Ngày 3/9, sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh tại thủ đô Ulaanbaatar, Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, hai bên có lập trường tương đồng về một số vấn đề thế giới.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh trong cuộc hội đàm ngày 3/9 ở thủ đô Ulaanbaatar. (Nguồn: TASS) |
Hãng thông tấn TASS dẫn lời Tổng thống Putin nêu rõ, trong nhiều vấn đề quốc tế, Nga và Mông Cổ cùng chia sẻ lập trường chung và sự hợp tác song phương trong lĩnh vực quốc phòng cũng như chống khủng bố góp phần đảm bảo an ninh ở châu Á.
Ngoài ra, nhà lãnh đạo Nga cũng cho biết thêm, người dân Mông Cổ được học tiếng Nga từ khi còn nhỏ và điều này mở ra nhiều cơ hội để tăng cường quan hệ kinh doanh, khoa học và văn hóa giữa hai nước. Nga sẽ tiếp tục hỗ trợ việc học tiếng Nga ở Mông Cổ, bao gồm cả ở các khu vực biên giới giữa hai nước.
Đáng chú ý, theo nhà lãnh đạo Nga, năm ngoái, hơn 90% xăng và dầu diesel được đưa vào thị trường Mông Cổ là từ Nga và quan hệ đối tác song phương về năng lượng không chỉ giới hạn ở xuất khẩu hydrocarbon.
Nga khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp điện cho người tiêu dùng Mông Cổ, sẵn sàng thực hiện các dự án chung trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, dựa trên các công nghệ hiện đại và an toàn nhất của Nga, trong đó có việc sử dụng các lò phản ứng mô-đun nhỏ.
Về phần mình, Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagiin Khurelsukh cảm ơn Tổng thống Nga đã có chuyến thăm chính thức nước này, mong muốn củng cố tình hữu nghị keo sơn giữa nhân dân hai nước.
Ông cũng khẳng định Mông Cổ muốn phát triển và mở rộng tương tác với Nga trong khuôn khổ chính sách đối ngoại đa phương diện của nước này.
Nhà lãnh đạo Mông Cổ tin tưởng Hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU) sẽ tạo ra những cơ hội mới cho Mông Cổ mở rộng hợp tác với Nga, giúp cải thiện môi trường pháp lý cho hoạt động thương mại song phương và tạo ra những cơ hội mới cụ thể để mở rộng hợp tác kinh tế.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, các quan chức hai nước đã ký 5 văn bản thỏa thuận hợp tác về cung cấp các sản phẩm dầu mỏ, cung cấp nhiên liệu phản lực cho Mông Cổ, phát triển thiết kế cơ bản cho dự án cải tạo nhà máy nhiệt điện kết hợp CHP-3 tại Ulaanbaatar, cung cấp phúc lợi dịch bệnh và biên bản ghi nhớ về việc bảo tồn hồ Baikal và sông Selenga.
Ngày 3/9, Tổng thống Nga Putin có chuyến thăm chính thức tới Mông Cổ theo lời mời của người đồng cấp Ukhnaagiin Khurelsukh. Chuyến thăm gần đây nhất của ông tới Mông Cổ diễn ra vào năm 2019.
Trong chuyến thăm lần này, Tổng thống Putin cũng đã có các cuộc gặp với Thủ tướng Luvsannamsrain Oyun-Erdene và Chủ tịch Quốc hội Dashzegviin Amarbayasgalan.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hồi năm 2023, Tòa Hình sự quốc tế (ICC) đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Putin liên quan xung đột ở Ukraine, song bị Moscow bác bỏ. Mông Cổ đã ký Hiệp ước Rome về ICC, theo đó sẽ phải thực hiện lệnh bắt giữ nếu ông Putin đặt chân đến lãnh thổ khi ICC yêu cầu.
Tuy nhiên, ngay trước chuyến thăm, ngày 30/8, Điện Kremlin cho biết, Nga không lo lắng việc Mông Cổ bắt giữ ông Putin theo lệnh này và “mọi khía cạnh của chuyến thăm đều được chuẩn bị cẩn thận”.
Chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Putin gặp phản ứng mạnh từ phía Ukraine. Kiev cáo buộc Ulaanbaatar phải chịu một phần trách nhiệm khi các sĩ quan cảnh sát Mông Cổ không bắt giữ ông Putin ở sân bay.
Trong khi đó, Lithuania cũng cho rằng, chuyến thăm Mông Cổ của Tổng thống Nga “là một ví dụ nữa về sự rạn nứt trong quan hệ quốc tế” và Vilnius đã bày tỏ sự không hài lòng với đại diện của chính phủ quốc gia Đông Á.
Theo Lithuania, đây “không phải là lời kêu gọi cuối cùng” và các quốc gia Bắc Âu cùng Baltic “vẫn đang phối hợp để đưa ra tuyên bố chung trong Liên minh châu Âu (EU)”.