Tối 18/11, tại Quảng trường Hòa Bình (TP Hòa Bình) đã diễn ra chương trình “Đêm hội rượu cần” tỉnh Hoà Bình năm 2024. Tới dự có đồng chí Bùi Văn Tỉnh, nguyên Uỷ viên BCH T.Ư Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh uỷ; các đồng chí trong Ban Tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cùng đông đảo người dân và du khách.
Các thầy mo thực hiện nghi lễ cúng và mời rượu của bốn Mường.
“Đêm hội rượu cần” là một trong những nội dung chính, đặc sắc nhất của Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024. Về với “Đêm hội rượu cần” là về với cội nguồn của nền văn hoá Hoà Bình rực rỡ. Mở đầu Chương trình bằng màn khai từ trống hội và hát múa rực rỡ “Mường ta mở hội”. Tiết mục do các nghệ nhân 4 Mường (Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Động), các dân tộc Mường,Thái, Tày, Mông. Dao và dân tộc Kinh của tỉnh Hoà Bình biểu diễn.
Phát biểu khai mạc, đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định: Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, đến nay, văn hóa rượu cần của người Mường Hòa Bình đã được đông đảo người dân cả nước biết đến và đón nhận. Rượu cần trở thành “sứ giả” văn hóa, du lịch hấp dẫn kỳ lạ của núi rừng Hoà Bình đối với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, rượu cần của người Mường Hòa Bình được Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam vinh danh là 1 trong 121 đồ ăn, thức uống tiêu biểu của Việt Nam. Với mong muốn tiếp tục quảng bá, giới thiệu giá trị độc đáo của văn hóa rượu cần của người Mường tới du khách trong nước và quốc tế, Ban Tổ chức Tuần Văn hóa – Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024 tổ chức Chương trình “Đêm hội rượu cần”. Thông qua Chương trình Ban tổ chức mong muốn khơi dậy khát vọng, lòng tự hào về các di sản văn hóa quý báu của mỗi dân tộc. Đây còn là không gian văn hóa để các nghệ nhân của bốn Mường (Bi, Vang, Thàng, Động) giới thiệu về thức uống độc đáo, mang sứ mệnh kết nối giữa con người với thiên thiên và giữa con người với con người.
Các đại biểu, nghệ nhân và du khách thưởng thức rượu cần.
Chương trình Đêm hội rượu cần gồm các phần: Tiết mục mở màn “Hòa tấu trống hội đất Mường”; Kể chuyện đất Mường, sự tích rượu cần; lễ mời rượu của bốn Mường và vào hội rượu cần. Trong đêm hội rượu cần, Nhân dân và du khách tham dự được thưởng thức các tiết mục hát múa đậm đà bản sắc, hoạt cảnh vào hội, các chú Trám triển khai thao tác vò rượu cần, hoạt cảnh tái hiện trò chơi dân gian, các cuộc thi có kẻ được, người thua và khán giả reo hò náo nhiệt.
Rượu Cần là loại đồ uống đặc sắc của dân tộc Mường. Nguyên liệu đồ rượu cần gồm gạo nếp, trấu và men rượu. Gạo nếp được ngâm qua một đêm để mềm, trấu thì phải rửa thật sạch, phơi khô sau đó trộn đều tất cả gạo, trấu với nhau cho vào đồ. Sau khi đồ chín gạo thành cơm thì cho ra để nguội rồi mới trộn men vào và tiếp tục ủ một đêm để lên men. Người trộn men phải làm sao cho men thật đều, ngấm vào từng hạt cơm, hạt trấu. Làm như vậy rượu mới dùng được lâu. Khi rượu lên men thành công thì người ta sẽ cho vào vò ủ rượu chờ đến lúc uống được. Vò ủ phải được đậy kín để tránh không khí làm hỏng rượu. Vào mùa nóng thì chỉ khoảng 20 ngày là chất rượu đã ngọt nhưng mùa lạnh thì phải hơn một tháng mới có thể dùng được. Khi uống rượu cần, mọi người ngồi quây quần xung quanh vò rượu nhưng vẫn theo thứ tự trên dưới của quan hệ tuổi tác, họ hàng. Người vai cao tuổi ngồi trên, vai thấp ngồi dưới. Họ phải làm như thế nào để cuộc rượu thật vui, cho đẹp lòng chủ nhà. Họ quan niệm: “Rượu ở trong nhà là rượu của chủ, còn rượu đã mang ra uống giữa nhà là rượu của khách. Khách phải có bổn phận làm vui cho chủ nhà”. Tục uống rượu cần thể hiện cách uống rượu theo hội, nhóm sum vầy. Mọi người cùng vui cái vui của phong tục bản Mường. Nếu có khách, chủ nhà trải chiếu vuông vắn giữa sàn rồi bưng vò rượu đặt chính giữa chiếu sau đó mời tất cả những người có mặt trong nhà ngồi vòng quanh. Sau những lời hỏi thăm sức khoẻ gia đình, quê quán, chủ nhà mời tất cả cùng chụm môi uống “của vườn, của suối cho bớt mệt nhọc đường xa”. Họ vừa uống vừa hát, hỏi thăm, hát mời, hát tiễn đưa, hát hẹn ước. Ngày nay, rượu cần đã trở thành đặc sản nổi tiếng không chỉ riêng đối với Hoà Bình mà đã có thương hiệu trên toàn quốc được nhiều thực khách tìm kiếm thưởng thức.
Rượu cần đã đi vào đời sống của người Mường như một thành tố văn hoá không thể thiếu nên được người Mường rất coi trọng và phổ biến trong cuộc sống thường nhật hàng ngày và đã trở thành một di sản văn hoá độc đáo xuyên suốt quá trình phát triển từ ngàn đời xưa cho đến ngày nay của dân tộc Mường.
Nguồn: https://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/van-hoa/2540-a-m-ha-i-r-a-u-ca-n-ta-nh-ha-a-ba-nh-n-m-2024