Trong tháng 9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch tổ chức Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai năm 2024, với mục tiêu thúc đẩy phát triển sản xuất ngành thủy sản và các sản phẩm từ cá tôm sông Đà; đẩy mạnh quảng bá, khẳng định thương hiệu có bản quyền gắn với sản phẩm hai nhãn hiệu đặc sản “Tôm sông Đà Hòa Bình” và “Cá sông Đà Hòa Bình”. Đồng thời thông qua Lễ hội giới thiệu hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ Hòa Bình nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong và ngoài nước đến với tỉnh Hòa Bình.
Hồ Hòa Bình với diện tích rộng lớn, là nơi nuôi trồng thủy sản lý tưởng
Theo đó, yêu cầu lễ hội phải được chuẩn bị chu đáo, đảm bảo công tác an toàn về an ninh trật tự, giao thông an toàn và thông suốt, phòng chống cháy nổ, đảm bảo cảnh quan đô thị, vệ sinh môi trường và vệ sinh thực phẩm trong và ngoài các khu vực tổ chức các hoạt động của Lễ hội. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng quảng bá rộng rãi các hoạt động của Lễ hội nhằm thu hút được nhiều du khách đến tham quan, du lịch, trải nghiệm; các doanh nghiệp đến đầu tư cho các ngành hàng về nông nghiệp và du lịch của tỉnh. Đưa Lễ hội cá tôm sông Đà thành một sự kiện nổi bật, hướng dần đến quy mô lớn hơn nhằm nâng tầm giá trị nghề nuôi trồng thủy sản, tạo ra sản phẩm đặc trưng của du lịch Hoà Bình.
Khách du lịch thư giãn trên hồ Hòa Bình
Thời gian dự kiến tổ chức các sự kiện từ 25/10 đến 4/11 bao gồm các nội dung tại các địa điểm sau: (1) Ngày 25/10, tổ chức Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà tổ chức tại khu vực hạ lưu sông Đà (Địa chỉ: Vườn hoa phố đi bộ, đường Đà Giang, P. Phương Lâm, TP. Hòa Bình – cách chân cầu 1: 200m). (2) Từ 30/10-4/11, triển lãm, trưng bày các gian hàng giới thiệu sản phẩm cá tôm sông Đà, các gian hàng sản phẩm nông nghiệp đặc hữu, sản phẩm OCOP, thương mại tổng hợp tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh Hòa Bình. (3) 20h ngày 30/10, khai mạc Lễ hội cá tôm sông Đà tỉnh Hòa Bình lần thứ hai năm 2024 tổ chức tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh Hòa Bình. (4) Ngày 31/10, tổ chức Giải thi câu thể thao trên lòng hồ Hòa Bình gắn với quảng bá văn hóa và giới thiệu cảnh quan du lịch hồ Hòa Bình tổ chức tại khu vực Cảng Ba cấp, thành phố Hòa Bình. (5) ngày 31/10, tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản trên hồ chứa thủy điện Hòa Bình tổ chức tại khu vực Cảng Ba cấp, thành phố Hòa Bình. (6) 20h ngày 4/11/2024, bế mạc Lễ hội tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm tỉnh Hòa Bình.
Một trang trại nuôi cá lồng trên hồ Hòa Bình (Ảnh: Báo Lao Động)
Với diện tích mặt nước lớn, vùng lòng hồ sông Đà được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng khác biệt, lợi thế so sánh của tỉnh Hòa Bình. thủy sản đã đóng góp tỷ trọng khá cao trong tăng trưởng ngành nông nghiệp; trong đó chủ yếu là nghề nuôi cá lồng trên sông Đà. Hiện nay, toàn tỉnh Hòa Bình có 2.700ha diện tích mặt nước với 4.940 lồng nuôi cá. Sản lượng thu hoạch ước đạt 9.210 nghìn tấn/năm. Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp chứng nhận nhãn hiệu đặc sản “Cá Sông Đà-Hòa Bình” và “Tôm Sông Đà-Hòa Bình.” cùng với phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh Hòa Bình có nền văn hóa đậm bản sắc dân tộc, tiêu biểu nhất là nền văn hóa Mường với các di sản nổi tiếng; văn hóa ẩm thực đa dạng, phong phú, nhiều sản vật địa phương nổi tiếng và có nhiều điểm du lịch tiềm năng.
Đặc biệt là Khu Du lịch Hồ Hòa Bình đã được quy hoạch là một trong những Khu Du lịch Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Lễ hội các tôm sông Đà lần thư hai góp phần giới thiệu hình ảnh ấn tượng về tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan và bản sắc văn hóa truyền thống của tỉnh Hòa Bình nói chung, khu du lịch vùng hồ sông Đà nói riêng, góp phần kích cầu phát triển du lịch và thu hút mở rộng thị trường khách du lịch trong, ngoài nước.
Nguồn: https://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/du-lich/2495-ka-hoa-ch-hoa-ch-ta-cha-c-la-ha-i-ca-ta-m-sa-ng-a-ta-nh-ha-a-ba-nh-la-n-tha-hai-n-m-2024