Sáng 5/8, Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam vinh dự đăng cai tổ chức Hội nghị Ban chấp hành Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới lần thứ 43 và Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp Văn hóa” tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.
Quang cảnh Hội nghị
Hội nghị có sự tham dự của Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên mặc nhiên BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới; ông Bolat Akchulakov, Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Thế giới, Cố vấn của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan, Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Kazakhsta; ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên TW Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Ban Tuyên Giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Bà Assel Utegenova – đại diện Ban Châu phi và Quan hệ đối ngoại của tổ chức UNESCO; Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đai biểu Quốc hội khóa XV; Ông Vũ Minh Đạo, Vụ trưởng Vụ Văn hoá, Giáo dục thuộc Ủy ban văn hóa, giáo dục của Quốc hội; Bà Nguyễn Thị Hà, Đại biểu quốc hội tỉnh Bắc Ninh, ủy viên Ủy ban Văn hóa Giáo dục… Cùng nhiều đại biểu đại diện lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương và địa phương.
Ông Bolat Akchulakov, Chủ tịch Liên hiệp UNESCO Thế giới, Cố vấn của Tổng thống Cộng hòa Kazakhstan, Nguyên Bộ trưởng Năng lượng Kazakhsta phát biểu tại sự kiện.
Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO với Công nghiệp văn hóa” là sự kiện quan trọng trong lĩnh vực kinh tế và văn hóa nói chung, tạo cơ hội cho các nhà lãnh đạo, chuyên gia, doanh nghiệp và cá nhân trong nước cũng như trên thế giới kết nối, gặp gỡ, trao đổi ý kiến, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm xây dựng văn hóa doanh nghiệp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Tại hội nghị Ban chấp hành, các quốc gia thành viên của WFUCA báo cáo, tổng kết, đánh giá các hoạt động thực thi trong giai đoạn 2023-2024; thông qua, sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Liên hiệp các hội UNESCO Thế giới; bầu các vị trí lãnh đạo của nhiệm kỳ mới và thảo luận một số nội dung liên quan đến công tác chuẩn bị tổ chức Hội nghị lần thứ 44.
Điểm nhấn đáng chú ý của Hội nghị năm nay là việc các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.
Hội nghị có sự tham dự của Nhà ngoại giao, nhà báo Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên mặc nhiên BCH Liên hiệp các Hội UNESCO Thế giới
Kết thúc hội nghị, các quốc gia thành viên đã đưa ra Tuyên ngôn Hạ Long về “Kinh tế sáng tạo – Kết nối Văn hoá vì Hoà bình và Phát triển bền vững”. Bản tuyên ngôn cam kết thúc đẩy các mô hình kinh tế trên cơ sở công bằng và bền vững, nâng cao chất lượng sống của mọi thành viên cộng đồng; ủng hộ các chính sách kinh tế thân thiện với môi trường và xã hội, đảm bảo rằng sự phát triển không gây hại đến các thế hệ tương lai; bảo vệ và bảo tồn các di sản văn hoá, thúc đẩy những sáng kiến biến các di sản này thành tài sản phục vụ cho sự phát triển và gia tăng hạnh phúc của nhân loại; tôn trọng và khuyến khích sự đa dạng văn hoá, coi việc thấu hiểu và tôn trọng giữa các nền văn hóa là tiền đề của hòa bình và thịnh vượng.
Năm 2024 cũng ghi dấu một thập kỷ kể từ khi TW Ðảng ban hành Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị TW 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Từ nghị quyết nói trên, công nghiệp văn hóa không chỉ là nguồn lực tạo ra giá trị kinh tế, góp phần truyền bá di sản văn hóa của một quốc gia mà còn đóng vai trò quan trọng trong chương trình nghị sự cũng như hoạt động của Phong trào UNESCO trên toàn thế giới. Thông qua các chương trình, dự án, Phong trào UNESCO tạo ra sự hiểu biết, tôn trọng giữa các quốc gia, đảm bảo sự phát triển bền vững và trao truyền các giá trị văn hóa tới tương lai.
Ông Lê Quốc Minh, Uỷ viên TW Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Ban Tuyên Giáo TW, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam phát biểu tại hội nghị.
Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” nhằm đánh giá những thành tựu, đóng góp của phong trào UNESCO trong việc thúc đẩy và phát triển công nghiệp văn hóa trong những năm qua, tái khẳng định vai trò và nỗ lực bền bỉ của mạng lưới phong trào UNESCO sau hàng thập kỷ miệt mài thúc đầy sự phát triển của văn hóa, và khuyến khích, kêu gọi các hiệp hội và câu lạc bộ UNESCO trên toàn thế giới tăng cường hơn nữa sự tham gia đóng góp vào việc định hình tương lai của ngành công nghiệp văn hóa.
Cũng tại sự kiện, Hội đồng các giá trị văn hoá của Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam đã tặng bằng khen, chứng nhận cho các cá nhân, tổ chức có nhiều đóng góp cho các phong trào UNESCO, phát huy các giá trị di sản văn hoá trong lĩnh vực mình hoạt động.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng Ban công tác Đại biểu thuộc Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Đai biểu Quốc hội khóa XV phát biểu.
Cơ hội học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các tổ chức, doanh nghiệp được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam nhận thức là chìa khóa để tăng cường kết nối trong bối cảnh ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển mạnh mẽ; với sự đa dạng về sản phẩm và dịch vụ, sự phát triển của nhân sự, sự hỗ trợ từ chính phủ và các tổ chức, sự phát triển của công nghệ, truyền thông, cũng như sự tăng cường hợp tác và kết nối trong các lĩnh vực liên quan. Bằng cách hợp tác và kết nối với nhau, các cá nhân, doanh nghiệp có thể tăng cường sức mạnh và tiềm năng trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa, chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm và kiến thức để kiến tạo vận hội cũng như đối mặt với các thách thức hiệu quả hơn.
Hội nghị kỳ vọng đóng góp hành động tích cực và ý nghĩa trong việc xây dựng tương lai của ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam, tái khẳng định vai trò và nỗ lực bền bỉ của Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam sau hàng thập kỷ miệt mài đóng góp, thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp văn hóa, tạo ra môi trường thuận lợi cho hợp tác quốc tế, đặc biệt, khẳng định vai trò của quốc gia trong việc bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa nhân loại.
Vietnam.vn