Nhân dịp kỷ niệm 79 năm Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (2.9.1945 – 2.9.2024), chúng ta cùng nhìn lại hành trình phát triển của đất nước hình chữ S. Việt Nam đã và đang tạo dựng được một cơ đồ mới, tiềm lực mới, góp phần nâng cao uy tín quốc tế thông qua sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, các hoạt động ngoại giao, tham gia vào các tổ chức quốc tế và đóng góp vào các vấn đề toàn cầu.
Đường phố Hà Nội trang hoàng rực rỡ chào mừng 79 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2.9. Ảnh: Tô Thế
Sự phát triển của kinh tế
Bắt đầu từ Đại hội VI của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1986, Đảng ta đã đưa ra quyết định thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện nhằm đưa đất nước ra khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế và xã hội. Đến Đại hội IX năm 2001, mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là mô hình phát triển cho giai đoạn quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Đây là một nền kinh tế thị trường hiện đại, hội nhập quốc tế, được quản lý bởi Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa với mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Trải qua gần 40 năm kiên trì theo đường lối đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong lĩnh vực kinh tế với những bước tiến vượt bậc. Từ một quốc gia nông nghiệp lạc hậu với quy mô kinh tế nhỏ, GDP chỉ đạt 26,3 tỉ USD, Việt Nam đã chuyển mình thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất khu vực Đông Nam Á. Tính tới năm 2023, quy mô của nền kinh tế đã tăng gấp 58 lần so với những năm đầu đổi mới với GDP đạt 430 tỉ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.300 USD, trong khi tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới giảm chỉ còn 2,9 %.
Từ năm 2008, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp và phấn đấu trở thành một quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030. Tốc độ tăng trưởng GDP luôn ở mức cao, cùng với sự gia tăng đáng kể trong xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài. Chính phủ Việt Nam đã thực hiện nhiều cải cách kinh tế quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và cải thiện môi trường đầu tư. Với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu gần 700 tỉ USD và thu hút đầu tư nước ngoài lên tới 23 tỉ USD vào năm 2023, Việt Nam đã thực sự trở thành một nền kinh tế có mức độ hội nhập toàn cầu khi trở thành đối tác thương mại lớn thứ 22 thế giới.
Sự phát triển kinh tế kéo theo những tiến bộ xã hội, từ việc nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc y tế đến việc giảm nghèo bền vững. Những thành tựu này không chỉ cải thiện đời sống của người dân mà còn tạo nền tảng vững chắc cho Việt Nam trong việc khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tham gia tích cực vào các tổ chức, hoạt động quốc tế
Việt Nam đã và đang thể hiện vai trò tích cực trong các hoạt động ngoại giao quốc tế. Là một thành viên của Liên Hợp Quốc từ năm 1977, Việt Nam đã tham gia tích cực vào nhiều hoạt động của tổ chức này, đồng thời giữ vai trò quan trọng trong các diễn đàn quốc tế như ASEAN, APEC và WTO.
Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, thể hiện sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Trong vai trò này, Việt Nam đã thúc đẩy nhiều sáng kiến quan trọng, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam đã thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và hòa bình thế giới. Là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã chủ động tham gia vào các nỗ lực quốc tế nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách và chương trình hành động để bảo vệ môi trường, phát triển năng lượng tái tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng về biến đổi khí hậu. Năm 2023 đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lĩnh vực lâm nghiệp Việt Nam: Lần đầu tiên, Việt Nam đã bán thành công 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng (tương đương 10,3 triệu tấn CO2) thông qua Ngân hàng Thế giới (WB). Giao dịch này, với đơn giá 5 USD/tấn, đã mang về 51,5 triệu USD (khoảng 1.200 tỉ đồng).
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc. Năm 2014, đánh dấu cột mốc quan trọng khi hai sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam lần đầu tiên được triển khai đến Nam Sudan. Đây là bước đi đầu tiên, nhưng đầy ý nghĩa, thể hiện cam kết của Việt Nam đối với hòa bình và an ninh quốc tế. Kể từ đó, con số này đã tăng lên đáng kể. Đến nay, hơn 800 lượt sĩ quan và quân nhân chuyên nghiệp Việt Nam đã tham gia các phái bộ gìn giữ hòa bình không chỉ ở Nam Sudan mà còn ở Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và ngay cả tại trụ sở Liên Hợp Quốc.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Việt Nam vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong quá trình phát triển. Tình hình kinh tế thế giới biến động, cạnh tranh kinh tế quốc tế ngày càng gay gắt, cùng với các vấn đề nội tại như ô nhiễm môi trường, chênh lệch giàu nghèo đòi hỏi Việt Nam phải có những chiến lược phát triển bền vững và toàn diện hơn.
Tuy nhiên, những thách thức này cũng mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam. Với vị trí địa lý chiến lược, nguồn nhân lực dồi dào và chính sách mở cửa, nước ta có tiềm năng lớn để tiếp tục phát triển và khẳng định vị thế của mình trên trường quốc tế. 79 năm sau ngày Quốc khánh, Việt Nam đã và đang vươn lên mạnh mẽ, xây dựng một cơ đồ mới, tiềm lực mới, khẳng định vị thế và uy tín quốc tế. Những thành tựu đạt được không chỉ là kết quả của nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc mà còn là minh chứng cho sự đúng đắn của đường lối phát triển mà Đảng và Nhà nước đã đề ra. Trong tương lai, với tinh thần đoàn kết và quyết tâm vươn lên, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ trên bản đồ thế giới.
Laodong.vn
Nguồn:https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/co-do-tiem-luc-va-vi-the-cua-viet-nam-1386671.ldo