Không chỉ là điểm đến thú vị về văn hóa và lịch sử, Bảo tàng Di sản văn hóa Mường đã và đang góp phần phát triển du lịch bền vững ở khu vực Tây Bắc nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng. Đây có thể coi là mô hình bắt kịp xu hướng du lịch “ăn chắc mặc bền”, kết hợp khéo léo giữa bảo tồn di sản văn hóa và phát triển kinh tế cộng đồng, giúp nâng cao nhận thức về giá trị văn hóa dân tộc Mường, đồng thời thúc đẩy du lịch xanh, phát triển bền vững.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Thanh Bình (ngoài cùng bên trái), Giám đốc Bảo tàng Di sản văn hóa Mường chia sẻ với du khách nước ngoài về văn hóa chiêng trong đời sống tinh thần của người Mường.
Nối tiếp mạch sống cho những giá trị văn hóa xưa cũ
Sau khi nghe bạn bè chia sẻ về bộ sưu tập hiện vật văn hoá dân tộc Mường của Nghệ nhân Ưu tú (NNƯT) Bùi Thanh Bình, anh Lê Tất Đạt (TP Hải Phòng) cùng người nhà đã có mặt tại TP Hòa Bình để mục sở thị những hiện vật quý giá. Đặc sắc và ấn tượng là cảm nhận của anh về bộ sưu tập hiện vật cũng như không gian bảo tàng. Khi được nghe NNƯT Bùi Thanh Bình chia sẻ, anh cùng gia đình lại càng thêm hứng thú với chuyến đi trải nghiệm này.
Nằm tại tổ 6, phường Thái Bình (TP Hòa Bình), Bảo tàng Di sản văn hóa Mường là bảo tàng tư nhân được UBND tỉnh cấp giấy phép hoạt động bảo tàng ngoài công lập, do NNƯT Bùi Thanh Bình làm giám đốc. Bảo tàng lưu giữ trên dưới 6.000 hiện vật, gồm hơn 100 chiếc chiêng cùng hàng nghìn hiện vật khác được sắp xếp, trưng bày khoa học, hợp lý, gắn liền với những giai đoạn phát triển của văn hóa Mường. Được khởi công xây dựng năm 2014, chính thức đưa vào hoạt động năm 2015, bảo tàng gồm 6 ngôi nhà chính, đáp ứng đầy đủ hoạt động trưng bày hiện vật, diễn xướng mo Mường, chiêng Mường. Bảo tàng không chỉ là địa điểm mang đến cái nhìn rõ nét về đời sống văn hóa, phong tục, tập quán của người Mường, mà còn là nơi bảo tồn, lưu giữ lại các giá trị truyền thống, như âm nhạc, dân ca, trang phục cùng các công cụ lao động truyền thống của dân tộc Mường.
Từ khi đi vào hoạt động, hàng năm bảo tàng thu hút nhiều lượt khách trong nước và quốc tế đến tham quan, nghiên cứu. Anh Lê Tất Đạt (TP Hải Phòng) chia sẻ: “Hiện ở Việt Nam có rất ít bảo tàng tư nhân do người dân tộc bản địa xây dựng. Bảo tàng này cho tôi ấn tượng sâu sắc từ việc được xây dựng bởi chính người Hòa Bình, có sự am hiểu về văn hóa, con người nơi họ được sinh ra. Tham quan và nghe chia sẻ từ NNƯT Bùi Thanh Bình, tôi cảm nhận bảo tàng như một cây cầu nối liền giữa quá khứ và hiện tại, đưa mọi người trở về với tiếng chiêng của mảnh đất Hòa Bình những năm tháng xưa cũ”.
Một trong những điểm mạnh của bảo tàng là mang đến cho du khách những trải nghiệm thực tế, sinh động về đời sống văn hóa Mường. Du khách không chỉ được tham quan các hiện vật trưng bày mà còn có cơ hội tham gia các hoạt động văn hóa, dệt thổ cẩm (quay tơ, kéo sợi), hay tham gia các lễ hội truyền thống của người Mường.
Bản sắc văn hóa làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững
Bên cạnh những kết quả đạt được, NNƯT Bùi Thanh Bình chia sẻ về phương hướng của bảo tàng trong thời gian tới: “Việc phát triển du lịch bền vững thông qua giảm thiểu tác động tiêu cực lên môi trường luôn được bảo tàng ưu tiên hàng đầu. Các hoạt động du lịch tại đây đều được tổ chức sao cho không làm ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái. Đồng thời khuyến khích du khách tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, như trồng cây, dọn vệ sinh khu vực xung quanh”.
Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển du lịch bền vững gắn chặt với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc; giữ gìn cảnh quan, bảo vệ môi trường; bảo đảm an ninh, quốc phòng, trật tự an toàn xã hội”.
Hòa Bình là tỉnh miền núi với nhiều dân tộc thiểu số sinh sống, trong đó dân tộc Mường chiếm đa số. Việc phát triển du lịch bền vững không chỉ giúp bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc mà còn đóng góp vào phát triển kinh tế của tỉnh. Bảo tàng Di sản văn hóa Mường có thể coi là một hình mẫu về du lịch bền vững trên địa bàn khi kết hợp giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế địa phương. Thông qua các hoạt động tại bảo tàng nhằm thu hút du khách trong nước và quốc tế, từ đó nâng cao giá trị thương hiệu du lịch Hòa Bình. Các sản phẩm thủ công mỹ nghệ của người dân địa phương được trưng bày và bán tại bảo tàng tạo cơ hội phát triển kinh tế cho cộng đồng. Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trưng, duy trì sự kết nối chặt chẽ với cộng đồng là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch.
La Hưng
Nguồn: http://www.baohoabinh.com.vn/16/196931/Bao-tang-Di-san-van-hoa-Muong-gop-phan-phat-trien-du-lich-ben-lich-ben-vung.htm