Ngày 30/7/2024, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo “Xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam”. Tham dự Hội thảo có đồng chí Nguyễn Lê Phúc – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, chủ trì Hội nghị; Lãnh đạo Viện Khoa học công nghệ môi trường, Bộ VHTTDL; Viện Văn học nghệ thuật Quốc gia, Bộ VHTTDL; Học viện Dân tộc; các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh: Hậu Giang, Bình Định, Hòa Bình, Hưng Yên, Hà Giang, Thái Nguyên và các doanh nghiệp, chuyên gia hoạt động liên quan đến lĩnh vực du lịch, kinh tế và xây dựng nông thôn mới. Đồng chí Bùi Xuân Trường, Phó giám đốc Sở VHTT&DL Hòa Bình đã tham dự hội thảo.
Đồng chí Nguyễn Lê Phúc – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam
Phát biểu tại Hội thảo đồng chí Nguyễn Lê Phúc – Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam nhấn mạnh xây dựng nông thôn mới là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch tại các vùng nông thôn, trong đó có du lịch cộng đồng, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số góp phần thực hiện thắng lợi các chương trình mục tiêu quốc gia, cải thiện các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội tại khu vực nông thôn. Hoạt động du lịch cộng đồng gắn liền với nông thôn mới sẽ tận dụng được những hạ tầng sẵn có, giúp người dân ý thức hơn trong việc bảo tồn bản sắc, văn hóa truyền thống và môi trường sống của họ, đáp ứng nhu cầu của đất nước.
Khách du lịch tham quan bản Lác, Mai Châu, Hòa Bình
Tại Việt Nam những năm qua, sự phát triển của du lịch cộng đồng có chiều hướng “tăng trưởng nóng”. Nhiều địa phương đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội và từ thế mạnh sẵn có về bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên, cảnh quan, môi trường đã tập trung phát triển mô hình du lịch cộng đồng với nhiều nội dung đa dạng, hấp dẫn. Tiêu biểu có thể kể đến tỉnh Lào Cai với các địa điểm du lịch cộng đồng như bản Cát Cát, bản Dền, bản Hồ ở Sa Pa, Sơn La với cao nguyên Mộc Châu, Hòa Bình với bản Lác, TP Đà Nẵng với làng chài Nam Ô, Quảng Nam với Hội An…Theo thống kê của Tổng cục Du lịch Việt Nam (Nay là Cục Quốc gia Việt Nam), mô hình du lịch cộng đồng hiện đã mở rộng ra trên cả nước, với khoảng 300 làng, bản, buôn, thôn, xóm có hoạt động loại hình này. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang rất lúng túng khi phát triển du lịch cộng đồng. Hầu hết người dân tự tìm lối đi, mỗi nơi phát triển một kiểu, mạnh ai nấy làm, nhỏ lẻ thiếu bền vững. Ở một số địa phương, chưa chú trọng đến công tác quy hoạch, quản lý mô hình, dẫn đến tình trạng, hộ dân vì lợi ích kinh tế mà phát triển ồ ạt…Du lịch phát triển đã tạo ra sinh kế mới góp phần làm thay đổi cuộc sống của người dân bản địa. Một bộ phận dân cư trở nên khá giả hơn, được tiếp cận với nhiều tiện ích của cuộc sống. Nhưng đi cùng với đó là những xáo trộn và tác động mạnh mẽ vào lối sống và bản sắc văn hóa cộng đồng.
Du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống
Sự tác động của du lịch tới văn hóa và xã hội là không tránh khỏi. Trong đó, tác động tích cực được thể hiện rõ ở các mặt như nâng cấp cơ sở hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận các tiện ích về thông tin, truyền thông; xây dựng năng lực và giáo dục; trao quyền; đẩy mạnh các thiết chế cộng đồng; công bằng giới; tăng giá trị văn hóa; cải thiện bảo tồn và khôi phục các điểm di sản văn hóa; bán sản phẩm thủ công địa phương, tăng niềm tự hào và niềm tin cho người dân địa phương… Tuy nhiên, tác động tiêu cực cũng không phải ít, thể hiện ở việc mất tài nguyên; xói mòn giá trị văn hóa, xã hội địa phương; tội phạm, mại dâm và bóc lột trẻ em; gây thù ghét của người dân địa phương khi không được hưởng thụ du lịch và tiện nghi cũng như khi thấy chênh lệch về sự giàu có của khách du lịch…Để giảm thiểu những tác động tiêu cực của du lịch và tăng cường tác động tích cực thì sự tham gia của địa phương là sợi chỉ xuyên suốt. Điều đó thể hiện qua việc hoạch định, đánh giá tác động và giám sát, cam kết của các bên liên quan, nhất là cộng tác, tôn trọng và phân phối lợi ích công bằng cho người dân địa phương và khuyến khích đa dạng văn hóa xã hội.
Tại Hội thảo đã được nghe đại diện Cục Du lịch quốc gia Việt Nam trình bày dự thảo bộ tiêu chí và đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới tại Việt Nam. Trong đó bộ tiêu chí được xây dựng với 60 chỉ tiêu thuộc 05 nhóm: Nhóm tiêu chí phát triển kinh tế và phúc lợi xã hội; nhóm tiêu chí Quản lý và sở hữu cộng đồng; nhóm tiêu chí khuyến khích sự tương tác giữa cộng đồng địa phương với khách du lịch; nhóm tiêu chí liên quan đến chất lượng về cơ sở hạ tầng dịch vụ của các hoạt động trong du lịch cộng đồng; nhóm chỉ tiêu bảo tồn và cả thiện môi trường.
Hội thảo đã được nghe 10 ý kiến tham gia góp ý xây dựng bộ tiêu chí bộ tiêu chí và đề xuất giải pháp phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn. Trong đó có 04 ý kiến của các nhà khoa học, 05 ý kiến của các cơ quan quản lý và 01 ý kiến của doanh nghiệp hoạt động du lịch. Các tham luận trình bày tại hội thảo đều đồng tình và thấy sự cần thiết xây dựng bộ tiêu chí, tuy nhiên bộ tiêu chí cần xác định rõ mục tiêu, mục đích của việc xây dựng các tiêu chí và chưa có thang đo cho việc xây và chưa có tiêu chí bảo tồn giá trị Văn hóa truyền thống. Các tiêu chí quá nhiều cần đơn gian hơn nữa để khi áp dụng vào thực tiễn có tính khả thi cao.
Nguồn: https://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/du-lich/2428-ha-i-tha-o-a-xa-y-da-ng-ba-tia-u-cha-va-a-xua-t-gia-i-pha-p-pha-t-tria-n-du-la-ch-ca-ng-a-ng-ga-n-va-i-xa-y-da-ng-na-ng-tha-n-ma-i-ta-i-via-t-nama