng đoàn trực thuộc Tỉnh ủy; tăng 1 đảng ủy trực thuộc.
2. Đối với cấp tỉnh
a) Cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức CT-XH: Duy trì 12 cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức CT-XH.
+ Các cơ quan Đảng gồm: (1) Ban Tổ chức, (2) Ủy ban Kiểm tra, (3) Ban Nội chính, (4) Văn phòng, (5) Trường Chính trị, (6) Báo Hòa Bình.
+ MTTQ và các tổ chức CT-XH: (1) Ủy ban MTTQ, (2) Hội Liên hiệp Phụ nữ, (3) Hội Nông dân, (4) Hội Cựu chiến binh, (5) Liên đoàn lao động, (6) Tỉnh Đoàn.
– Định hướng sắp xếp: Sáp nhập Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và Ban Dân vận Tỉnh ủy.
Thực hiện phương án này tối thiểu sẽ giảm: 01 cơ quan đảng.
b) Các Ban của HĐND tỉnh
– Duy trì 02 Ban của HĐND tỉnh: Ban Kinh tế Ngân sách và Ban Pháp chế.
– Định hướng sắp xếp: Hợp nhất Ban Văn hóa – Xã hội và Ban Dân tộc.
Thực hiện phương án này, giảm được 01 ban của HĐND tỉnh.
c) Các sở, ngành trực thuộc UBND tỉnh
– Duy trì 05 sở, ngành (có sắp xếp, tinh gọn TCBM bên trong): (1) Văn phòng UBND tỉnh; (2) Sở Tư pháp; (3) Sở Công Thương; (4) Thanh tra tỉnh; (5) Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh.
– Định hướng sắp xếp:
+ Hợp nhất Sở Kế hoạch và Đầu tư và Sở Tài chính.
+ Hợp nhất Sở Giao thông Vận tải và Sở Xây dựng.
+ Hợp nhất Sở Tài nguyên và Môi trường và Sở NN&PTNT.
+ Hợp nhất Sở Thông tin và Truyền thông và Sở Khoa học và Công nghệ.
+ Hợp nhất Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và Sở Nội vụ, chuyển chức năng quản lý nhà nước (QLNN) về giáo dục nghề nghiệp sang Sở GD&ĐT, chuyển chức năng QLNN về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội sang Sở Y tế.
+ Sở Nội vụ: Chuyển nhiệm vụ QLNN về tôn giáo sang Ban Dân tộc tỉnh.
+ Sở Y tế: Tiếp nhận QLNN về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Sở LĐ-TB&XH.
+ Ban Dân tộc: Tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ QLNN về công tác giảm nghèo từ Sở LĐ-TB&XH; tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ QLNN về tôn giáo từ Sở Nội vụ. Đổi tên thành Ban Dân tộc – Tôn giáo tỉnh.
+ Sở GD&ĐT: Tiếp nhận chức năng QLNN về giáo dục nghề nghiệp từ Sở LĐ-TB&XH.
Thực hiện phương án này, giảm được 5 Sở trực thuộc UBND tỉnh.
d) Đối với các cơ quan, đơn vị khác thuộc UBND tỉnh
Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, đề xuất phương án sắp xếp (nếu có) với BCĐ tỉnh.
3. Đối với các huyện, thành phố
a) Đối với tổ chức đảng
Giao BTV Huyện ủy, Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sắp xếp đảm bảo tinh gọn về tổ chức, phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương.
b) Cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức CT-XH
– Duy trì 10 cơ quan Đảng, MTTQ và các tổ chức CT-XH.
+ Các cơ quan Đảng gồm: (1) Ban Tổ chức, (2) Ủy ban Kiểm tra, (3) Văn phòng, (4) Trung tâm Chính trị.
+ MTTQ và các tổ chức CT-XH: (1) Ủy ban MTTQ, (2) Hội Liên hiệp Phụ nữ, (3) Hội Nông dân, (4) Hội Cựu chiến binh, (5) Liên đoàn Lao động, (6) Huyện Đoàn.
– Định hướng sắp xếp: Sáp nhập Ban Tuyên giáo Huyện ủy và Ban Dân vận Huyện ủy.
c) Các phòng chuyên môn thuộc UBND các huyện, thành phố
– Định hướng chung:
+ Hợp nhất Phòng LĐ-TB&XH và Phòng Nội vụ.
+ Chuyển chức năng QLNN về tôn giáo từ Phòng Nội vụ và chức năng về giảm nghèo từ Phòng LĐ-TB&XH sang Phòng Dân tộc.
+ Chuyển chức năng QLNN về giáo dục nghề nghiệp từ Phòng LĐ-TB&XH sang Phòng GD&ĐT.
+ Chuyển chức năng QLNN về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội từ Phòng LĐ-TB&XH sang Văn phòng HĐND&UBND huyện; riêng đối với thành phố Hoà Bình chuyển về Phòng Y tế.
+ Chuyển chức năng QLNN về khoa học công nghệ từ Phòng Kinh tế sang Phòng Văn hoá và Thông tin.
– Định hướng cụ thể:
+ Đối với UBND thành phố Hoà Bình: (i) Hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị thành phòng Kinh tế và Hạ tầng; (ii) Chuyển chức năng QLNN thuộc lĩnh vực NN&PTNT từ Phòng Kinh tế sang Phòng Tài nguyên và Môi trường thành Phòng Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
+ Đối với UBND huyện Lương Sơn: (i) Hợp nhất Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị thành Phòng Kinh tế và Hạ tầng; (ii) Hợp nhất Phòng NN&PTNT và Phòng Tài nguyên và Môi trường thành Phòng Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
+ Đối với các huyện còn lại: Hợp nhất Phòng NN&PTNT và Phòng Tài nguyên và Môi trường thành Phòng Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường.
Thực hiện phương án này, mỗi huyện giảm được 1 cơ quan Đảng; 2 phòng trực thuộc UBND huyện.
BCĐ yêu cầu: Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị lãnh đạo, chỉ đạo chủ động rà soát, đề xuất, sắp xếp tinh gọn TCBM, biên chế trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi, lĩnh vực lãnh đạo, quản lý. Xây dựng dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, TCBM, mối quan hệ công tác, quy chế làm việc của cấp ủy đảng. Thực hiện tốt công tác chính trị tư tưởng và chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi lãnh đạo khi thực hiện sắp xếp tinh gọn TCBM.
L.C (T.H)
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/11/196625/Ke-hoach-sap-xep-to-chuc-bo-may-cua-he-thong-chinh-tri-tinh-gon,-hoat-dong-hieu-luc,-hieu-qua-tren-dia-ban-tinh-Hoa-Binh-.htm