Ngày 28/10/2024, Bảo tàng tỉnh Hoà Bình phối hợp cùng Phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lạc Sơn tổ chức Chương trình tuyên truyền giới thiệu nội dung giá trị di tích quốc gia đặc biệt Mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn.
Tới dự Chương trình có ông Tô Anh Tú – Giám đốc Bảo tàng tỉnh; Ông Nguyễn Đình Hòa – Phó trưởng phòng Văn hoá và Thông tin huyện Lạc Sơn; Ông Nguyễn Văn Tiến – Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lạc Sơn; Bà Phạm Thị Vân Anh – Phó Chủ tịch uỷ ban nhân dân xã Yên Phú; Ông Đào Việt Hà – Hiệu trưởng trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yên Phú cùng hơn 100 thầy cô giáo và các em học sinh trường Tiểu học và Trung học cơ sở Yên Phú đã tới dự.
Các em học sinh tham quan, tìm hiểu những hình ảnh tiêu biểu
về di tích Mái đá Làng Vành
Hoà Bình là một tỉnh miền núi, cửa ngõ vùng Tây Bắc có vị trí địa lý quan trọng, là vùng đệm trung gian tiếp nối giữa đồng bằng châu thổ Bắc Bộ với vùng núi cao miền Tây Bắc của tổ quốc. Là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây, đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú, nên ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất Hoà Bình, để lại một nền văn hoá nổi tiếng “Văn hoá Hoà Bình”.
Người Hòa Bình tự hào về lịch sử lâu đời của mình, tự hào là địa điểm đầu tiên được phát hiện và được mang tên một nền văn hóa khảo cổ không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà còn ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, đó là nền “Văn hóa Hòa Bình”, tồn tại trong thời gian dài từ 30.000 – 4.000 năm cách ngày nay và người có công đầu trong việc phát hiện, nghiên cứu là nhà nữ khảo cổ học người Pháp Madeleine Colani.
Tại Việt Nam, tính đến thời điểm hiện nay có trên 130 địa điểm Văn hoá Hoà Bình, nhưng phân bố không đều, tập trung nhiều nhất tại hai tỉnh: Hoà Bình (hơn 70 điểm) và Thanh Hoá (hơn 30 điểm), số còn lại phân bố rải rác ở các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị và Hà Nội. Các di chỉ Văn hoá Hoà Bình chủ yếu tập trung ở vùng núi đá vôi tại các thung lũng hoặc các hang động, mái đá.
Từ khi phát hiện đến nay, các di tích văn hóa Hòa Bình đã thu hút được đông đảo các nhà khoa học trên thế giới và trong nước quan tâm nghiên cứu. Tại tỉnh Hòa Bình, một trong những địa điểm được các nhà khoa học quan tâm nhiều nhất đó là hang Xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. Đây là 2 địa điểm tiêu biểu nhất đại diện cho giai đoạn Hòa Bình giữa (Hòa Bình đặc trưng) có ý nghĩa rất quan trọng trong diễn trình phát triển của nền Văn hóa Hòa Bình.
Trong đó di tích mái đá Làng Vành là di tích khảo cổ học thời đại đá tiêu biểu thuộc nền Văn hoá Hoà Bình, được nhà nữ khảo cổ học người Pháp M.Colani phát hiện và khai quật từ năm 1929. Nội dung cuộc khai quật mới chỉ trình bày vắn tắt trong Tập san của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp số ra năm 1929, nhưng đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của giới nghiên cứu trong và ngoài nước. Hiện nay di tích còn giữ được nguyên trạng một phần tầng văn hoá gốc, trên vách mái đá còn lại khá nhiều lớp trầm tích của kỷ Đệ Tứ. Di tích có địa tầng rất dày, chứa tổ hợp công cụ đá, gốm, mộ táng của cư dân Văn hoá Hoà Bình niên đại từ 17.000 – 8.000 năm cách ngày nay.
Các vị đại biểu, thầy cô giáo và các em học sinh chụp ảnh lưu niệm tại buổi tuyên truyền
Năm 2022, di tích mái đá làng Vành tiếp tục được khai quật. Thông qua cuộc khai quật phát hiện được dấu vết của một số di tích bếp lửa, các cụm xương động vật, các cụm đá tảng cuội có thể liên quan đến chỗ ngồi chế tác công cụ hay chế biến thức ăn của người tiền sử. Trong các hố khai quật và thám sát thu được một khối lượng khá lớn về di vật, chủ yếu là đồ đá, đồ xương, đồ gốm và nhuyễn thể; có thêm 7 niên đại tuyệt đối cho di tích mái đá làng Vành, sau khi có kết quả hiệu chỉnh vòng cây sẽ có niên đại tuyệt đối sớm nhất ở di tích này lên tới 25 triệu năm cách ngày nay.
Kể từ khi phát hiện cho đến nay, di tích mái đá Làng Vành là một trong những di tích Văn hoá Hoà Bình có tầng văn hóa dày và bộ di vật khá phong phú về công cụ đá cũng như công cụ xương so với các di tích Văn hoá Hoà Bình khác ở Việt Nam đã được khai quật. Di tích thể hiện rõ nét về đặc trưng của một di tích lớn mang tính chất trung tâm vùng lõi của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam. Đây là bằng chứng gốc về nguồn gốc của Văn hóa Hòa Bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Với những giá trị đặc biệt tiêu biểu đó, di tích khảo cổ Mái đá làng Vành được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích khảo cổ cấp quốc gia vào năm 2023. Đến năm 2024, di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 694/QĐ-TTg ngày 18/7/2024).
Thông qua buổi tuyên truyền, Bảo tàng tỉnh Hòa Bình đã truyền tải đến thầy cô giáo và các em học sinh những giá trị đặc biệt của di tích Mái đá Làng Vành để các em học sinh thêm tự hào về những sự kiện lịch sử, những nét đẹp văn hóa đã góp phần hình thành nên bản sắc của quê hương mình. Để từ đó, có ý thức chung tay bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống này. Mỗi em học sinh hôm nay không chỉ là người học mà còn là người giữ gìn, lan tỏa những giá trị di sản văn hóa đến với bạn bè, gia đình và cộng đồng. Vì bảo tồn di sản văn hoá của cha ông để lại không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự hào của mỗi người dân bởi di sản văn hoá là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại và là hành trang cho tương lai.
Phùng Ân
(Bảo tàng tỉnh)
Nguồn: https://sovanhoa.hoabinh.gov.vn/van-hoa/2518-ba-o-ta-ng-ta-nh-ta-cha-c-ch-ng-tra-nh-tuya-n-truya-n-gia-i-thia-u-na-i-dung-gia-tra-di-ta-ch-qua-c-gia-a-c-bia-t-ma-i-a-la-ng-va-nh-xa-ya-n-pha-huya-n-la-c-s-n