Những phẩm chất đạo đức – giá trị di sản của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tinh thần học tập suốt đời. Học tập ở đây không chỉ là học trên ghế nhà trường, mà còn là học trong thực tế công việc, học trong cuộc sống, học mọi lúc, mọi nơi.
GS. Mạch Quang Thắng nêu quan điểm, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo, nhiều phát biểu tâm đắc, sâu sắc, ấn tượng, đi vào đời sống… (Ảnh: NVCC) |
Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhớ nằm lòng câu nói của người cộng sản trẻ tuổi Paven Coocsaghin, nhân vật trong tiểu thuyết “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nga Nicolai Ostrovsky: “Cái quý nhất của con người là cuộc sống và danh dự sống, bởi vì đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí; để khỏi hổ thẹn vì những việc làm ty tiện, đớn hèn, bị mọi người khinh bỉ; để đến khi nhắm mắt xuôi tay ta có thể tự hào rằng: Tất cả đời ta, tất cả sức ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao đẹp nhất trên đời – sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, mang lại hạnh phúc cho Nhân dân”.
Một điều khiến người dân nhớ mãi về cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chính là vẻ đẹp nhân phẩm của một con người ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nhưng vẫn khiêm cung, giản dị và vô cùng liêm chính…
Báo Thế giới và Việt Nam đã có cuộc trao đổi với GS. Mạch Quang Thắng, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nguyên Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh về phẩm chất, đạo đức, nhân cách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong giáo dục thế hệ trẻ thời nay. Cần chú trọng giáo dục nhân cách để tạo ra những con người tử tế, nhân tài thật trong tương lai nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết của Đảng đã đề ra.
Tấm gương về tinh thần học tập suốt đời
Thưa GS, theo ông, những phẩm chất đạo đức – giá trị di sản nào của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nên được nhân rộng, lan tỏa trong giới trẻ thời đại ngày nay?
Tháng 11/2020, dịp kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm thầy cô và mái trường nơi mình từng học hành, chân tình và cung kính xin phép xưng em với thầy cô… “Em báo cáo các thầy, các cô bây giờ em là Tổng bí thư, Chủ tịch nước (thời điểm năm 2020) nhưng khi về trường em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Trong buổi lễ, các thầy cũng giới thiệu em là cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng. Em cũng xin phép được phát biểu cảm tưởng về những kỷ niệm của thời học sinh, về những kỷ niệm đẹp với các thầy, các cô và các bạn học”.
Tới dự gặp mặt lớp cũ, ông nhờ người chở mình đi xe máy. Gặp thầy cô, bạn bè, ông nói: “Xin cho em, cho tôi bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, các cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn…”.
Tổng Bí thư từng nói: “Ta là con cháu cụ Hồ, Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam, dân tộc là dân tộc Việt Nam, đất nước này nhất định phải phát triển đi lên, không được phép tụt hậu so với các nước khác, không cam chịu kém người khác. Chúng ta phải xác định quyết tâm ý chí như vậy”.
Theo tôi, những phẩm chất đạo đức – giá trị di sản của ông là tinh thần học tập suốt đời. Học tập ở đây không chỉ là học trên ghế nhà trường, mà còn là học trong thực tế công việc, học trong cuộc sống, học mọi lúc, mọi nơi – bởi vì “thực tế cũng là một thầy dạy nghiêm khắc”.
Kết quả của việc học tập cùng những di sản văn hóa mà cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại nhìn từ sự “đánh giá” của nhân dân trong lễ tang. Dân đã tôn vinh, kính trọng và dành tình cảm cho ông nhiều như thế nào.
Dưới góc nhìn của ông, giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống giản dị quan trọng như thế nào trong bối cảnh xã hội hiện nay, đặc biệt trong quá trình hội nhập quốc tế?
Cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều chỉ đạo, phát biểu sâu sắc, ấn tượng, đi vào đời sống nhân dân…Trong một phát biểu, ông đã nói: Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Bối cảnh xã hội hiện nay ở trong nước và quốc tế khá phức tạp. Con người ta, ai cũng có một môi trường sống nhất định, đó là môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chính vì thế, tôi cho rằng, ngày nay, việc giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống rất quan trọng. Giáo dục như thế nào để con người luôn giữ được “tính bản thiện”. Tức là, con người có phẩm chất tốt đẹp và có trí tuệ sáng suốt, là con người luôn có tư duy và hành động đúng đắn, sống thiện lương, yêu điều thiện, ghét điều xấu, điều ác. Thời hiện đại, càng phải chú trọng rèn luyện đạo đức, nên sống chậm lại, sống giản dị, lành mạnh.
Để thực hiện tốt khẩu hiệu này, chúng ta cần làm gì để đổi mới phương pháp dạy và học, đánh giá chất lượng giáo dục? Làm sao để việc “học thật, thi thật, nhân tài thật” thực sự đi vào cuộc sống, thưa ông?
Theo tôi, cách tốt nhất là phải đề cao việc “học thật, thi thật, nhân tài thật”, phải xây dựng một nền thực học. Muốn điều này đi vào cuộc sống thì không chỉ cần trách nhiệm cao của ngành giáo dục mà phải quy trách nhiệm của 4 “không gian”: Nhà trường – Gia đình – Xã hội – Cá nhân người học. Không gian nào cũng rất quan trọng.
Nhà trường không chỉ trang bị tri thức mà còn giáo dục đạo đức cho người học; “trồng người” nhưng trong “trồng người”, phải chú trọng “trồng cây uy đức”. Muốn tạo ra những con người giỏi giang, có nhân cách tốt thì gia đình phải đồng hành cùng nhà trường, không thể phó mặc cho nhà trường trong việc giáo dục trẻ, đồng thời không nên gây sức ép cho học sinh và thầy cô giáo.
Gia đình, nói như ngày xưa, phải là gia đình gia giáo, ông bà cha mẹ phải làm gương tốt cho cháu con mình. Xã hội cần chăm lo tới sự nghiệp trồng người, để khẩu hiệu “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” đi vào cuộc sống, hiệu quả. Bên cạnh đó, bản thân người học cũng phải “vươn mình”, phải phấn đấu học tập, cập nhật kiến thức không ngừng để không bị “chậm chân” trong một thế giới mà công nghệ ngày càng phát triển mạnh mẽ.
Muốn tạo ra những con người giỏi giang, có nhân cách tốt thì gia đình phải đồng hành cùng nhà trường. (Ảnh minh họa: Nguyệt Anh) |
Chung tay vì sự nghiệp giáo dục phát triển
Ông có thể chia sẻ tầm quan trọng của giáo dục trong việc xây dựng một đất nước văn minh, hiện đại, sánh vai với các cường quốc trên thế giới?
Tầm quan trọng của giáo dục đối với sự phát triển của một xã hội quan trọng như thế nào có lẽ ai cũng hiểu. Theo tôi, nhìn vào một xã hội để xem xã hội đó có tiến bộ, văn minh, hiện đại hay không, đến mức nào thì nhìn vào nhiều chỉ số, trong đó đặc biệt là chỉ số phát triển giáo dục, chứ không chỉ dựa vào chỉ số GDP.
Bên cạnh đó, các chỉ số khác cũng nên được nhấn mạnh như: Chỉ số phát triển con người (Human Development Index – HDI); Chỉ số hạnh phúc Happiness Index, – HI); Chỉ số đổi mới sáng tạo (Global Innovation Index – GII)… Nghĩa là, các chỉ số phát triển văn hóa, trong đó có giáo dục, hơn là một số người chỉ nhìn vào sự tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội hằng năm GDP (Gross domestic product), vào tổng sản phẩm quốc gia GNP (Gross National Product).
Ông nhận thấy những thách thức nào trong việc giáo dục nhân cách, đạo đức cho giới trẻ hiện nay?
Có rất nhiều thách thức, tùy vào cách nhìn của mỗi người. Một trong những thách thức hiện nay là giữa một bên là muốn trang bị thật nhiều tri thức cho giới trẻ và một bên là giáo dục đạo đức, nhân cách cho họ.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu: “Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8, khóa XI, số 29-NQ/TW ngày 4/11/2021 nêu giải pháp đột phá: “Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”. Sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết trên đây, ngày 12/8/2024, Bộ Chính trị khóa XIII đã ban hành Kết luận số 91-KL/TW về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW.
Cho nên, hãy vượt qua thách thức bằng cách thực hiện thật tốt những mục tiêu trên, cũng như thực hiện lời Bác Hồ nêu về sự học: Học để làm việc, học để làm người, học để phụng sự Tổ quốc và nhân dân, phụng sự Tổ quốc và nhân loại.
Đồng thời, cũng là theo tinh thần của UNESCO về tầm nhìn giáo dục thế kỷ XXI với 4 trụ cột: Học để biết, học để làm việc, học để chung sống với nhau và học để làm người. Chứng chỉ, bằng cấp chỉ là sự ghi dấu cụ thể khi sát hạch chất lượng học của người học vào một thời điểm nhất định chứ không phải là mục tiêu của giáo dục và đào tạo, càng không phải thước đo năng lực của mỗi con người.
Ông có đề xuất gì để nâng cao ý thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, để tạo ra những người tử tế, có trách nhiệm xã hội?
Nói đến cộng đồng là nói đến nhiều yếu tố: nhà trường, gia đình, xã hội… Tôi mong tất cả các cộng đồng đó chung tay vì sự nghiệp giáo dục phát triển, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho người trẻ.
Mục tiêu đặt ra tại Đại hội XIII của Đảng, đến năm 2030 Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để đạt được những mục tiêu đó, ngay từ bây giờ phải chăm lo giáo dục bắt đầu cho những người thuộc lớp mẫu giáo vì họ sẽ là đội quân chủ lực. Trước khi thành danh, làm giàu cho quê hương, đất nước, trước hết các em phải là những người tử tế, những người có trách nhiệm, yêu Tổ quốc, chuộng hòa bình, trân trọng những giá trị lịch sử mà thế hệ cha ông đã mang lại.
Tương lai, họ phải là những người được Đảng tôn vinh, dân yêu quý. Mong muốn đó phải đi liền với đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục toàn diện cho lớp trẻ, trong đó đặc biệt chú trọng tới giáo dục đạo đức, nhân cách, lối sống. Và cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một tấm gương tiêu biểu trong thời đại ngày nay để lớp trẻ học tập, noi gương.
Như vậy, để nâng cao ý thức cộng đồng về tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, cần làm theo quan điểm của Bác Hồ đã nêu trong trang đầu tiên cuốn Đường kách mệnh (năm 1927), phần Tư cách một người cách mệnh: “Nói thì phải làm”, cũng như Bác đã nêu trong Bài nói chuyện với các đại biểu thân sĩ trí thức, phú hào tỉnh Thanh Hóa, tháng 2/1947: “Tôi kêu gọi đồng bào trong tỉnh xắn tay áo làm đi”, hay đã nêu trong bài Dân vận (ngày 15/10/1949): “Cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh… phải thật thà nhúng tay vào việc”. Nghĩa là hành động, hành động, hành động.
Như trong phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Những thành tựu đó là sản phẩm kết tinh sức sáng tạo, là kết quả của cả một quá trình nỗ lực phấn đấu bền bỉ liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta…”.
Đó là kết quả đáng tự hào và qua đây càng thấy tầm quan trọng của việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách cho giới trẻ trong thời đại ngày nay, để tạo ra những nhân tài thật trong tương lai góp phần xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, phát triển.
Xin cảm ơn ông!