Bài viết của Đại sứ Dương Hoài Nam về chuyến thăm chính thức Cộng hòa Czech của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trên Tạp chí Czech & Slovak LEADER. |
Báo Thế giới và Việt Nam trân trọng giới thiệu nội dung bài viết của Đại sứ Việt Nam tại Cộng hòa Czech Dương Hoài Nam trên Tạp chí Czech & Slovak LEADER với tiêu đề “Chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Quan hệ Đối tác chiến lược tạo động lực mới cho quan hệ Việt Nam-Czech”.
Kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech năm nay (1950 – 2025) được đánh dấu bằng chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Phu nhân tới Cộng hòa Czech từ ngày 18-20/1/2025.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của một người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới quốc gia châu Âu này kể từ sau đại dịch Covid-19. Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đặt chân đến Cộng hòa Czech năm 2025.
Chuyến thăm này được kỳ vọng sẽ đánh dấu một cột mốc mới và mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech, dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung. Dự kiến trong chuyến thăm, Thủ tướng Phạm Minh Chính và người đồng cấp Czech – Thủ tướng Petr Fiala sẽ tuyên bố nâng cấp quan hệ Việt Nam – Cộng hòa Czech lên Đối tác chiến lược, phản ánh mong muốn cùng xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai giữa hai nước.
Sau hành trình 75 năm vun đắp quan hệ giữa hai quốc gia, có thể nói rằng quan hệ Việt Nam – Cộng hòa Czech chưa bao giờ bền chặt hơn thế. Về mặt chính trị, Việt Nam và Czech chia sẻ tầm nhìn về một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng, tôn trọng chủ quyền và luật pháp quốc tế.
Hai bên duy trì thường xuyên các cuộc tiếp xúc, đối thoại và trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm cấp cao, trong đó đáng chú ý nhất là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Petr Fiala vào tháng 4/2023 và chuyến thăm gần đây nhất tới Cộng hòa Czech của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân vào tháng 11/2024. Hai nước ủng hộ nhau trong nhiều tổ chức, thỏa thuận quốc tế và khu vực.
Về kinh tế, kim ngạch thương mại song phương đang tăng trưởng mạnh mẽ, tạo nền tảng vững chắc cho quan hệ hai nước. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cộng hòa Czech đạt khoảng 3,8 tỷ USD vào năm 2024, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023.
Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực, được thúc đẩy bởi sản xuất hướng đến xuất khẩu, đầu tư trực tiếp nước ngoài và nhu cầu trong nước ngày càng mạnh mẽ.
Việt Nam cam kết hội nhập kinh tế toàn cầu và tự do hóa thương mại thông qua việc tham gia tích cực vào nhiều thỏa thuận toàn cầu và khu vực, cụ thể là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Diễn đàn Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Á-Âu (ASEM), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và mạng lưới các hiệp định thương mại tự do đang phát triển, đáng chú ý là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP). Việt Nam và Czech cũng đang hợp tác thông qua Hiệp định Thương mại Tự do Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư Liên minh châu Âu-Việt Nam (EVIPA).
Bài viết trên trang điện tử của Tạp chí Czech & Slovak LEADER. (Ảnh chụp màn hình) |
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam, sự chuyển dịch theo hướng mở rộng thương mại và tầng lớp trung lưu ngày càng nhiều đã làm tăng nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu. Điều này tạo ra những cơ hội đáng kể cho các nhà xuất khẩu hàng tiêu dùng, bông len, máy móc, phụ tùng ô tô và dịch vụ chuyên nghiệp của Cộng hòa Czech.
Những xu hướng này cũng làm tăng nhu cầu về dịch vụ giáo dục và đào tạo của Việt Nam. Nhu cầu đào tạo trong các lĩnh vực như kinh doanh – quản lý, luật thương mại quốc tế và công nghệ thông tin vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở các trung tâm đô thị lớn.
Trong khi đó, ngành sản xuất và khai khoáng, cũng như máy móc, thiết bị điện tử, thiết bị cơ khí và giáo dục của Czech đều có uy tín cao tại Việt Nam. Czech được coi là một quốc gia hiện đại, tiên tiến về công nghệ và thân thiện. Các cơ hội đầu tư và thương mại dài hạn sẽ tăng dần nhờ hưởng lợi từ việc thực hiện Hiệp định EVFTA và EVIPA của hai nước.
Các lĩnh vực hợp tác song phương khác cũng đang phát triển mạnh mẽ, bao gồm quốc phòng – an ninh, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, nông nghiệp, văn hóa, du lịch… Trong số đó, hợp tác quốc phòng – an ninh được coi như điểm sáng của hợp tác song phương. Hai bên đang hợp tác chặt chẽ trong ngành công nghiệp quốc phòng, cũng như trong thương mại quân sự, trao đổi nhân sự, đào tạo, và các hoạt động gìn giữ hòa bình. Hai bên cũng đang hợp tác đấu tranh phòng chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và buôn bán ma túy.
Có lẽ điều quan trọng nhất đối với tương lai của hai quốc gia là mối quan hệ giữa người dân với người dân. Đây đã và đang là trọng tâm của quan hệ song phương, đặc biệt là khi quan hệ Đối tác chiến lược ra đời. Hiện có khoảng 100.000 người Việt Nam đang sinh sống tại Czech, những người củng cố cộng đồng kiều bào trên khắp “trái tim châu Âu” và có những đóng góp ý nghĩa cho sự phát triển kinh tế – xã hội của Cộng hòa Czech. Họ cũng đóng vai trò là cầu nối vun đắp tình hữu nghị giữa hai quốc gia.
Có thể khẳng định rằng, tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam và Czech trong tương lai là rất lớn. Quan hệ Đối tác chiến lược sẽ được thiết lập trong chuyến thăm Cộng hòa Czech của Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ tạo động lực mới để tăng cường lòng tin chính trị, góp phần mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới mà hai bên cùng quan tâm, trong đó bao gồm khí hậu, môi trường, năng lượng, chuyển đổi kỹ thuật số và đổi mới sáng tạo. Việc mở một đường bay thẳng giữa hai quốc gia cũng sẽ tô điểm thêm vẻ đẹp và sắc màu cho mối quan hệ song phương đang phát triển mạnh mẽ. Điều này sẽ đưa Việt Nam và Cộng hòa Czech trở thành đối tác hàng đầu của nhau vào thời điểm quan trọng đối với cả hai quốc gia.